(HNMO) - Sáng 29-4, dưới sự chứng kiến của Bộ Thông tin và Truyền thông, 3 nhà cung cấp dịch vụ di động gồm Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông quân đội (Viettel), Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT), Tổng công ty Viễn thông MobiFone đã ký kết nội dung bổ sung kế hoạch quản lý thông tin thuê bao di động, ngăn chặn và xử lý sim rác.
Việc ký kết này nhằm xử lý sim kích hoạt sẵn đã được các nhà mạng kể trên cam kết tại bản kế hoạch xử lý sim rác ký kết từ tháng 6-2019. Theo đó, các nhà mạng đã trao đổi, thống nhất bổ sung các biện pháp tăng cường xử lý sim rác đối với bản kế hoạch đã ký kết năm 2019.
Cụ thể, việc kích hoạt thuê bao được thực hiện trên hệ thống tập trung của doanh nghiệp, do chính nhân viên nhà mạng thực hiện. Nhân viên đại lý ủy quyền, kênh chuỗi chỉ hỗ trợ bán hàng, nhập liệu thông tin thuê bao (nếu có).
Đặc biệt, nhà mạng triển khai giải pháp công nghệ như video call (thoại có hình ảnh) để xác thực khách hàng trước khi quyết định kích hoạt thuê bao. Ngoài ra, bổ sung trách nhiệm xử lý cá nhân, đơn vị của doanh nghiệp nếu để xảy ra sai phạm…
Tại lễ ký kết, đại diện lãnh đạo các doanh nghiệp viễn thông đều thể hiện sự quyết tâm trong việc nâng cao hiệu quả công tác quản lý thông tin thuê bao di động, ngăn chặn và xử lý sim rác, tạo tiền đề cho việc phát triển các dịch vụ mới, không gian mới như Mobile Money...
Cũng tại buổi ký kết, ông Lê Văn Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Viễn thông cho biết, việc các nhà mạng ký các thỏa thuận hôm nay thể hiện sự chung tay, thống nhất xử lý sim rác. Bên cạnh việc triển khai các biện pháp theo bản kế hoạch đã được ký kết, trong năm 2021, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ khẩn trương hoàn thiện trình Chính phủ xem xét ban hành nghị định sửa đổi Nghị định 49/2017/NĐ-CP (ngày 24-4-2017 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung Điều 15 của Nghị định số 25/2011/NĐ-CP ngày 6-4-2011 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Viễn thông và Điều 30 của Nghị định số 174/2013/NĐ-CP ngày 13-11-2013 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin và tần số vô tuyến điện) nhằm tạo hành lang pháp lý thuận lợi cũng như các nội dung, biện pháp của doanh nghiệp trong việc xử lý sim rác.
Đồng thời, Bộ cũng sẽ phối hợp trao đổi với Bộ Công an thúc đẩy việc kết nối đối soát thông tin giữa cơ sở dữ liệu thuê bao với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Trước đó, triển khai các quy định của Nghị định số 49/2017/NĐ-CP, trong giai đoạn 2019-2020, Cục Viễn thông (Bộ Thông tin và Truyền thông) đã hướng dẫn, điều phối các nhà mạng cùng thống nhất thực hiện việc thu hồi và ngăn chặn sim nghi ngờ kích hoạt sẵn thông qua các tiêu chí đề ra.
Trên cơ sở đó, các nhà mạng đã triển khai nhiều biện pháp kỹ thuật, như áp dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong việc hỗ trợ nhận diện khách hàng (KYC) từ tháng 4-2020, dừng phát triển sim mới tại điểm ủy quyền từ tháng 6-2020, nâng cấp AI sinh trắc học từ tháng 9-2020.
Theo đánh giá của Cục Viễn thông, thời gian qua, việc các nhà mạng triển khai các giải pháp ngăn chặn sim rác đã mang lại nhiều kết quả tích cực. Các nhà mạng đã xử lý, thu hồi hàng chục triệu sim có dấu hiệu nghi ngờ kích hoạt sẵn trên kênh phân phối...
Kết quả này cũng đã được Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội ghi nhận, đánh giá trong báo cáo thẩm tra đối với báo cáo của Chính phủ về việc thực hiện một số nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn trong trong lĩnh vực công nghệ thông tin và truyền thông vào cuối năm 2020.
Theo đó, tình trạng sim rác đã được ngăn chặn đáng kể, việc truyền thông, nâng cao nhận thức cho người dân, doanh nghiệp về sim rác, tin nhắn rác đã được triển khai và đem lại kết quả tích cực. Cho đến nay, một số lượng lớn sim rác đã bị thu hồi, số lượng sim rác kích hoạt sẵn trên các kênh phân phối ngày càng giảm...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.