Công nghệ

Thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học: Sớm tháo gỡ các rào cản

Thu Hằng 28/11/2023 08:32

Hiện nay, các trường đại học công lập đang có nhu cầu rất lớn về việc chuyển giao công nghệ và thương mại hóa kết quả nghiên cứu để tạo ra nguồn tài chính bền vững. Tuy nhiên, quá trình này đang gặp nhiều rào cản, cần sớm được tháo gỡ.

khoa-hoc.jpg
Nghiên cứu khoa học tại Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội.

Còn hạn chế so với tiềm năng

Khi xu hướng tự chủ đại học đang trở thành một xu thế tất yếu, áp lực về tự chủ tài chính đòi hỏi các trường phải nâng cao hiệu quả của hoạt động nghiên cứu khoa học thông qua việc chuyển giao công nghệ và thương mại hóa kết quả nghiên cứu để tạo ra nguồn tài chính bền vững. Trên thực tế, hoạt động này ở các trường đại học chưa đem lại hiệu quả. Việc khai thác kết quả nghiên cứu vào ứng dụng trong thực tiễn để thương mại hóa vẫn còn hạn chế so với tiềm năng.

Theo Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học và công nghệ (Bộ Khoa học và Công nghệ), hằng năm, các trường đại học đóng góp khoảng 16.000 kết quả nghiên cứu, chiếm 80% kết quả nghiên cứu của cả nước. Tuy nhiên, việc chuyển giao công nghệ và thương mại hóa kết quả nghiên cứu của giảng viên vào ứng dụng trong thực tiễn chỉ khoảng 10%.

PGS.TS Đinh Văn Toàn - Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết, hiện nay, cơ cấu nguồn thu chủ yếu của các trường đại học vẫn từ học phí và lệ phí trong hoạt động đào tạo (trên 85%), nguồn thu từ chuyển giao công nghệ và thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học chưa đáng kể.

Tập trung giải quyết các nút thắt

Trong giai đoạn đẩy mạnh tự chủ hiện nay, phát triển các hoạt động chuyển giao công nghệ và phát triển doanh nghiệp trong trường đại học là xu hướng của nhiều trường. Tuy nhiên, hoạt động này còn gặp nhiều rào cản.

PGS.TS Đinh Văn Toàn nhận định, những khó khăn khách quan bên ngoài cơ sở giáo dục đại học vẫn là cơ bản. Hiện nay, một nghịch lý đang tồn tại là doanh nghiệp cần công nghệ còn trường đại học có các kết quả nghiên cứu, tài sản trí tuệ có giá trị, nhưng khó triển khai hợp tác vì sự thiếu đồng bộ giữa các quy định pháp lý trong Luật Giáo dục đại học; Luật Cán bộ, công chức; Luật Viên chức; Luật Quản lý, sử dụng tài sản công; Luật Sở hữu trí tuệ; Luật Doanh nghiệp; Luật Đầu tư...

Đặc biệt, Nghị định số 70/2018/ NĐ-CP quy định việc quản lý, sử dụng tài sản được hình thành thông qua thực hiện nhiệm vụ khoa học sử dụng vốn nhà nước đã khiến công nghệ gần như “chôn chân”, không đến được với doanh nghiệp. Theo nghị định này, kết quả của nhiệm vụ khoa học và công nghệ được ngân sách hỗ trợ trên 30% thuộc quyền sở hữu của Nhà nước và người chủ trì thực hiện không được tự phép chuyển giao cho doanh nghiệp.

PGS.TS Đinh Văn Toàn chỉ rõ, nếu muốn tuân thủ quy định của Nhà nước để “mua đứt” công nghệ cũng rất phức tạp vì khó định giá được sản phẩm trí tuệ. Ngay cả Nghị định số 109/ 2022/NĐ-CP quy định về hoạt động khoa học và công nghệ trong cơ sở giáo dục đại học cho phép cơ sở giáo dục đại học góp vốn bằng tài sản trí tuệ là kết quả nhiệm vụ khoa học và công nghệ có nguồn gốc ngân sách nhà nước đã được cơ quan có thẩm quyền giao quản lý sử dụng để liên doanh, liên kết… nhưng trong thực tế chưa thể thực hiện khi chưa có các cơ chế cụ thể định giá và triển khai về phương diện tài chính, tài sản.

Bên cạnh đó là nguyên nhân chủ quan từ phía các trường đại học. Đó là việc chưa tạo dựng được hệ sinh thái cho đổi mới sáng tạo, tạo nên sức ì trong mỗi cá nhân, đơn vị; bản thân các trường đại học chưa có nhiều sản phẩm khoa học công nghệ chất lượng cao có tính ứng dụng gắn sát với nhu cầu thị trường...

Rõ ràng, các trường đại học ngoài nhiệm vụ đào tạo, cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao, cần phải tập trung đầu tư nguồn lực để trở thành các trung tâm nghiên cứu và là nơi chuyển giao công nghệ vào sản xuất và đời sống. Để tháo gỡ các nút thắt này, bên cạnh việc hoàn thiện các thị trường về công nghệ, vốn, lao động, hình thành hệ sinh thái thúc đẩy khởi nghiệp, cần có quy định cho phép các trường đại học được quyền khai thác tài sản trí tuệ và kết quả nghiên cứu khoa học, kể cả các nghiên cứu do ngân sách nhà nước tài trợ.

Đồng thời, bãi bỏ các quy định không cho phép các cán bộ nghiên cứu và viên chức - nhà khoa học thành lập và quản lý các doanh nghiệp (Start-up hoặc Spin-off) để hiện thực hóa các ý tưởng sáng tạo hoặc công nghệ do mình phát triển.

Ngoài ra, các bộ, ngành liên quan cần rà soát các cơ chế đang cản trở thực hiện hợp tác công - tư, cản trở việc góp vốn, tài sản, thương hiệu từ các cơ sở giáo dục đại học.

Đặc biệt, bản thân các cơ sở giáo dục đại học và nhà khoa học cũng cần thay đổi theo hướng tăng cường các nghiên cứu mang tính ứng dụng; chủ động kết nối và tiếp cận thị trường; nâng cao năng lực quản trị, điều hành…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học: Sớm tháo gỡ các rào cản

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.