Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thương lắm tiếng Việt ơi!

Lâm Vũ| 10/01/2011 07:33

(HNM)- Lâu nay, có một hiện tượng diễn ra trong các cơ quan, đặc biệt ở nơi có liên quan đến yếu tố nước ngoài, là thói quen nói thứ ngôn ngữ nửa Tây nửa ta. Kiểu nói:


Tại nhiều công sở, nhân viên văn phòng đôi lúc đã sử dụng ngôn ngữ đệm tiếng nước ngoài. Ảnh: Bảo Lâm


Chị Thu Hiền, nhân viên một công ty truyền thông có vốn nước ngoài nhớ lại, ban đầu, chị cảm thấy rất khó chịu khi mọi người trong công ty nói đệm tiếng Anh và tự nhủ rằng mình sẽ không bao giờ nói bằng thứ tiếng "bồi" ấy. Nhưng dần dần chính chị cũng bị nhiễm cách nói chuyện đó và nói đệm trở thành một thói quen từ bao giờ chính chị cũng không biết. Bây giờ thì liên tục là, "Anh ấy thật là pro!", "Send cho chị xem qua cái press release" mặc dù hoàn toàn có thể nói "Anh ấy thật là chuyên nghiệp!" "Gửi cho chị xem qua cái thông cáo báo chí". Kiểu nói đệm hiện nay tràn cả vào trường học. Một cậu bé lớp 6 về nhà, hễ cứ mở miệng ra là "Chú crazy (điên) à?" "What?" (cái gì)… Người không biết tiếng Anh nghe tưởng cu cậu giỏi lắm nhưng thực tế có mấy từ tiếng Anh đơn giản như "question" (câu hỏi), "beautiful" (đẹp) cũng viết sai chính tả! Thậm chí, hiện tượng chửi thề bằng tiếng nước ngoài cũng không còn là hiếm.

Điều đáng nói là những người hay nói đệm không thừa nhận mình sính ngoại mà đổ tại cho môi trường học tập, làm việc hay có một số từ chuyên môn mà dùng tiếng Anh thì nghĩa chính xác hơn, thể hiện tính chuyên nghiệp hơn. Theo họ, từ chuyên môn thì không thể Việt hóa triệt để được. Những người chửi thề bằng tiếng Anh thì biện minh, chửi bằng tiếng Anh vừa xả được stress mà nghe lại có vẻ không thô, nói ra đỡ ngượng mồm hơn là chửi bằng tiếng Việt. Người ta còn ngụy biện, nói đệm thế để làm phong phú vốn từ tiếng Anh của bản thân.

Cũng có ý kiến cho rằng thời đại ngày nay, thời gian là vàng bạc, nói làm sao cho nhanh, ngắn gọn, hiệu quả là được, ví dụ như nói "resume" thay cho "bản tóm tắt", "CV" (viết tắt của từ curriculum vitae) thay cho "sơ yếu lý lịch"… Nhưng thực ra cũng không phải vậy. Thử so sánh từ "clear" với từ "rõ" hay từ "problem" với từ "vấn đề" sẽ thấy tiếng Việt cũng rất rõ nghĩa và ngắn gọn.

Không chỉ là chuyện ngôn ngữ

Tuy cũng làm việc cho công ty nước ngoài, nhưng chị Mỹ Anh không tán thành việc sử dụng ngôn ngữ lai căng. Chị cho biết: "Tôi chỉ chấp nhận dùng những từ ngữ nửa Tây nửa ta này ở trong công ty. Còn khi về với gia đình thì không bao giờ. Không thể đệm tiếng Anh khi nói chuyện với ông bà, bố mẹ được vì thế hệ họ, tiếng Anh không phổ biến. Hơn nữa kể cả những người cùng thế hệ thì không phải ai cũng học tiếng Anh, nếu cứ đệm nhiều, quá trình giao tiếp sẽ bị hạn chế, thậm chí người đối thoại sẽ không muốn tiếp tục cuộc nói chuyện. Thế giới còn rất nhiều ngôn ngữ để người ta học và khám phá". Có cái nhìn khắt khe hơn, anh Nhật Huy, nhân viên PR cho rằng: "Tuyệt đối không nên sử dụng thứ ngôn ngữ nửa nạc nửa mỡ đó. Kiểu ngôn ngữ ấy chỉ có thể tạm chấp nhận đối với những người là Việt kiều về nước, còn gặp khó khăn trong cách diễn đạt".

Ở một khía cạnh nào đó, việc nói đệm tiếng nước ngoài đơn giản là một thói quen xuất hiện khi tiếp xúc với ngôn ngữ nước ngoài. Thực ra từ thời Pháp thuộc, các cụ nhà ta cũng có thói quen đệm tiếng Pháp nhưng chỉ trong giới trí thức thôi, chứ không nói ở môi trường khác. Các thế hệ cha ông ta rất có ý thức giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt. Có người học tiếng Pháp từ thời Pháp thuộc, sau đó du học ở nước này, từng giữ chức vụ cao, biết đến 5 ngoại ngữ và đã đến vài chục nước trên thế giới nhưng không bao giờ đệm thêm tiếng Anh hay tiếng Pháp.

Nhà văn Phạm Xuân Nguyên, Chủ tịch Hội Nhà văn Hà Nội từng nói: "Tôi viết cố gắng bằng thứ tiếng Việt trong sáng và giàu có. Với tôi, nước Việt nằm trong tiếng Việt. Các lâu đài thành quách rồi tàn tạ, các phong tục tập quán có thể đổi thay, con người kế tiếp nhau các thế hệ trên miền viễn thời gian, nhưng tất cả đều còn lại khi được xâu suốt bằng sợi chỉ nhiệm màu - tiếng nói dân tộc, tiếng Việt".

Trước hiện tượng nói đệm tiếng nước ngoài đang tràn lan trong xã hội, câu hỏi tại sao người Việt Nam không muốn sử dụng ngôn ngữ thuần Việt trở nên nhức nhối. Làm thế nào để góp phần nối dài sợi chỉ nhiệm màu - tiếng nói dân tộc như nhà văn Phạm Xuân Nguyên đã nói và làm, để tiếng Việt giữ mãi sự trong sáng? Câu trả lời vẫn còn bỏ ngỏ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thương lắm tiếng Việt ơi!

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.