Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thương mại điện tử thời dịch bệnh: Cơ hội và thách thức

Khánh Linh| 17/10/2021 06:50

(HNNN) - Dịch Covid-19 cùng yêu cầu về giãn cách, hạn chế tiếp xúc khiến các doanh nghiệp và người tiêu dùng quan tâm nhiều hơn đến dịch vụ mua sắm trực tuyến. Để thích ứng với điều kiện hiện nay, rất nhiều siêu thị, cửa hàng kinh doanh, ăn uống... đã đẩy mạnh kênh bán hàng trực tuyến thông qua mạng xã hội Facebook, Zalo... Tuy nhiên, để có thể phát triển bền vững và chiếm được lòng tin của khách hàng, hình thức mua bán trực tuyến này đang đặt ra nhiều thách thức.

Hình thức mua hàng trực tuyến ngày càng được nhiều người dân lựa chọn, đặc biệt là trong mùa dịch. Ảnh: Đặng Tú

Xu thế của thời đại

Theo “Sách trắng Thương mại điện tử” Việt Nam năm 2021 (ấn phẩm của Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số), tỷ lệ người dùng internet tham gia mua sắm trực tuyến đã tăng từ 77% trong năm 2019 lên 88% trong năm 2020. Dịch Covid-19 cùng những yêu cầu về giãn cách, phong tỏa, hạn chế tiếp xúc đã góp phần đáng kể khiến doanh nghiệp và người tiêu dùng quan tâm hơn đến mua sắm trực tuyến. Như chị Nguyễn Thị Thúy (Ngọc Thụy, Long Biên) chia sẻ: “Tôi thấy việc mua sắm online là một giải pháp hữu hiệu khi có dịch bệnh do không phải xếp hàng, đi lại nhiều ở những nơi đông người; hàng hóa được giao tận nhà, hạn chế khả năng lây lan dịch bệnh. Chính vì thế, từ khi dịch Covid-19 bùng phát trở lại, tôi đặt mua trực tuyến hầu hết hàng hóa phục vụ nhu cầu hằng ngày”.

Nhận thấy lợi thế của thương mại điện tử như không phải thuê mặt bằng, lượng khách hàng lớn, để tăng lượng khách hàng mua sắm, bên cạnh việc triển khai giảm giá sản phẩm, nhiều cửa hàng còn hỗ trợ giao hàng miễn phí. Một số chủ cửa hàng còn đăng ký mặt hàng của mình trên các trang bán hàng online như Tiki, Shopee, Sendo... để dễ tiếp cận người mua hơn. Hoặc như chị Nguyễn Hải Anh, chủ một shop quần áo trẻ em ở phố Huế (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) chia sẻ, chị đã quyết định hỗ trợ người tiêu dùng bằng các hình thức giảm giá trực tiếp trên sản phẩm, tăng cường livestream giới thiệu sản phẩm và đăng ký bán các mặt hàng này qua trang Shopee, Tiki.

Không chỉ những hộ kinh doanh nhỏ, các doanh nghiệp tư nhân mà hiện các “ông lớn” như Vinmart, Aeon mall... cũng không bỏ qua thị trường béo bở này. Ngay sau khi dịch Covid-19 bùng phát lần thứ 4, Vinmart, Aeon Mall đã áp dụng ngay hình thức “Đi chợ hộ” và miễn phí giao hàng với những hóa đơn từ 300.000 - 500.000 đồng.

Những lỗ hổng trong quản lý

Bên cạnh lợi thế, thương mại điện tử vẫn tồn tại sự bất cập. Hiện tại, người tiêu dùng vẫn phải đối mặt với nguy cơ bị xâm hại quyền lợi khi mua hàng trực tuyến như hàng hóa không giống như quảng cáo, hàng giao chậm, đã thanh toán nhưng không giao hàng, lộ thông tin cá nhân... Đặc biệt, tại thời điểm dịch Covid-19 xuất hiện, sự bất cập trong giao dịch thương mại điện tử càng lộ rõ hơn. Chị Đinh Kim Thoa (Hàng Buồm, Hoàn Kiếm) kể rằng, rất nhiều lần chị không hài lòng khi mua phải thực phẩm ôi, hỏng khi đặt hàng qua mạng. Khi chị gọi điện phản ánh thì cửa hàng không nghe máy hoặc tìm cách lý giải vòng vo để thoái thác trách nhiệm. Không chỉ với thực phẩm, việc mua các loại hàng hóa khác như quần áo, mỹ phẩm, giày dép... cũng có hiện tượng hàng hóa được giao đến tay người tiêu dùng không giống với hình ảnh được quảng cáo; người tiêu dùng thậm chí còn mua phải hàng giả, hàng nhái, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ... Chị Phạm Bích Ngọc (Đội Cấn, Hà Nội) cho biết, không ít lần mua phải những chiếc áo, đôi giày mà kiểu dáng, màu sắc, chất liệu... khác xa so với hình ảnh trên mạng. Chưa kể, đôi lần chị còn bị mất tiền oan do tin tưởng chuyển khoản trước qua một địa chỉ ảo...

