(HNM) - Cây lúa nước gắn bó ngàn đời với người dân Việt Nam và là một phần không thể thiếu của văn hóa Việt. Mặt khác, Việt Nam là một quốc gia xuất khẩu gạo xếp trong nhóm dẫn đầu thế giới, hiện có loại gạo ngon nhất thế giới (gạo ST25). Do vậy, xây dựng thương hiệu gạo Việt Nam không chỉ có ý nghĩa kinh tế đơn thuần, giải bài toán cạnh tranh trên thị trường lúa gạo thế giới, mà lớn hơn là nâng cao thương hiệu, giá trị Việt Nam thời hội nhập.
Chưa nói tới những thủ tục buộc phải thực hiện, như việc đăng ký nhãn hiệu quốc tế, để có những loại gạo đủ tiêu chuẩn chiếm lĩnh các thị trường "kỹ tính" đã là cả câu chuyện dài. Bởi nó liên quan đến hàng loạt vấn đề của ngành lúa gạo nói riêng và nông nghiệp Việt Nam nói chung, như: Nguồn giống, quy trình sản xuất, công nghệ sau thu hoạch…
Việt Nam đã có bộ giống chất lượng cao, phù hợp với môi trường sinh thái của từng vùng, miền nhưng công nghiệp sản xuất giống chưa đáp ứng được yêu cầu. Trong khi đó, trình độ canh tác, khả năng tiếp thu tiến bộ khoa học và ý thức tuân thủ quy trình sản xuất của người nông dân còn nhiều hạn chế.
Công nghệ sau thu hoạch (công nghệ sấy, kỹ thuật bảo quản) vẫn là điểm yếu trong lĩnh vực nông nghiệp từ nhiều năm qua. Mặt khác, tham gia trồng lúa gạo chất lượng cao nhưng thu nhập còn khoảng cách khá xa so với nhiều loại cây trồng khác, chưa kể mất giá, ép giá…, nên nông dân chưa thật sự mặn mà.
Khắc phục những tồn tại, hạn chế này, trước hết phải bắt đầu từ việc tái cơ cấu ngành lúa gạo với phương châm gia tăng diện tích lúa chất lượng cao phù hợp với quy hoạch phát triển của từng vùng; đồng thời xác định việc tuân thủ các quy định kỹ thuật, nâng cao chất lượng gạo là vấn đề cốt lõi trong nâng cao giá trị, xây dựng thương hiệu gạo Việt Nam.
Trên cơ sở đó, cần giải quyết đồng bộ, triệt để các vấn đề tồn tại xoay quanh hạt gạo Việt Nam, như: Tạo cơ chế mới thúc đẩy đầu tư nghiên cứu, khảo nghiệm, kiểm nghiệm, đưa các loại giống mới có chất lượng cao vào quy trình sản xuất gạo xuất khẩu; triển khai các chính sách hỗ trợ nguồn vốn để người nông dân trang bị máy móc, thiết bị hiện đại phục vụ các công đoạn của sản xuất... Ngoài ra, cần có giải pháp khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư xây dựng nhà máy, ứng dụng công nghệ cao vào bảo quản, chế biến sản phẩm sau thu hoạch.
Trong vai trò kiến tạo, các cơ quan quản lý nhà nước cần tạo chất xúc tác, thúc đẩy phát triển các chuỗi liên kết sản xuất lúa gạo chất lượng cao; đồng thời làm tốt vai trò "nhạc trưởng" trong hoạch định chính sách, xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường cũng như ngăn chặn có hiệu quả vấn nạn hàng giả, hàng nhái. Cùng với đó là thúc đẩy việc xây dựng, phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ, hình thành chuỗi giá trị gia tăng cho lúa gạo Việt Nam.
Trong việc xây dựng, phát triển thương hiệu gạo Việt Nam, doanh nghiệp có vai trò đặc biệt quan trọng. Bên cạnh việc chuyển đổi theo hướng sản xuất lúa gạo chất lượng cao trên nền tảng công nghệ hiện đại, các doanh nghiệp cần liên kết chặt chẽ với người nông dân để tạo vùng nguyên liệu ổn định, truy xuất được nguồn gốc. Đồng thời đầu tư mạnh mẽ vào công nghiệp chế biến để nâng cao chất lượng sản phẩm.
Người nông dân - những chủ nhân của đồng ruộng, bên cạnh những chính sách hỗ trợ của Nhà nước và doanh nghiệp, cần nâng cao trình độ canh tác, tuân thủ các quy định, quy trình sản xuất. Đặc biệt, với những vùng chuyên canh lúa chất lượng cao, cần tăng cường sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học, phân bón hữu cơ… bảo đảm chất lượng lúa gạo.
Xây dựng, phát triển thương hiệu gạo Việt Nam phải bắt đầu từ chất lượng lúa gạo. Do vậy, không chỉ cần sự vào cuộc của các cơ quan quản lý nhà nước mà rất cần sự chung tay, chung lòng của giới nghiên cứu khoa học, cộng đồng doanh nghiệp, đặc biệt là bà con nông dân.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.