(HNMO) - Dù đã mang sẵn cho mình một “hành trang” về Kiều nhưng đến với triển lãm “Hội họa Truyện Kiều” của họa sĩ Nguyễn Tuấn Sơn (diễn ra từ ngày 18 đến ngày 23-11 tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, 66 Nguyễn Thái Học), hẳn không ít người xem sẽ cảm thấy ngạc nhiên về cách cảm Kiều đặc biệt của anh.
“Thi trung hữu họa”, mỗi câu thơ của Đại thi hào Nguyễn Du có thể coi là một bức vẽ tài hoa về chân dung con người, tình yêu và cuộc sống. Và từ xưa tới nay, đã có hàng ngàn bức tranh minh họa “Truyện Kiều” của nhiều họa sĩ tài danh như họa sĩ Vũ Cao Đàm, Nguyễn Tường Lân, Nguyễn Gia Trí, Tô Ngọc Vân, Trần Văn Cẩn, Bùi Xuân Phái, Tú Duyên, Nguyễn Tư Nghiêm...
Bằng tình yêu với văn hóa dân gian, niềm say mê với “Truyện Kiều”, họa sĩ Nguyễn Tuấn Sơn đã tạo ra cho riêng mình một gia tài đồ sộ về họa Kiều trong 20 năm qua với hơn 5.000 tác phẩm đủ chất liệu. Anh thường được gọi với nghệ danh “Sơn Kiều”.
Triển lãm “Hội họa Truyện Kiều” được Hội đồng gia tộc họ Nguyễn Tiên Điền đứng ra tổ chức nhân kỷ niệm 250 năm ngày sinh và 200 năm ngày mất của Đại thi hào Nguyễn Du. Tại triển lãm, công chúng được thưởng lãm 96 tác phẩm được lựa chọn qua nhiều giai đoạn sáng tác của họa sĩ Nguyễn Tuấn Sơn. Từ những tác phẩm bột màu được vẽ trên giấy báo từ những năm 2000 - giai đoạn mà anh tự nhận là “nghèo, vẽ nhiều quá không đủ tiền mua toan” đến những tác phẩm sơn dầu cỡ lớn (120x160cm) sau này. Từ những phác thảo dễ cảm đến những bức tranh theo phong cách biểu hiện trừu tượng đòi hỏi mỗi người xem phải soi kỹ nhiều lần, khám phá từng đường nét của bức họa và không ngừng tưởng tượng...
Với hơn 20 năm nghiên cứu và tìm tòi sáng tạo, họa sĩ Nguyễn Tuấn Sơn đã “dấn thân” vào đề tài này với cái nhìn và cách vẽ rất đặc biệt. Chính vì vậy, mỗi nhân vật hiện lên trong tác phẩm của anh có thể không giống với bất cứ khuôn mẫu có sẵn nào. Nhà điêu khắc Kù Kao Khải nhận xét: “Ở Nguyễn Tuấn Sơn có một tố chất hội họa tài năng, với các tác phẩm minh họa “Truyện Kiều”, anh vẽ theo một hình thức không gian ước lệ, hình bóp rất đẹp, miêu tả có độ nhấm nháy, bóng, mọng và giàu chất mỹ thuật. Đặc biệt ở những tác phẩm của Nguyễn Tuấn Sơn, các nhân vật mang đậm hơi thở Việt Nam, văn hóa Việt Nam không hề tạp lẫn”.
Các nhân vật trong “Truyện Kiều” thường trở đi, trở lại trong các tác phẩm của họa sĩ Nguyễn Tuấn Sơn nhưng không hề có sự lặp lại. Người xem thấy được tinh thần của nhân vật hơn là một đường nét cụ thể nào. Tuy vậy, anh vẫn đưa ra hệ thống “tín hiệu” rất thú vị để người xem có thể nhận ra được nhân vật trong tranh. Chẳng hạn với nàng Kiều, hình ảnh Kiều gắn với cần đàn nguyệt, gắn với ánh trăng xuất hiện trong rất nhiều tác phẩm.
Tác phẩm của Nguyễn Tuấn Sơn còn cho thấy sự kết hợp giữa hội họa phương Tây ở chất liệu, cách tạo hình và những giá trị mỹ thuật dân tộc. Nguyễn Tuấn Sơn rất tâm đắc và thường đưa vào tranh của anh những đường nét của điêu khắc đình làng, của mỹ thuật chùa chiền và màu sắc của các lễ hội; thấp thoáng đâu đó hình dáng của các nhân vật trong các vở chèo, vở tuồng truyền thống...
Họa sĩ Nguyễn Tuấn Sơn chia sẻ: Điều anh tâm đắc nhất ở “Truyện Kiều” và muốn chuyển tải vào các tác phẩm của mình đó là giá trị nhân văn. Anh cũng mong muốn với cách nhìn mới mẻ của mình sẽ góp phần thúc đẩy các tranh luận xung quanh “Truyện Kiều”. “Tôi luôn quan niệm rằng, vẽ minh họa “Truyện Kiều” không đơn giản là sự thỏa mãn cá nhân, mà xa hơn, đây là một phương tiện hữu ích cho giáo dục đương thời, thúc đẩy sự sáng tạo trong mỹ thuật, lan tỏa những giá trị văn hóa của “Truyện Kiều” trước thời đại mới. Chính việc tiếp tục chia sẻ, tranh luận của các học giả, nhà nghiên cứu, nghệ sĩ... về giá trị của “Truyện Kiều” sẽ tạo ra sức thu hút với thế hệ trẻ hôm nay, kéo họ đến với kiệt tác văn học này cũng như quan tâm hơn đối với các giá trị văn hóa truyền thống dân tộc”, họa sĩ chia sẻ.
Hơn hai mươi năm sáng tác tranh lấy cảm hứng từ “Truyện Kiều”, họa sĩ Nguyễn Tuấn Sơn đã có nhiều hoạt động gắn với “Truyện Kiều” như vẽ minh họa kết hợp với thư pháp chữ Nôm của nhà nghiên cứu Châu Hải Đường, triển lãm tranh cảm hứng từ các nhân vật trong “Truyện Kiều”, đem các tác phẩm vẽ về “Truyện Kiều” giới thiệu tại nước ngoài...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.