Về phía người bán hàng, nhiều cá nhân, doanh nghiệp cũng gặp tình huống “dở khóc, dở cười” khi bán hàng qua mạng. Anh Hoàng Văn Nam, chủ một shop bán hoa quả nhập khẩu trên phố Thụy Khuê cho biết: “Buôn bán qua mạng có nhiều rủi ro, nhất là với loại hàng hoa quả không để được lâu, vận chuyển không khéo thì rất dễ bị hỏng, người mua sẽ phàn nàn về chất lượng. Đặc biệt, chúng tôi sợ nhất là bị khách “bom hàng”; dịch bùng phát, gọi được shipper mất nhiều thời gian, tiền vận chuyển lại cao mà đến nơi gọi không ai nhận”.

Tiến sĩ Vũ Duy, giảng viên Khoa Kinh tế Chính trị Trường Đại học Kinh tế quốc dân, Đại học Quốc gia Hà Nội, chỉ ra rằng, ngoài việc người tiêu dùng có nguy cơ mua phải hàng kém chất lượng, hàng giả... thì hoạt động thương mại điện tử còn gây không ít khó khăn cho lực lượng chức năng trong việc kiểm soát nguồn hàng và chống gian lận thuế. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp nhận ra “cơ hội vàng” để đẩy mạnh thương mại điện tử trong thời điểm xuất hiện dịch Covid-19, nhưng họ lại chưa được đào tạo bài bản để bắt kịp xu thế này. Thương mại điện tử là xu thế tất yếu trong quá trình chuyển đổi số. Xu thế này được thúc đẩy mạnh mẽ bởi một bộ phận người tiêu dùng trẻ, nhưng vẫn còn một khoảng cách tương đối lớn đối với người cao tuổi, những người vốn chưa bắt kịp tốc độ phát triển của công nghệ.

Để chợ mạng không còn “ảo”

Bất chấp một số tác động tiêu cực, mua sắm qua mạng vẫn là một lựa chọn tối ưu trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp. Chính vì vậy, theo Tiến sĩ Vũ Duy, giải pháp đầu tiên để hạn chế những bất cập trong thương mại điện tử là chúng ta cần tiếp tục đẩy mạnh kiểm tra, kiểm soát liên tục, có trọng tâm đối với hoạt động kinh doanh trực tuyến cũng như nâng cao năng lực của lực lượng quản lý thị trường. Cùng với đó, cần hoàn thiện hệ thống văn bản pháp lý liên quan đến thương mại điện tử để làm rõ cách thức quản lý, các mô hình, nền tảng kinh doanh, trách nhiệm của chủ thể tham gia các sàn giao dịch, bao gồm cả người quản lý sàn giao dịch. Tiếp đó, cần khuyến khích đánh giá tín nhiệm của các bên đối với website và chủ thể kinh doanh điện tử để tạo niềm tin cho khách hàng, đẩy mạnh hoạt động đào tạo nội bộ, chuyển giao tri thức cho doanh nghiệp, tăng cường các hoạt động hỗ trợ (bao gồm đào tạo và cá thể hóa công nghệ...) cho các đối tượng đặc biệt như người cao tuổi, người khuyết tật.

Về phía người tiêu dùng, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, giảng viên cao cấp Học viện Tài chính cảnh báo, người tiêu dùng cần nâng cao cảnh giác, không được cung cấp thông tin bảo mật cho bất kỳ ai, ưu tiên mua hàng từ những trang thương mại điện tử uy tín, có lịch sử bán hàng lâu dài. Khi nhận hóa đơn, cần đối chiếu thông tin trên biên lai giao hàng với đơn hàng trên mạng nhằm hạn chế tình trạng thanh toán cho đơn hàng mà mình không đặt mua cũng như nhận hàng không đúng với sản phẩm đã đặt mua... Có như thế mới không mất tiền vô lý cho những món hàng “chỉ mang tính chất minh họa” trên chợ mạng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thương mại điện tử thời dịch bệnh: Cơ hội và thách thức

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.