(HNMCT) - Văn hóa chính là “tấm thẻ” nhận diện của mỗi quốc gia, mỗi dân tộc, mỗi địa phương. Vậy làm sao để nhận diện Hà Nội trong vô số thành phố khác trên thế giới khi hội nhập?
Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và phu nhân thưởng thức món phở bò tại một cửa hàng ở Hà Nội. |
Cuốn hút phong vị ẩm thực Hà thành
Với bề dày lịch sử hơn 1.000 năm tuổi, Hà Nội là nơi hội tụ, kết tinh và lan tỏa những giá trị văn hóa truyền thống của các tỉnh thành, vùng miền trên cả nước, để rồi trong quá trình giao lưu, tiếp biến văn hóa đó, Hà Nội đã chắt lọc những gì tinh túy nhất trở thành bản sắc riêng của mình. Ẩm thực cũng không nằm ngoài quy luật đó. Trải qua bao thế kỷ, những sản vật, đặc sản của các địa phương đã du nhập về Hà Nội, được người Hà Nội tiếp nhận, “gọt giũa” theo khẩu vị và văn hóa của mình, Nhiều món ăn dân dã nơi thôn quê khi “nhập cư” vào Hà Nội đã trở thành đặc sản tinh tế, thanh lịch, đúng chất Tràng An.
Hà Nội từ lâu đã nổi tiếng với nhiều đặc sản. Những món ngon nơi đây đã đi vào tâm thức mỗi người và được lưu truyền qua những câu ca dao như: “Cốm Vòng, gạo tám Mễ Trì/ Tương Bần, húng Láng còn gì ngon hơn”, “Rau muống Đồng Lầm, cá rô đầm Sét, sâm cầm Hồ Tây”, hay “Rượu Kẻ Mơ, cờ Mộ Trạch”... Không phải ngẫu nhiên các con phố Hà Nội xưa lại có tên phố gắn liền với các sản vật, món ăn như: Hàng Mắm, Hàng Muối, Hàng Khoai, Hàng Đường, Hàng Bún, Hàng Rươi, Hàng Gà... Vùng ngoại thành Hà Nội xưa là nơi cung cấp lương thực, thực phẩm, nguyên liệu để làm nên những “miếng ngon” Hà thành. Đó là các làng nghề chế biến nông sản, thực phẩm như Tứ Kỳ, Phú Đô làm bún, Mai Động làm đậu phụ, Tương Mai có nghề thổi xôi lúa, Thanh Trì làm bánh cuốn, làng Vòng làm cốm, làng Lủ làm kẹo... Lại có những làng chuyên trồng cây đặc sản như mướp hương làng Quỳnh, cam Canh, bưởi Diễn, hồng xiêm Xuân Đỉnh... Những món ngon dân dã đó đã trở thành thương hiệu gắn với văn hóa Thăng Long - Hà Nội.
Mặc dù đa dạng về loại hình, phong phú về chất liệu, nhưng điểm dễ nhận thấy ở ẩm thực Hà Nội là sự tinh tế, cầu kỳ mà đơn giản, hài hòa. Đó là sự hài hòa trong cách gia giảm gia vị, cân bằng và có khoa học trong chế độ dinh dưỡng, có thể chữa được nhiều loại bệnh... Không những thế, ẩm thực Hà Nội còn tinh tế trong cách ăn, cách chế biến, trang trí, thưởng thức và không gian ẩm thực, khiến thực khách không chỉ ngon miệng mà còn “ngon” cả mắt. Đầu bếp người Mỹ Geoffrey Deetz, người sở hữu chuỗi nhà hàng chuyên món ăn Việt, nói về ẩm thực Hà Nội như sau: “Trong hơn 10 năm sống tại Việt Nam, tôi đã trải nghiệm nhiều điều thú vị về ẩm thực nơi đây. Tôi đã đến Thủ đô và nhận thấy đây chính là nơi sở hữu một nền ẩm thực tuyệt vời. Các món ăn sử dụng rất ít đường, bột nêm được dùng phổ biến để tạo nên những hương vị truyền thống. Với tôi, người Việt Nam rất sành ăn và hiểu biết”.
