(HNM) - Công tác chỉ đạo thực hiện cải cách hành chính (CCHC) những năm gần đây đã có sự điều chỉnh khoa học hơn trong việc lập kế hoạch định kỳ, tiến hành sơ kết, tổng kết, thực hiện chế độ báo cáo. Tuy nhiên, tiến độ CCHC trong một số nội dung còn chậm, hiệu quả chưa cao.
Tuy nhiên, tiến độ CCHC trong một số nội dung còn chậm, hiệu quả chưa cao. Nguyên nhân chính là vẫn chưa có được một hệ thống giám sát, đánh giá CCHC thực sự khoa học, hiệu quả.
Thiếu khung chuẩn giám sát, đánh giá
Xây dựng hệ thống giám sát, đánh giá CCHC để bảo đảm hoạt động quản lý nhà nước cũng như bảo đảm quyền, lợi ích của công dân. Ảnh: Linh Tâm
Hiện nay, từng cơ quan hành chính các cấp từ trung ương (TƯ) đến địa phương đều xây dựng chương trình, kế hoạch CCHC hằng năm, trong đó, hướng đến việc thực hiện các nghị quyết, quyết định cụ thể của TƯ và địa phương. Đó cũng là cơ sở để đánh giá kết quả thực hiện của đơn vị. Như vậy, việc đánh giá CCHC mới chỉ dừng lại ở mức các cơ quan hành chính; còn vai trò của người dân, doanh nghiệp thực chất chưa được chú ý. Hơn nữa, dù hằng tháng, các bộ, ngành; các tỉnh, thành phố trực thuộc TƯ phải gửi báo cáo về Bộ Nội vụ để tổng hợp, xây dựng báo cáo trình Chính phủ nhưng chất lượng báo cáo còn nhiều hạn chế như: vẫn tập trung báo cáo thành tích, chưa phân tích nguyên nhân thất bại, tìm ra giải pháp để giải quyết; các báo cáo đều mang xu hướng định tính nhiều hơn định lượng; việc đánh giá chưa dựa trên các chỉ số thống nhất, khoa học và hợp lý; chưa đánh giá được chất lượng giải quyết thủ tục hành chính, chất lượng phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước với người dân và doanh nghiệp. Theo các chuyên gia, để thực hiện hiệu quả công tác CCHC cần phải quản lý tốt hơn quá trình CCHC tại từng bộ, ngành, địa phương. Do đó, việc xây dựng khung chỉ số giám sát, đánh giá CCHC và từng bước thiết lập một hệ thống giám sát, đánh giá có tính khoa học, khả thi và phù hợp với điều kiện của Việt Nam ngày càng trở nên cấp bách.
Thực tế, đã có một số bộ như Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Tài nguyên và Môi trường; Kế hoạch và Đầu tư triển khai giám sát, đánh giá CCHC và đã thu được kết quả tốt. Tỉnh Cao Bằng cũng đã thực hiện phương pháp này từ vài năm nay. Kinh nghiệm của Cao Bằng là thực hiện việc đánh giá vào cuối tháng 12 hằng năm và triển khai đến tất cả các cơ quan hành chính trong tỉnh. Hệ thống tiêu chí giám sát, đánh giá này được xây dựng dựa trên kế hoạch hành động CCHC theo từng giai đoạn, gồm: Mục tiêu chính, mục tiêu cụ thể; hoạt động chính (còn gọi là kết quả đầu ra); cơ quan thực hiện hoạt động chính; chỉ số đánh giá; tính điểm cho chỉ số đánh giá; tài liệu kiểm chứng và chu kỳ đánh giá (hoặc thời điểm đánh giá). Mỗi hoạt động đều có từ 1 đến 2 chỉ số trở lên để giám sát đánh giá. Chỉ số giám sát, đánh giá có thể là định tính hoặc định lượng. Theo đó, các nội dung: cải cách thể chế; cải cách tổ chức bộ máy; nâng cao chất lượng cán bộ, công chức; cải cách tài chính công và hiện đại hóa nền hành chính đều có chỉ số giám sát. Có 2 phương pháp để đánh giá là: căn cứ vào kế hoạch, các cơ quan hành chính tự giám sát, đánh giá thường xuyên và tổ chức đoàn giám sát, đánh giá độc lập tiến hành giám sát, đánh giá theo kỳ. Nhìn chung, hệ thống giám sát, đánh giá thực sự là công cụ để các cơ quan chức năng hoặc đoàn đánh giá độc lập có thể tiến hành đánh giá một cách khách quan, khoa học và công bằng hơn đối với các đối tượng được đánh giá. Song, đây là một phương pháp mới đối với các cơ quan hành chính nhà nước nên việc xây dựng hệ thống giám sát, đánh giá tại các cơ quan gặp nhiều khó khăn trong việc đưa ra chỉ tiêu để đánh giá cũng như việc áp dụng. Chính vì chưa có một hệ thống chỉ tiêu chuẩn để áp dụng chung nên việc thực hiện chưa được đồng bộ trên cả nước.
Sẽ có "thước đo"
Trên thế giới, Australia là nước có truyền thống về tính minh bạch của nền công vụ đã áp dụng hệ thống giám sát, đánh giá suốt 20 năm qua. Qua đó, đã tạo động lực cho các cơ quan trong nỗ lực hoàn thành công việc và tạo môi trường công khai, minh bạch trong việc đánh giá mức độ hoàn thành công việc của từng đơn vị, từng cơ quan và của từng cá nhân, kể cả công chức cao cấp dựa trên chỉ số đánh giá. Bộ Nội vụ Việt Nam đã tổ chức các đoàn công tác sang tham khảo kinh nghiệm của Australia cũng như một số nước thực hiện tốt nền hành chính công để chọn lựa, áp dụng cách làm phù hợp với Việt Nam. Theo Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Tiến Dĩnh: "Không có gì thuyết phục xã hội hơn về kết quả cải cách bằng những con số và chỉ số đo lường. Kết quả CCHC phải cụ thể hóa, người dân, doanh nghiệp phải cảm nhận được kết quả thực sự của cải cách". Hiện Bộ Nội vụ đang nghiên cứu, xây dựng hệ thống giám sát, đánh giá CCHC chuẩn để áp dụng chung trên toàn quốc. Việc giám sát, đánh giá quá trình quản lý nhà nước sẽ được triển khai thường xuyên để bảo đảm hoạt động quản lý nhà nước cũng như bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của công dân. Về cơ bản, hệ thống giám sát, đánh giá CCHC sẽ phải có các tiêu chí: chuyên nghiệp; khoa học; bảo đảm độ tin cậy và chính xác và có sự tham gia của người dân và doanh nghiệp. Như vậy, đây là một công cụ quan trọng để định lượng mức độ, kết quả CCHC của các cơ quan hành chính. Với công cụ này, bộ, ngành, tỉnh, thành phố nào thực hiện tốt hay không tốt công tác CCHC, đứng ở vị trí nào trong bảng xếp hạng thực hiện CCHC sẽ được đánh giá một cách khách quan và trách nhiệm người đứng đầu các cơ quan hành chính cũng sẽ được đánh giá một cách chính xác.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.