(HNM) - Tăng trưởng kinh tế quý I thấp hơn so với dự kiến. Xác định rõ nguyên nhân và tìm ra giải pháp khắc phục, bảo đảm tăng trưởng kinh tế là đòi hỏi đặt ra với các cấp, ngành liên quan. Phóng viên Báo Hànộimới đã trao đổi với ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê về vấn đề này.
- Ông có thể cho biết những nguyên nhân khiến GDP quý I tăng trưởng thấp?
- Tăng trưởng GDP quý I năm nay đạt 5,46% và thấp hơn quý I năm 2015, nhưng cao hơn quý I của các năm 2012, 2013 và 2014. Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản giảm 1,23%. Khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 6,72%, thấp hơn quý I năm 2015. Trong đó, ngành Công nghiệp tăng 6,2% so với cùng kỳ. Ngành Xây dựng tăng 9,94% - là ngành có mức tăng cao nhất trong các ngành kinh tế. Khu vực dịch vụ tăng 6,13%, cao nhất so với quý I của cả giai đoạn 2012-2015. Như vậy, nguyên nhân chủ yếu khiến GDP quý I tăng trưởng thấp là do khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản cũng như công nghiệp - xây dựng đều tăng thấp so với cùng kỳ.
- Ông có nhận xét gì về ý kiến cho rằng doanh nghiệp (DN) trong nước gặp khó khăn hơn so với thời gian trước?
- Trong quý I, cả nước có thêm 23.767 DN thành lập mới, tăng 24,8%, với số vốn đăng ký 186.013 tỷ đồng, tăng 67,2% so với cùng kỳ. Tỷ trọng vốn đăng ký bình quân trên một DN trong quý I đạt 7,8 tỷ đồng, tăng 1,5% so với quý IV-2015 và tăng 34,5% so với cùng kỳ. Số lao động đăng ký của các DN thành lập mới trong quý I-2016 là 322,2 nghìn lao động, tăng 21,5% so với cùng kỳ. Số DN quay trở lại hoạt động trong quý I là 9.376 đơn vị, tăng 84,1% so với cùng kỳ năm 2015. Quý I, cả nước có 20.044 DN tạm ngừng hoạt động, tăng 23,9% so với cùng kỳ năm trước.
Như vậy, số lượng DN thành lập mới cao hơn số DN tạm ngừng hoạt động. Theo quy luật kinh tế thị trường thì việc DN tạm ngừng hoạt động, thay đổi ngành nghề hoặc giải thể là tất yếu khách quan. Những DN mới, ngành nghề mới sẽ ra đời không những bù đắp phần thiếu hụt của các DN giải thể, mà còn tăng thêm quy mô vốn đầu tư tính trên một đơn vị, tạo được nhiều việc làm và giá trị gia tăng cho xã hội. Đây là một thực tế đáng ghi nhận.
- Vậy, phải làm gì để cải thiện tình hình kinh tế trong thời gian còn lại của năm 2016?
- Để đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế như Quốc hội đề ra (6,7%), Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương cần tập trung chỉ đạo, tổ chức thực hiện tốt Nghị quyết số 01/CP (ngày 7-1-2016) của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH và dự toán ngân sách nhà nước năm 2016; Nghị quyết các phiên họp thường kỳ của Chính phủ, các chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ.
Trong đó, cần tập trung vào những giải pháp chủ yếu: Tổ chức triển khai nghiêm túc và có hiệu quả Chỉ thị số 09/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về triển khai các biện pháp cấp bách ứng phó xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long; tập trung các biện pháp khắc phục tình trạng khô hạn tại các tỉnh Nam Trung Bộ và Tây Nguyên. Triển khai các giải pháp hỗ trợ cho sản xuất nông nghiệp, nhất là tại các vùng bị ảnh hưởng nặng nề của thiên tai để đạt mức tăng trưởng ngành Nông, Lâm nghiệp và Thủy sản cả năm 2016 khoảng 2,5%. Huy động nguồn lực cho đầu tư phát triển, cân đối các nguồn vốn để đầu tư các công trình, dự án cấp bách khắc phục hạn hán, xâm nhập mặn và sạt lở ven biển. Về lâu dài, cần nghiên cứu các giải pháp sử dụng nước hiệu quả, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện khí hậu...
Bên cạnh đó, phải tháo gỡ khó khăn để thúc đẩy phát triển ngành Công nghiệp khai khoáng, trong đó khai thác dầu thô phấn đấu đạt khoảng 16 triệu tấn; triển khai các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng sản xuất công nghiệp chế biến, chế tạo để đạt tốc độ tăng trưởng khoảng 13%. Tăng cường xúc tiến thương mại, đẩy mạnh xuất khẩu; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế... Kiểm soát chặt chẽ chi tiêu, bảo đảm cân đối thu chi và tăng cường các biện pháp đấu tranh phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại, trốn thuế...
- Theo ông, năm nay liệu có khả năng hoàn thành mục tiêu tăng trưởng GDP?
- Tình hình KT-XH quý I đã đạt được một số kết quả tích cực, như kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát. Chỉ số giá tiêu dùng tăng ở mức thấp. Tăng trưởng khu vực dịch vụ cao hơn cùng kỳ, đã có xuất siêu bằng 2% tổng kim ngạch xuất khẩu. Tổng đầu tư toàn xã hội và thu hút vốn nước ngoài đạt khá cao. Hoạt động phát triển DN tiếp tục có những chuyển biến tốt. Tuy nhiên, tình hình quý I cũng cho thấy, nền kinh tế nước ta đang gặp rất nhiều thách thức. Tốc độ tăng trưởng GDP và tốc độ tăng khu vực công nghiệp chậm lại, thấp hơn nhiều so với quý I năm trước.
Riêng khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản giảm 1,23% do thiên tai, rét hại, băng giá, hạn hán, xâm nhập mặn. Tốc độ xuất khẩu có tăng, nhưng thấp hơn so với cùng kỳ. Đặc biệt là sự giảm sút nhập khẩu thiết bị, máy móc, nguyên vật liệu,... sẽ tác động xấu đến hoạt động sản xuất trong nước. Nếu tình hình sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản tiếp tục khó khăn; sản lượng dầu thô chỉ khai thác được khoảng 14 triệu tấn; công nghiệp chế biến, chế tạo phấn đấu đạt 11% thì tốc độ tăng trưởng GDP cả năm chỉ đạt khoảng 5,45% - tức thấp hơn mục tiêu Quốc hội đề ra là 6,7%.
Tuy nhiên, giải quyết tốt vấn đề hạn hán, hoặc chuyển đổi từ sản xuất lúa sang nuôi trồng thủy sản để khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng trưởng hơn 2,5%; giá dầu thô tăng trở lại, sản lượng dầu thô khai thác vượt mức kế hoạch khoảng 2 triệu tấn (đạt 16 triệu tấn); công nghiệp chế biến, chế tạo lấy lại đà tăng trưởng cao (đạt khoảng 13%), thì GDP cả năm 2016 có thể tăng trưởng như kế hoạch đã đề ra.
- Xin cảm ơn ông!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.