(HNM) - Thanh Trì là một trong số ít huyện của Hà Nội đã có 100% xã được UBND thành phố ra quyết định công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Không chỉ thành công trong xây dựng nông thôn mới, Huyện ủy Thanh Trì còn có nhiều sáng kiến, sáng tạo trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, giải quyết hiệu quả những vấn đề dân sinh.
Một trong những yếu tố quan trọng góp phần làm nên kết quả đó là nhờ huyện đã gắn thực hiện các nhiệm vụ chính trị với việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Đây cũng chính là kinh nghiệm cần được nhân rộng trong triển khai thực hiện Chỉ thị 05-CT/TƯ, ngày 15-5-2016, của Bộ Chính trị “về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” sắp tới. Báo Hànộimới có cuộc trao đổi với Bí thư Huyện ủy Trần Văn Khương về cách làm của Thanh Trì.
Bí thư Huyện ủy Thanh Trì Trần Văn Khương. |
Đảng viên đi trước
- Một trong những yêu cầu Chỉ thị số 03 - CT/TƯ của Bộ Chính trị (khóa XI) và Kế hoạch số 20-KH/TU, ngày 25-8-2011, của Thành ủy Hà Nội (khóa XV) là tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh gắn với thực hiện các nhiệm vụ chính trị. Vậy, 5 năm qua, Thanh Trì đã thực hiện yêu cầu này như thế nào, thưa đồng chí?
- Phải khẳng định, các cấp ủy từ huyện đến cơ sở đã thực hiện rất nghiêm chỉ đạo của Trung ương và Thành ủy. Chúng tôi đã đưa nội dung thực hiện Chỉ thị 03 của Bộ Chính trị, Kế hoạch số 20 của Thành ủy vào các chương trình hành động và 6 chương trình công tác của huyện, trong đó có những nội dung quan trọng, quyết định đối với phong trào xây dựng nông thôn mới. Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh đã trở thành nội dung sinh hoạt định kỳ của các chi bộ đảng gắn với xây dựng, thực hiện chuẩn mực đạo đức “làm theo” gương Bác của cán bộ, đảng viên, hội viên, đoàn viên; của chi, đảng bộ, cơ quan, đơn vị... Cụ thể hơn, các buổi sinh hoạt chi bộ đã lồng ghép một số nội dung như: Học tập và thảo luận những tài liệu về tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh và bàn biện pháp “làm theo”, tổ chức kể chuyện về 10 lần huyện Thanh Trì đón Bác về thăm, đồng thời liên hệ với thực tiễn trong các hoạt động của cơ quan, đơn vị mình. Qua đó, tạo sự chuyển biến tích cực cả về nhận thức và hành động góp phần nâng cao ý thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên trong chi bộ, tạo không khí dân chủ, cởi mở và tinh thần đoàn kết, thống nhất tương trợ giúp đỡ lẫn nhau.
100% chi bộ và đảng viên đã đăng ký ít nhất một việc làm cụ thể theo gương Bác; xây dựng kế hoạch tu dưỡng, rèn luyện của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức phù hợp với chức năng, nhiệm vụ được giao và đặc thù của từng cơ quan, đơn vị. Có thể nói, kết quả thực hiện các nhiệm vụ chính trị của địa phương trong 5 năm qua, nhất là chương trình xây dựng nông thôn mới của Thanh Trì thành công như vậy là nhờ sự chuyển biến về nhận thức của cán bộ, đảng viên và cả nhân dân khi thực hiện Chỉ thị 03.
- Nêu cao tinh thần trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy và chính quyền trong giải quyết dứt điểm những vấn đề bức xúc, nổi cộm, hạn chế, yếu kém ở mỗi lĩnh vực, địa phương, đơn vị, củng cố niềm tin của nhân dân... chính là thiết thực làm theo gương Bác. Vậy, Thanh Trì đã làm được điều này chưa?
- Đây là mục tiêu đảng bộ huyện đặt ra trong quá trình thực hiện Chỉ thị 03 gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”. Huyện ủy đã tổ chức kiểm tra, giám sát việc kiểm điểm tự phê bình, phê bình theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) tại các chi, đảng bộ trực thuộc. Trong đó, Ban Thường vụ Huyện ủy chỉ đạo 9 tổ chức cơ sở Đảng tổ chức kiểm điểm sâu để tập trung giải quyết những vấn đề như: Công tác xây dựng nông thôn mới, dồn điền đổi thửa, công tác GPMB, quản lý đất đai, trật tự xây dựng, quản lý đô thị, vệ sinh môi trường, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân... Kết quả sau kiểm điểm sâu tại 9 tổ chức cơ sở Đảng đã thấy rõ những chuyển biến. Đồng thời, chúng tôi cũng đổi mới phương pháp đánh giá cán bộ, đảng viên bảo đảm khoa học, khách quan, tránh xuôi chiều, phát huy dân chủ, trí tuệ tập thể. Qua đó, ý thức tự giác, chất lượng công việc, đặc biệt là vai trò của cán bộ, đảng viên được nâng lên.