Khai thác thế mạnh của ẩm thực
Những năm gần đây, Hà Nội liên tục được các trang web, tạp chí nổi tiếng thế giới như Telegraph, CNN, National Geographic, South China Morning Post... bầu chọn là “Thiên đường ẩm thực của thế giới” hay nằm trong Top các nước có nền ẩm thực ảnh hưởng nhất thế giới. Nhiều món ăn như phở, bánh mì, chả cá, bún chả, nem, cà phê trứng... được khách quốc tế yêu thích và mỗi lần nhắc tới người ta lại nhớ ngay tới Hà Nội. Và ẩm thực Hà Nội càng nức tiếng hơn sau khi cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama cùng cố đầu bếp nổi tiếng Anthony Bourdain thưởng thức món bún chả trên phố Lê Văn Hưu (quận Hai Bà Trưng), Hoàng tử Anh William thưởng thức cà phê phố cổ hay cựu Tổng thống Pháp Francois Hollande uống cà phê trên phố Mã Mây (quận Hoàn Kiếm) vào năm 2016. Năm 2018, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và phu nhân đã cùng thưởng thức món phở bò tại một cửa hàng ở Hà Nội. Và mới đây nhất, hồi tháng 2-2019, Tổng thống Argentina Mauricio Macri đã dừng chân thưởng thức cà phê ngay tại một quán vỉa hè...
Tất cả những điều đó cho thấy bên cạnh hình ảnh điểm đến an toàn, thân thiện, mến khách là sức hấp dẫn của ẩm thực Hà Nội. Chẳng phải cao lương mỹ vị khó tìm, các vị nguyên thủ của các nước đều chọn cho mình những món truyền thống giản dị của Hà Nội để thưởng thức. Không thể phủ nhận rằng những hình ảnh thân thiện của các chính khách quốc tế đã tiếp thêm “sức mạnh” và sự tự tin cho ẩm thực Hà Nội. Thực tế là ngày càng nhiều khách quốc tế biết đến hoặc tò mò, muốn thưởng thức ẩm thực Thủ đô trong chuyến du lịch Việt Nam của mình. Thông qua ẩm thực, du khách có thể khám phá, cảm nhận rõ phong tục, tập quán, bản sắc văn hóa cũng như những hình ảnh đẹp về phong cảnh và con người Hà Nội. Có thể thấy, Hà Nội đã thực sự tạo được dấu ấn riêng biệt thông qua ẩm thực và các giá trị văn hóa truyền thống, góp phần thu hút ngày càng nhiều du khách trong và ngoài nước.
Định vị thương hiệu ẩm thực Thủ đô
Với những lợi thế nổi bật, ẩm thực xứng đáng là một trong những “lực đẩy” đưa hình ảnh Hà Nội ra thế giới. Nhưng thực tế nhiều năm qua ẩm thực Thủ đô chưa được đánh giá, nhìn nhận đúng vai trò, vị trí của mình khiến cho việc quảng bá hình ảnh đất nước con người Việt Nam và Thủ đô Hà Nội chưa xứng tầm. PGTS.TS Hoa Hữu Lân, Viện Nghiên cứu Phát triển kinh tế xã hội Hà Nội nhìn nhận: Việc quảng bá giá trị văn hóa ẩm thực Hà Nội thông qua công tác xúc tiến thương mại, đầu tư, du lịch những năm qua chưa được coi trọng đúng mức. Cần phải nhận thức đúng về giá trị văn hóa ẩm thực như là một điểm nhấn nổi bật trong quảng bá du lịch nói chung và hình ảnh Thủ đô nói riêng. Ẩm thực Hà Nội mới chỉ chú ý đến khâu “thực”, còn phần “hồn” là các giá trị văn hóa lại chưa được chú trọng. Trong khi đó, nhiều quốc gia đã khai thác rất tốt các “sức mạnh mềm” của ẩm thực để tăng cường giá trị kinh tế - xã hội. Đơn cử như Hàn Quốc, thông qua việc giới thiệu đặc sản Kim chi và các món ăn khác, họ không chỉ giới thiệu được những nét đặc sắc trong văn hóa truyền thống của đất nước Hàn Quốc mà còn cho thế giới biết đến nhiều sản phẩm công nghiệp khác. “Nhất cử lưỡng tiện” là cách quảng bá không tốn nhiều công sức mà lại hiệu quả, hiện đang được nhiều nước thực hiện triệt để.
