Các nhà khoa học tại Trung Quốc đã phát triển một loại laser có thể chiếu đến một vật thể bị giấu kín từ khoảng cách 1,43km.
Theo Daily Mail, nhóm nghiên cứu tại Đại học Khoa học và Công nghệ Trung Quốc đã đặt máy phóng laser trong ký túc xá của trường ở Thượng Hải, tiếp đến là giấu hình nộm đằng sau một tấm màn hình đặt trong một căn hộ cách đó 1,43km.
Sau đó, họ phóng tia laser về phía căn hộ để xác định vị trí đặt hình nộm bằng cách tính thời gian những hạt photon chạm vào các phần khác nhau của căn phòng và quay trở lại tia laser bởi vì tốc độ ánh sáng là không đổi. Kỹ thuật này được gọi là hình ảnh không theo tầm nhìn thẳng (NLOS).
Cụ thể, một số hạt photon của laser đã chạm vào tường căn hộ rồi phản xạ trở lại một thiết bị cảm biến đặt gần máy phóng. Trong khi đó, các hạt phân tử khác chạm vào hình nộm rồi mới phản chiếu lên tường nhà và sau đó quay trở lại thiết bị cảm biến.
Thông qua khoảng thời gian các hạt photon di chuyển qua lại giữa những địa điểm, họ có thể xác định được khoảng cách của từng bộ phận của hình nộm so với bức tường, đồng thời tạo ra một hình ảnh ba chiều thô sơ về chúng.
Các thí nghiệm trước đó chỉ có thể dò tìm vật thể ở khoảng cách 3m do các hạt trong không khí và ánh sáng môi trường đã làm thiết bị cảm biến bị nhầm lẫn. Để khắc phục trở ngại trên, họ đã sử dụng các kính thiên văn khác nhau trong bộ phát và cảm biến để hạn chế nhiễu tín hiệu.
Tia laser công nghệ NLOS có thể được quân đội sử dụng để dò tìm mục tiêu của kẻ thù hoặc trợ giúp các đội cứu hộ tìm kiếm nạn nhân.
Nó cũng có thể phát huy công dụng trong việc giúp ô tô tự lái phát hiện người đi bộ và phương tiện khác bị khuất sau các tòa nhà.
Viết trên tạp chí chuyên ngành Proceedings, các nhà nghiên cứu khẳng định: “Kết quả này sẽ mở ra con đường cho sự phát triển của kỹ thuật hình ảnh NLOS và các ứng dụng có liên quan trong thế giới thực”.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.