- Xin đồng chí cho biết cụ thể hơn?
- Ví dụ, trong bối cảnh nguồn lực khó khăn, ngân sách hạn hẹp, không huy động được sức dân thì không thể xây dựng nông thôn mới. Nhưng huy động như thế nào để vừa sức dân lại là vấn đề mà cấp ủy, chính quyền phải cân nhắc kỹ mới có lời giải cho từng địa phương cụ thể. Thanh Trì đã làm tốt việc tuyên truyền, vận động làm thay đổi nhận thức trước tiên đối với đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên, nhất là đảng viên. Trong tất cả công việc, đảng viên trở thành những hạt nhân lan tỏa và cộng hưởng sức mạnh, là những tấm gương để người dân soi vào, học tập và làm theo. Nhờ đó, trong xây dựng nông thôn mới, đến nay Thanh Trì đã có trên 1.000 hộ gia đình tham gia hiến đất làm đường làng, ngõ xóm với tổng diện tích lên đến 11.380m2. Người dân trên địa bàn huyện còn đóng góp 207.482 ngày công lao động. Huyện đã huy động được ngoài nguồn ngân sách 233 tỷ đồng cho xây dựng nông thôn mới. Nhờ sự ủng hộ của người dân, huyện đã hoàn thành 100% kế hoạch dồn điền đổi thửa mà không để phát sinh phức tạp, khiếu kiện. Trong 49 tập thể và 48 cá nhân tiêu biểu được huyện biểu dương về thực hiện Chỉ thị 03, có nhiều đảng viên - những người nêu gương trước quần chúng, sẵn sàng nhận và hoàn thành việc khó, việc mới.
- Như vậy có thể thấy rằng, mấu chốt thành công trong thực hiện Chỉ thị 03 của Thanh Trì là gắn với nhiệm vụ chính trị, đặc biệt là phát huy vai trò gương mẫu của đảng viên, huy động sức mạnh tổng hợp từ nhân dân?
- Đúng vậy! Đây là một trong những bài học kinh nghiệm mà chúng tôi đã rút ra. Cùng với sự sáng tạo, lựa chọn đúng việc, chúng tôi đã huy động người dân tham gia tích cực đóng góp vào phong trào vệ sinh môi trường, cải tạo cảnh quan đường làng, ngõ xóm và nhờ vậy có được những tuyến đường “nở hoa”, những tuyến kênh mương ô nhiễm được cải tạo, những ao hồ tù đọng nay được kè bờ, bơm nước sạch… ở khắp các xã. Đây là kết quả của “ý Đảng, lòng dân”.
Tiếp tục xác định là việc làm thường xuyên, quan trọng
- Thực hiện Chỉ thị 03, ngoài xây dựng nông thôn mới, các phong trào trên địa bàn huyện có chuyển biến ra sao, thưa đồng chí?
- Tổng kết 5 năm thực hiện, huyện đúc kết việc thực hiện Chỉ thị 03 của Bộ Chính trị đã thúc đẩy, nâng cao chất lượng các phong trào nhân dân trên địa bàn. Tinh thần đoàn kết, sự quan tâm sẻ chia lẫn nhau trong cộng đồng ngày càng cao. Ủy ban MTTQ huyện đã đẩy mạnh việc thực hiện Chỉ thị 03 gắn với triển khai có hiệu quả cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, tuyên truyền vận động ủng hộ quỹ “Đền ơn đáp nghĩa”, quỹ “Vì người nghèo”... Trong 5 năm, Thanh Trì đã vận động nhân dân xây dựng quỹ “Vì người nghèo” được hơn 6 tỷ 315 triệu đồng, xây mới, sửa chữa 170 nhà đại đoàn kết, trị giá hơn 3 tỷ 200 triệu đồng… Hội Liên hiệp phụ nữ huyện thì có phong trào: “Phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế” với mô hình “Nuôi
lợn nhựa tiết kiệm”, “Hũ gạo tiết kiệm”… Gần 5 tỷ đồng tiết kiệm được đã được sử dụng hiệu quả để giúp đỡ hội viên giảm nghèo, phát triển kinh tế gia đình. Hay Hội Nông dân huyện đẩy mạnh và nâng cao chất lượng phong trào “Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi”, hằng năm có 55% hộ đạt nông dân sản xuất kinh doanh giỏi. Liên đoàn Lao động huyện với phong trào “Sáng kiến, sáng tạo”, mỗi năm có trên 300 sáng kiến đạt giải các cấp, đã có 7 sáng kiến được công nhận “Sáng kiến, sáng tạo Thủ đô”. Với truyền thống “Bộ đội Cụ Hồ”, các cấp Hội Cựu chiến binh đã thực hiện có hiệu quả cuộc vận động “Cựu chiến binh gương mẫu”, làm nòng cốt trong việc giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở địa phương. Đoàn Thanh niên với phong trào “Tuổi trẻ Thanh Trì học tập và làm theo lời Bác” cùng nhiều hoạt động khác đã đẩy mạnh việc giáo dục phẩm chất, đạo đức, lối sống cho đoàn viên, thanh niên.
