Sáng 10-7, với tỷ lệ tán thành rất cao, Nghị quyết quy định về tổ chức và hoạt động của trung tâm công nghiệp văn hóa trên địa bàn thành phố Hà Nội (thực hiện khoản 7 Điều 21 Luật Thủ đô) được HĐND thành phố thông qua.
Theo đó, UBND thành phố là cấp có thẩm quyền quyết định thành lập trung tâm công nghiệp văn hóa.
Theo Nghị quyết, chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư phát triển trung tâm công nghiệp văn hóa gồm: Thành phố ưu tiên lập quy hoạch và bố trí quỹ đất; ưu tiên bố trí vốn đầu tư xây dựng, cải tạo, sửa chữa, nâng cấp cơ sở hạ tầng công nghiệp văn hóa; huy động nguồn lực thực hiện các dự án phát triển trung tâm công nghiệp văn hóa để giao, nhượng quyền hoặc cho thuê. Ưu tiên xem xét chuyển đổi mục đích sử dụng của công trình tài sản công thành các không gian sáng tạo văn hóa mới để phát triển trung tâm công nghiệp văn hóa.
Trung tâm công nghiệp văn hóa, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh trong trung tâm công nghiệp văn hóa được hưởng chính sách ưu đãi đối với các dự án đầu tư mới vào các ngành công nghiệp văn hóa theo quy định tại điểm a khoản 1 và khoản 2 Điều 43 Luật Thủ đô.
Trung tâm công nghiệp văn hóa được xem xét miễn, giảm tiền thuê đất, thuê mặt nước theo quy định tại khoản 2 Điều 43 Luật Thủ đô hoặc miễn tiền thuê đất theo quy định của pháp luật về chính sách khuyến khích xã hội hóa.
Trường hợp thuê công trình tài sản công để thành lập trung tâm công nghiệp văn hóa theo quy định tại Nghị quyết này, nhà đầu tư được xem xét khấu trừ tiền thuê đất theo quy định của pháp luật vào tiền thuê công trình trong trường hợp tiền thuê công trình đã bao gồm tiền thuê đất; được miễn tiền thuê công trình trong thời hạn tối đa 3 năm đầu thành lập, giảm 50% tiền thuê công trình trong thời hạn tối đa 3 năm tiếp theo.
Với doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh, cung cấp dịch vụ trong trung tâm công nghiệp văn hóa cũng được hưởng các ưu đãi, hỗ trợ sau:
Ngân sách của thành phố hỗ trợ kinh phí tham gia các chương trình xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch của thành phố; hỗ trợ quảng bá, truyền thông về trung tâm công nghiệp văn hóa, sản phẩm, dịch vụ văn hoá; hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực chất lượng cao trong các ngành công nghiệp văn hóa; hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo thông qua các chương trình tài trợ và vườn ươm doanh nghiệp được thực hiện theo các quy định của thành phố. Hỗ trợ 100% chi phí tư vấn, lệ phí đăng ký quyền sở hữu trí tuệ đối với công nghệ, sản phẩm văn hóa nhưng không vượt quá 50 triệu đồng/hồ sơ đăng ký quyền sở hữu trí tuệ.
Các sự kiện, hoạt động văn hóa, nghệ thuật trong trung tâm công nghiệp văn hoá được hỗ trợ: 100% kinh phí quảng bá, truyền thông về sự kiện, hoạt động văn hóa, nghệ thuật trên các phương tiện thông tin, truyền thông thuộc thành phố; hỗ trợ tối đa 40% kinh phí tổ chức, sản xuất chương trình nhưng không quá 200 triệu đồng cho một sự kiện, hoạt động có giá trị đặc sắc về văn hóa, nghệ thuật hoặc có ý nghĩa quan trọng trong việc bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa của Thủ đô hoặc có tác động tích cực đến việc quảng bá hình ảnh, văn hóa, con người của Thủ đô và đất nước đến cộng đồng quốc tế; hỗ trợ cung cấp thông tin phục vụ hoạt động của doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân; hỗ trợ việc chuẩn bị hồ sơ, giải quyết thủ tục hành chính có liên quan đến đầu tư, xây dựng, sản xuất, kinh doanh, quyền sở hữu trí tuệ, tổ chức sự kiện, hoạt động văn hóa, nghệ thuật...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.