(HNM) - Mới đây, tại Hội nghị trực tuyến triển khai kế hoạch năm 2020 ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu: “Ngành nông nghiệp phải nỗ lực phấn đấu để Việt Nam sớm trở thành một trong những quốc gia có nền nông nghiệp phát triển nhất, nhiều mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực đứng hàng đầu thế giới...”.
Là nước còn dựa nhiều vào sản xuất nông nghiệp, năm nay, chúng ta đã có loại gạo được công nhận ngon nhất thế giới (gạo ST25), có nhiều nông sản, hải sản được ưa chuộng trên thị trường quốc tế. Và, thực tế, sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam đã có mặt tại 160 quốc gia và vùng lãnh thổ. Tuy nhiên, để hiện thực hóa yêu cầu của Thủ tướng cần rất nhiều nỗ lực và không chỉ của ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nhất là trong bối cảnh chủ yếu chúng ta vẫn xuất khẩu sản phẩm thô và chưa định hình được thương hiệu cho nông sản Việt. Do vậy, một trong những việc cần làm ngay là tập trung xây dựng thương hiệu cho sản phẩm nông nghiệp, để vừa nâng cao sức cạnh tranh của nông sản nước nhà, vừa góp phần xây dựng giá trị Việt Nam trên trường quốc tế.
Thực tế, việc xây dựng thương hiệu chưa được chú trọng đúng mức nên giá nhiều mặt hàng nông sản có lợi thế cạnh tranh của nước ta như cà phê, hạt điều, gạo vẫn bị “lép vế” so với các đối thủ trên thương trường. Hay nói cách khác, giá trị các mặt hàng nông sản của Việt Nam nhìn chung còn đang ở mức thấp. Vậy, phải làm gì để nâng cao vị thế nông sản Việt?
Trước hết, xây dựng thương hiệu phải bắt đầu từ doanh nghiệp. Các chủ doanh nghiệp đều hiểu rằng, thương hiệu là sự bảo đảm "sống còn" của sản phẩm trên thị trường thời hội nhập... Thế nhưng, phần lớn doanh nghiệp Việt Nam có quy mô nhỏ, không đủ năng lực tham gia các chuỗi giá trị toàn cầu và cũng chưa đầu tư đúng mức xây dựng thương hiệu. Mặt khác, Việt Nam mới chuyển từ sản xuất để bảo đảm cho đủ “cái ăn, cái mặc”, sang nâng cao chất lượng và giá trị gia tăng của sản phẩm, nên chưa thể lập tức có sự thay đổi theo xu thế mới.
Hai điểm yếu cơ bản của doanh nghiệp trong xây dựng thương hiệu đã được chỉ ra: Thứ nhất là nguồn lực. Đầu tư xây dựng thương hiệu cũng như đầu tư cho khoa học công nghệ hay các lĩnh vực phát triển sản xuất, kinh doanh, đòi hỏi thời gian và nguồn lực rất lớn. Do vậy, đây luôn là bài toán khó với những doanh nghiệp nhỏ, vốn liếng không nhiều. Thứ hai là năng lực và tư duy. Từ xuất khẩu nguyên liệu thô đến một chiến lược sản xuất, chế biến, thương mại sản phẩm… là cả vấn đề, đòi hỏi phải có sự đổi mới mạnh mẽ nhưng không phải chủ doanh nghiệp nào cũng có tầm tư duy và năng lực để đáp ứng.
Trở lại với Hội nghị trực tuyến triển khai kế hoạch năm 2020 ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Thủ tướng Chính phủ đã đặt ra những yêu cầu hết sức cụ thể như: Đến năm 2025, có 15 nhóm mặt hàng nông sản đạt giá trị xuất khẩu 1 tỷ USD trở lên với tổng giá trị xuất khẩu là 50 tỷ USD, đứng đầu ASEAN và đứng top 10 của thế giới… Việc nâng cao giá trị xuất khẩu nông sản Việt Nam trên thị trường thế giới là yêu cầu, nhiệm vụ của ngành Nông nghiệp trong thời gian tới; mặt khác, cũng là để khẳng định vị thế của nông nghiệp Việt Nam cũng như giá trị Việt Nam trên trường quốc tế…
Để làm được điều đó, ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần triển khai thực hiện hiệu quả Chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam từ năm 2020 đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1320/QĐ-TTg ngày 8-10-2019; trong đó, tập trung xây dựng và phát triển thương hiệu của các mặt hàng nông, lâm, thủy, hải sản có thế mạnh. Ví dụ, với những mặt hàng như hạt tiêu, hạt điều, chè, cà phê, thủy sản… cần có thương hiệu mang đặc trưng riêng của từng loại sản phẩm để khẳng định vị thế cạnh tranh trên thị trường xuất khẩu. Mặt khác, cần thúc đẩy lợi thế sản phẩm của từng vùng, miền trên cơ sở xây dựng chỉ dẫn địa lý, bởi đây cũng là một công cụ cạnh tranh trên thị trường sản phẩm nông nghiệp trong nước và quốc tế.
Trong bối cảnh hiện tại, khi doanh nghiệp chưa đủ tiềm lực để tạo dựng thương hiệu trên thị trường quốc tế thì Nhà nước với vai trò kiến tạo, cần làm tốt hơn nữa chức năng định hướng; đồng thời, hỗ trợ nguồn lực đủ lớn cho những kế hoạch dài hạn nhằm phát triển thương hiệu nông sản chủ lực, đặc biệt là những nhóm mặt hàng hướng tới đạt giá trị xuất khẩu 1 tỷ USD trở lên. Cần có cơ chế để thúc đẩy doanh nghiệp tham gia vào quá trình xây dựng thương hiệu sản phẩm nông nghiệp, cũng như hỗ trợ doanh nghiệp phát triển thị trường, tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu…
Cùng với đó là sự sáng tạo của mỗi doanh nghiệp trong xây dựng thương hiệu và nâng cao giá trị sản phẩm. Bởi lẽ trong thời đại của công nghệ và kinh tế tri thức thì hàm lượng “chất xám” sẽ quyết định chất lượng sản phẩm, vị thế thương hiệu trên thị trường hội nhập.
Xây dựng thương hiệu cho nông sản cũng là một cách góp phần khẳng định giá trị Việt Nam trên trường quốc tế.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.