Nhiều ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị giữ tên dự án “Pháp lệnh cảnh sát cơ động”.
Phiên họp này dự kiến kéo dài 10 ngày, tập trung thảo luận, cho ý kiến vào các dự án Luật, dự thảo Pháp lệnh và Nghị định. Trong buổi sáng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến vào dự án “Pháp lệnh cảnh sát cơ động”.
Trong phiên họp thứ 20, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ thảo luận, cho ý kiến vào 11 nội dung, trong đó có 7 dự án Luật, 2 dự thảo Pháp lệnh và 2 Nghị định; họp bàn đánh giá việc về tổ chức thực hiện các văn bản pháp luật của Quốc hội khóa 12 và một phần của Quốc hội khóa 13, qua đó thấy được những kết quả, hiệu quả của các Luật, Nghị định…
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng phát biểu tại một phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (Ảnh: Tuoitre) |
Cũng tại kỳ họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục cho ý kiến vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992; thực hiện chất vấn và trả lời chất vấn giữa hai kỳ họp với 2 bộ trưởng, là Bộ trưởng Bộ Tư pháp và Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, bởi thời gian qua, hơn 70% vụ khiếu kiện liên quan tới đất đai.
Thường vụ Quốc hội cũng thảo luận một số nội dung khác là bổ trợ cho Luật đất đai và nghe báo cáo về việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo đảm chất lượng và chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.
Trong sáng nay, Thường vụ Quốc hội tập trung thảo luận, cho ý kiến về dự án Pháp lệnh Cảnh sát cơ động. Dự án Pháp lệnh này gồm 5 chương và 26 điều. Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu và đa số ý kiến tán thành ban hành Pháp lệnh này vì cho rằng, cảnh sát cơ động là lực lượng hoạt động tác chiến tập trung đặc thù, với nhiệm vụ cơ bản là bảo vệ an ninh quốc gia và phối hợp với các lực lượng khác trấn áp các loại tội phạm đặc biệt nghiêm trọng, tội phạm có tổ chức.
Tuy nhiên, một số nội dung của dự án Pháp lệnh vẫn còn có ý kiến khác nhau như về tên gọi giữa dự án “Pháp lệnh Cảnh sát cơ động” và “Pháp lệnh Cảnh sát vũ trang”; phạm vi điều chỉnh, chức năng, nhiệm vụ của lực lượng cảnh sát cơ động…
Về tên gọi của dự án Pháp lệnh, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đề nghị giữ nguyên tên gọi “Pháp lệnh Cảnh sát cơ động” vì các thuyết minh về “Pháp lệnh Cảnh sát vũ trang” lập luận chưa rõ.
Tán thành với ý kiến của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu và nhiều nội dung của Pháp lệnh, tuy nhiên ông Phan Trung Lý, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho rằng, Pháp lệnh còn nhiều nội dung chưa phù hợp vì liên quan tới Hiến pháp và các luật khác, cần quy định chặt chẽ hơn.
Về nội dung trang thiết bị, khí tài cho lực lượng cảnh sát cơ động cũng được nhiều đại biểu quan tâm và kiến nghị cần quy định rõ. Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Kso Phước đề nghị xem xét lại phạm vi điều chỉnh và cần quy định rõ lực lượng này được trang bị hay được sử dụng trang thiết bị tàu bay, tàu thủy… để thực hiện nhiệm vụ, tránh đầu tư dàn trải cho các lực lượng cảnh sát, gây lãng phí, phân tán. Điều 14 cũng không nói rõ về điều này.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng tán thành với hầu hết các ý kiến đóng góp của các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đề nghị giữ nguyên tên gọi dự án Pháp lệnh Cảnh sát cơ động cũng như đề nghị tiếp tục hoàn thiện để ban hành Pháp lệnh theo kế hoạch.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.