- Kết quả thực hiện Chỉ thị 03 ở Thanh Trì rất cụ thể, sinh động. Liệu có còn những biểu hiện của bệnh hình thức, bệnh thành tích hay không khi trên thực tế vẫn còn những lĩnh vực kết quả chưa như mong muốn?
- Chúng ta phải thẳng thắn thừa nhận vẫn còn những biểu hiện hình thức, thậm chí là cách làm đối phó, hời hợt. Nhưng với quan điểm tạo chuyển biến đồng bộ trong toàn Đảng bộ, từ nhiệm kỳ trước, Huyện ủy Thanh Trì đã tăng cường công tác kiểm tra, giám sát. Cụ thể như thường xuyên tổ chức giao ban với các bí thư chi bộ - kênh nắm bắt dư luận, nắm bắt tình hình rất tốt. Qua đây phát hiện những biểu hiện hình thức trong thực hiện Chỉ thị 03 như nêu trên là chúng tôi nhắc nhở, chấn chỉnh ngay. Nhìn chung các cấp ủy, chính quyền, cơ quan, đơn vị đều có ý thức thực hiện tốt, nhưng cũng không tránh khỏi có cơ quan, đơn vị vẫn chưa quan tâm, chưa coi trọng. Việc thực hiện học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh làm sao để trở thành công việc thường xuyên như ăn cơm, uống nước, như rửa mặt hằng ngày vẫn là công việc mà chúng ta phải nỗ lực để thực hiện.
- Thành ủy Hà Nội vừa ban hành Kế hoạch số 18 thực hiện Chỉ thị 05-CT/TƯ “về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Thanh Trì sẽ thực hiện Chỉ thị 05 ra sao trong thời gian tới, thưa đồng chí?
- Đảng bộ và nhân dân huyện Thanh Trì luôn xác định học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh là động lực thúc đẩy việc hoàn thành thắng lợi các nhiệm vụ chính trị. Việc Bộ Chính trị ban hành Chỉ thị 05, Thành ủy ban hành Kế hoạch 18 không chỉ là nhiệm vụ phải thực hiện cho tốt, đây còn là cơ hội để chúng tôi có điều kiện để huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, tiếp tục lấy tinh thần gương mẫu, đi đầu của cán bộ, đảng viên làm đòn bẩy thúc đẩy các phong trào thi đua yêu nước, tạo sức lan tỏa, huy động sức mạnh nhân dân tham gia vào công cuộc xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống người dân.
Trước hết, chúng tôi xác định đưa việc học và làm theo Bác vào chương trình, kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2015-2020; gắn với thực hiện nhiệm vụ chính trị, giải quyết kịp thời, có hiệu quả những vấn đề bức xúc, nổi cộm của địa phương, cơ quan, đơn vị. Chúng tôi nhận thức rất rõ: Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đòi hỏi cả hệ thống chính trị của huyện phải quyết liệt đổi mới phong cách lãnh đạo, lề lối làm việc; tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao trách nhiệm, ý thức để phục vụ nhân dân… Hơn ai hết, bí thư cấp ủy, người đứng đầu địa phương, cơ quan, đơn vị phải làm gương cho cán bộ, đảng viên, quần chúng noi theo.
Với những kết quả, kinh nghiệm qua 5 năm thực hiện Chỉ thị 03, Thanh Trì sẽ tiếp tục thực hiện hiệu quả Chỉ thị 05, nâng cao hơn nữa tinh thần, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, đảng viên và sự đồng thuận trong nhân dân, xây dựng huyện giàu đẹp, văn minh.
- Trân trọng cảm ơn đồng chí!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.