Theo báo cáo của Công ty Kiểm toán Ernst & Young ngày 19-10, gần 1/3 tổng số tiền ảo được cấp vốn thông qua các nhà đầu tư trực tuyến vào năm ngoái đã mất phần lớn giá trị và đa số được giao dịch dưới giá niêm yết.
Các chuyên gia của Ernst & Young đã phân tích hơn 141 dự án cấp vốn vào năm 2017 thông qua các đợt phát hành đồng tiền ảo ra công chúng lần đầu.
Phân tích cho thấy 86% các đồng tiền ảo này đã bị mất giá và xuống dưới mức giá niêm yết ban đầu trên sàn giao dịch trực tuyến.
Các công ty thường gây vốn thông qua đồng tiền ảo ra công chúng lần đầu để xây dựng nền tảng công nghệ mới hoặc đầu tư vào các doanh nghiệp sử dụng tiền ảo và chuỗi khối, hay các phần mềm nền tảng của những công nghệ này.
Ernst & Young đã phân tích 86 dự án được cấp vốn trong năm 2017 và phát hiện 71% trong số này không có sản phẩm nào hoặc được chào bán ra thị trường.
Theo Ernst & Young, tỷ lệ này cao hơn rất nhiều so với các doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực phần mềm truyền thống.
Báo cáo trên được đưa ra sau khi việc đầu tư vào tiền ảo bùng nổ. Nhiều doanh nghiệp gây vốn được hàng trăm triệu USD trực tuyến, chỉ với một ý tưởng kinh doanh và vài nhân viên.
Sự bùng nổ tiền ảo vào năm 2017 đã diễn ra cùng lúc với việc giá trị đồng bitcoin bị đẩy lên đỉnh vào tháng 12 năm ngoái ở mức 20.000 USD.
Kể từ thời điểm đó, thị trường tiền ảo đã mất giá tới hơn 70%. Bất chấp tình trạng này, nhiều thể chế tài chính lớn, trong đó có Công ty Đầu tư Fidelity Investments và Tập đoàn Goldman Sachs Group Inc vẫn cho ra các sản phẩm hoặc hỗ trợ các công ty trong lĩnh vực này.
Đa số các tiền ảo được mã hóa đều được sử dụng làm hình thức thanh toán trên trang web hoặc các mạng lưới mà họ đang xây dựng.
Ernst & Young chỉ ra rằng các công ty dù đã tạo ra sản phẩm, nhưng lại bắt đầu tiếp nhận các khoản thanh toán bằng đồng tiền truyền thống. Chính động thái này đã làm giảm giá trị tiền ảo mã hóa của các nhà đầu tư. Một số nhà đầu tư thậm chí còn cùng nhau ngừng sử dụng tiền ảo mã hóa của chính mình.
Trong bối cảnh tiền ảo bị mất giá trầm trọng, Lực lượng Đặc nhiệm tài chính, có trụ sở tại Paris (Pháp), cho rằng loại tiền này vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ bị khủng bố lợi dụng để nhận hỗ trợ tài chính, do đó các chính phủ cần phối hợp để giải quyết mối đe dọa kỹ thuật số này.
Dù tiền ảo và các dịch vụ liên quan có triển vọng giúp cải thiện hiệu quả và đổi mới tài chính, song chúng cũng tạo ra cơ hội cho tội phạm và khủng bố rửa tiền hoặc cung cấp tiền cho các hoạt động bất hợp pháp.
Tháng 3 vừa qua, các bộ trưởng tài chính nhóm 20 nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) đã yêu cầu Lực lượng Đặc nhiệm tài chính đánh giá tiền ảo, đặc biệt là vấn đề làm sao quản lý đồng tiền điện tử này bằng những quy định dùng cho hoạt động tài chính truyền thống.
Việc sử dụng tiền ảo mà không để lộ danh tính hiện đang là mối lo ngại cho các chính phủ, do các hoạt động bất hợp pháp như rửa tiền, hỗ trợ khủng bố và trốn thuế sẽ trở nên dễ dàng hơn.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.