Thời gian qua, Hà Nội đã tổ chức một số sự kiện văn hóa quốc tế có thể tạo ra thương hiệu cho thành phố, trong đó đáng chú ý là Lễ hội âm nhạc quốc tế Gió mùa, Tuần lễ Thời trang quốc tế Việt Nam, Liên hoan Phim quốc tế Hà Nội hay Hội chợ Du lịch quốc tế Hà Nội..., góp phần đưa các lĩnh vực âm nhạc, thời trang, điện ảnh, du lịch của Thủ đô lên tầm quốc tế. Trong khi đó, ẩm thực Hà Nội vẫn gần như “lép vế” ở các hội chợ ngành nghề, sự kiện văn hóa, thể thao, du lịch. Sự thiếu đồng bộ, thiếu chuyên nghiệp trong việc kinh doanh và quảng bá các món ăn khiến cho nghệ thuật ẩm thực của Hà Nội và Việt Nam chưa có vị trí xứng đáng trên bản đồ ẩm thực thế giới. Nhờ sự nỗ lực, vất vả của ngành Văn hóa, năm 2018 Lễ hội Văn hóa ẩm thực Hà Nội mới được tổ chức một cách khá chuyên nghiệp, nhưng đó vẫn chỉ là “sân chơi” của các nghệ nhân, nhà hàng Thủ đô. Hay mới đây, trong Hội nghị thượng đỉnh Hoa Kỳ - Triều Tiên lần 2, những món ăn truyền thống đặc trưng của ẩm thực Thủ đô như: Bún thang bà Ẩm, xôi Phú Thượng, phở Thìn, cà phê Giảng... đã “hiện diện” với vai trò phục vụ các phóng viên tại Trung tâm báo chí quốc tế. Mặc dù không phải là một sự kiện chính thức nhưng ẩm thực Hà Nội đã gây tiếng vang và để lại ấn tượng sâu sắc cho các phóng viên trong và ngoài nước.
Đó là cơ hội quảng bá có một không hai của ẩm thực Hà Nội, dù không được “chính danh” là một sự kiện độc lập của riêng ẩm thực. Điều đó cũng bộc lộ cái Hà Nội còn thiếu hiện nay là một “sân chơi” ẩm thực mang tầm quốc tế, có thể thu hút bạn bè thế giới đến giao lưu, giới thiệu, trao đổi về ẩm thực, qua đó khẳng định vị thế của ẩm thực Thủ đô hơn nữa, nhằm đưa Hà Nội trở thành một trong những trung tâm ẩm thực của Đông Nam Á nói riêng và châu Á nói chung. Nhưng để “vươn ra biển lớn”, rõ ràng ẩm thực Hà Nội phải thay đổi cách làm, cách nghĩ, đầu tư có bài bản để ngày càng chuyên nghiệp hóa trong mọi lĩnh vực. Có như vậy mới khẳng định vị thế của mình, đồng thời góp phần tích cực vào việc nhận diện văn hóa Thủ đô trong công cuộc hội nhập quốc tế.
TS Nguyễn Thị Bảy - Viện Văn hóa nghệ thuật Việt Nam: “Để ẩm thực Hà Nội và Việt Nam đứng vững ở cả thị trường trong nước và quốc tế, chúng ta cần thay đổi cách thức kinh doanh cá nhân nhỏ lẻ như hiện nay. Thay vào đó là sự chuyên nghiệp hóa trong cách thức quảng bá thương hiệu. Phát triển ngành công nghiệp ẩm thực không chỉ là một kênh giới thiệu tinh hoa văn hóa của Hà Nội và Việt Nam ra thế giới mà hoàn toàn có thể làm giàu cho Thủ đô, cho đất nước”. |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.