Kinh tế

Thương mại Việt Nam - Trung Quốc duy trì đà tăng trưởng ổn định

Lam Giang 08/12/2023 - 21:12

Với nhiều lợi thế trong hợp tác kinh tế, thương mại, thời gian qua, trao đổi thương mại giữa Việt Nam - Trung Quốc duy trì đà tăng trưởng ổn định và bền vững. Trung Quốc tiếp tục là đối tác thương mại lớn nhất, thị trường nhập khẩu lớn nhất và thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam.

4_3-1683075490986.jpg
Sầu riêng Việt Nam là mặt hàng được thị trường Trung Quốc rất ưa chuộng. Ảnh: Internet.

Đối tác thương mại lớn nhất

Thống kê của Hải quan Việt Nam cho thấy, quy mô thương mại Việt Nam - Trung Quốc năm 2022 đạt 175,56 tỷ USD, tăng 5,47% so với năm 2021. Trong đó, xuất khẩu sang Trung Quốc đạt 57,7 tỷ USD, tăng 3,18%; nhập khẩu từ Trung Quốc đạt 117,8 tỷ USD, tăng 6,63%.

Theo báo cáo mới nhất của Bộ Công Thương, trong bối cảnh xuất khẩu sang hầu hết thị trường chủ lực đều giảm thì Trung Quốc là điểm sáng. Cụ thể, 11 tháng năm 2023, kim ngạch xuất khẩu sang Trung Quốc ước đạt 55,98 tỷ USD, đảo chiều từ mức giảm 2,2% sang mức tăng 6,2% sau 11 tháng, chiếm 17,3% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước. Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 99,6 tỷ USD, giảm 9,0% so với cùng kỳ năm trước. Nhập siêu từ Trung Quốc ước đạt 43,65 tỷ USD, giảm 23,1% so với cùng kỳ năm ngoái.

Năm 2008, kim ngạch xuất - nhập khẩu 2 bên mới chỉ đạt 20,8 tỷ USD, đến năm 2022, tổng kim ngạch xuất - nhập khẩu hai nước đạt đến 175,5 tỷ USD, tăng hơn 8 lần.

Nông sản, thực phẩm là một trong những nhóm ngành hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn sang Trung Quốc. Trong tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản ước đạt 47,8 tỉ USD 11 tháng qua, giá trị xuất khẩu sang Trung Quốc tăng 18% so với cùng kỳ và thị trường này cũng chiếm tới 23% tỷ trọng xuất khẩu nông, lâm, thủy sản của Việt Nam.

Trong khi đó, Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam cho biết, tính đến hết tháng 11, Trung Quốc đã vượt qua Mỹ để trở thành khách hàng lớn nhất của Việt Nam.

Chia sẻ cụ thể tại kỳ họp lần thứ 12 Ủy ban Hợp tác kinh tế, thương mại Việt Nam - Trung Quốc tổ chức cuối tháng 11-2023, Bộ trưởng Bộ Thương mại Trung Quốc Vương Văn Đào thông tin: Nhiều mặt hàng nông sản Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc đang được tiêu thụ rất mạnh, người tiêu dùng rất ưa chuộng. Ví dụ, chỉ sau 10 tháng kể từ khi sầu riêng được Trung Quốc mở cửa thị trường (cuối năm 2022), kim ngạch xuất khẩu loại đặc sản này của Việt Nam đã đạt hơn 2 tỷ USD. Dự báo trong năm tới, kết quả này còn vượt xa.

8.12-hop-hon-hop.jpg
Kỳ họp lần thứ 12 Ủy ban Hợp tác kinh tế, thương mại Việt Nam - Trung Quốc diễn ra cuối tháng 11, tại Hà Nội.

Khai thác dư địa, lợi thế sẵn có

Trung Quốc có chung đường biên giới với Việt Nam, có nhiều cửa khẩu. Mặt khác, Trung Quốc đã có thỏa thuận hợp tác song phương với Việt Nam, cũng như các hiệp định đa phương Việt Nam, Trung Quốc như Hiệp định Thương mại tự do ASEAN – Trung Quốc (ACFTA), Hiệp định Đối tác toàn diện khu vực (RCEP)…. Đây là những lợi thế lớn để thương mại song phương tiếp tục tăng tốc thời gian tới.

Theo các chuyên gia, dư địa của thị trường Trung Quốc còn rất lớn, đặc biệt là tiềm năng hợp tác thương mại với các địa phương nằm sâu trong lục địa, khu vực phía Bắc.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên nêu một số biện pháp đẩy mạnh thương mại hai nước như: Hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam xây dựng thương hiệu tại thị trường Trung Quốc; đẩy nhanh tiến độ mở cửa thị trường cho các loại nông sản của Việt Nam; thúc đẩy ký kết Thỏa thuận khung về thương mại gạo...

Người đứng đầu Bộ Công Thương Việt Nam cũng đề nghị Trung Quốc mở rộng danh sách cửa khẩu biên giới Trung Quốc với Việt Nam được phép nhập khẩu nông sản, thủy sản, lương thực; tăng cường hợp tác kinh tế, thương mại và phối hợp công tác giữa Bộ Công Thương, các địa phương Việt Nam với các địa phương Trung Quốc. Cùng đó, triển khai hiệu quả các thỏa thuận đã ký kết như “Bản ghi nhớ về tăng cường hợp tác bảo đảm chuỗi cung ứng hàng hóa Việt – Trung”; ủng hộ, tạo thuận lợi và dành ưu đãi để doanh nghiệp Việt Nam tăng cường hiện diện, thuê kho bãi và xuất khẩu qua các Khu thí điểm thương mại điện tử hay Khu thí điểm thương mại tự do của Trung Quốc.

Về phía Trung Quốc, người đứng đầu Bộ Thương mại nước này khẳng định rất coi trọng và sẵn sàng phối hợp, triển khai các biện pháp tạo thuận lợi thông quan nhằm bảo đảm lợi ích của người nông dân Việt Nam. Phía Trung Quốc sẽ cung cấp môi trường kinh doanh thuận lợi và tạo điều kiện cho doanh nghiệp Việt Nam phát triển thương hiệu, xây dựng được chỗ đứng trên thị trường Trung Quốc.

“Việt Nam đã xây dựng được gian hàng quốc gia trên một số nền tảng thương mại điện tử lớn của Trung Quốc. Nhiều sản phẩm của Việt Nam rất được ưa chuộng và bán rất chạy. Quan hệ kinh tế thương mại với các địa phương đóng vai trò quan trọng trong thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại hai nước phát triển lành mạnh, ổn định”, ông Vương Văn Đào cho hay.

Bộ trưởng Bộ Thương mại Trung Quốc cũng cho biết, tiếp tục ủng hộ việc thành lập các văn phòng xúc tiến thương mại Việt Nam tại Trung Quốc, đề nghị phía Việt Nam tăng cường trao đổi, đạt được thống nhất với các địa phương dự kiến thành lập văn phòng xúc tiến thương mại thời gian tới.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Thương mại Việt Nam - Trung Quốc duy trì đà tăng trưởng ổn định

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.