Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thực phẩm "bẩn" - tác nhân gây ung thư

Thu Trang| 23/11/2015 06:06

(HNM) - Hàng loạt vụ thực phẩm

Người tiêu dùng hoang mang vì chất lượng thực phẩm chưa được kiểm soát chặt chẽ. Ảnh: Đàm Duy


Thực phẩm “bẩn” - tác nhân hàng đầu có thể dẫn đến tổn hại sức khỏe

Theo thống kê sơ bộ của Bộ Y tế, trung bình ở nước ta mỗi năm có khoảng 150.000 người mắc ung thư mới và có khoảng 75.000 trường hợp tử vong vì căn bệnh này. Còn theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), xu thế mắc ung thư không ngừng gia tăng không chỉ ở Việt Nam mà còn ở hầu hết các nước trên thế giới. Gánh nặng ung thư toàn cầu đã tăng gấp đôi từ năm 1974 đến năm 2000, dự báo sẽ còn tăng gấp đôi kể từ nay đến năm 2030. Loại ung thư thường gặp ở nam giới hiện nay là gan, phổi, dạ dày, ruột, vòm họng và ở nữ là ung thư vú, gan, phổi, cổ tử cung và dạ dày. Nguyên nhân được cho là do môi trường ô nhiễm và thực phẩm nhiễm độc.

Đề cập đến vấn đề này, GS.TS Nguyễn Bá Đức, Phó Chủ tịch Hội Ung thư Việt Nam cho rằng, những gì tác động vào nhân tế bào đều có thể gây ung thư, trong đó hơn 80% nguyên nhân là do môi trường bên ngoài, còn tỷ lệ tự đột biến rất thấp (chỉ chiếm khoảng 10%). Điều đáng bàn là trong các tác nhân môi trường bên ngoài, thức ăn đứng đầu trong các nguyên nhân ảnh hưởng lớn nhất đến căn bệnh này (chiếm khoảng 40%), đứng thứ 2 mới là do hút thuốc lá (chiếm 30%).

PGS.TS Ngô Thị Thu Thoa, nguyên Phó Trưởng khoa Giải phẫu bệnh - tế bào (Bệnh viện K Hà Nội) cũng cho biết, ung thư không giống như những bệnh truyền nhiễm hay bệnh nhiễm khuẩn có thể phát hiện ra ngay. Việc tích lũy bệnh là quá trình lâu dài, tùy theo cơ địa mỗi người. Càng hấp thụ vào cơ thể lượng thực phẩm nhiễm độc nhiều thì nguy cơ mắc bệnh ung thư càng lớn. Những bệnh ung thư dễ mắc nhất do sử dụng thực phẩm chứa hóa chất độc hại, đó là ung thư dạ dày, gan, đại tràng… "Không thể "trốn" được ung thư nếu tiếp tục phải sử dụng những thực phẩm "bẩn", những thực phẩm không được nuôi, trồng an toàn như hiện nay" - PGS.TS Ngô Thị Thu Thoa nói.

Phải quản lý từ "gốc"

Để điều trị bệnh ung thư hiệu quả, các chuyên gia y tế khuyến cáo, quan trọng nhất là phát hiện sớm bệnh. Do đó, người dân nên đi khám sức khỏe định kỳ, kịp thời đến bệnh viện khi nhận thấy những yếu tố bất thường của cơ thể. Đặc biệt cần lưu ý, tác nhân ung thư được xác định có nguyên nhân từ chế độ ăn uống, vì vậy, việc lựa chọn thực phẩm an toàn và ăn nhiều rau xanh sạch đóng vai trò quan trọng trong phòng chống ung thư. Thế nhưng, thực phẩm "bẩn" với "muôn hình vạn trạng", không dễ kiểm soát và người tiêu dùng chỉ mong chờ sự quyết liệt từ cơ quan chức năng.

Chị Đỗ Hiền Trang (ở Cầu Giấy, Hà Nội) cho rằng, nhiều người truyền tai nhau kinh nghiệm mua rau phải thế này, mua thịt phải thế kia… nhưng không phải lúc nào cũng chính xác. Khi và chỉ khi quản lý được từ "gốc", ngay tại nơi sản xuất, từ cửa khẩu thì mới có được sản phẩm an toàn cho người tiêu dùng. 

Theo các chuyên gia y tế, một trong những nguyên nhân dẫn tới tăng tỷ lệ nhiễm ung thư hiện nay là do việc ô nhiễm các chất độc hại, thuốc trừ sâu trong quá trình sản xuất hàng hóa nông sản. Quá trình này sẽ làm gia tăng nhiều loại ung thư nguy hiểm như ung thư vú, ung thư hạch, ung thư dạ dày, ung thư thực quản... Ngoài ra trong quá trình bảo quản sản phẩm, vì lợi nhuận mà người sản xuất, người kinh doanh đã sử dụng hóa chất bảo quản vượt ngưỡng cho phép để thực phẩm tươi lâu hơn. Điều này vô cùng nguy hiểm, chất độc sẽ ngấm vào cơ thể từ từ, tích tụ đến thời điểm sẽ phát bệnh. Tiếp đến là trong quá trình chế biến do thiếu những kiến thức cần thiết nên sử dụng thực phẩm cháy quá, thực phẩm hun khói, khi ở nhiệt độ cao sẽ sản sinh ra chất hóa học gây bệnh. Ngoài ra, thói quen ăn nhiều các loại rau, dưa muối mặn… cũng dễ gây ung thư các cơ quan tiêu hóa như ung thư ruột, ung thư gan...
(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Thực phẩm "bẩn" - tác nhân gây ung thư

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.