Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thực hiện sắp xếp, tinh giản bộ máy: Những vấn đề từ thực tiễn

Việt Tuấn| 25/05/2019 06:11

(HNM) - Thời gian qua, Hà Nội đã quyết liệt kiện toàn, sắp xếp tổ chức bộ máy; thực hiện tinh giản biên chế. Song, đợt giám sát mới đây của Thường trực HĐND thành phố về công tác này đã phát hiện những vấn đề, vướng mắc từ thực tiễn đang cần lời giải.

Phó Chủ tịch Thường trực HĐND thành phố Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn cùng đoàn giám sát của Thường trực HĐND thành phố khảo sát bộ phận “một cửa” UBND phường Lê Lợi, thị xã Sơn Tây.


Đâu là rào cản?

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là một trong những đơn vị có nhiều khó khăn, vướng mắc trong sắp xếp tổ chức, bộ máy và sử dụng biên chế. Hiện tại, Sở chưa hoàn thành công tác sắp xếp tổ chức bộ máy theo Quyết định số 28/2016/QĐ-UBND của UBND thành phố; đề án vị trí việc làm của các đơn vị sự nghiệp thuộc Sở chưa được thành phố phê duyệt. 

Trưởng ban Pháp chế HĐND thành phố Nguyễn Hoài Nam cho biết, nguyên nhân là Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chưa thực sự quyết liệt trong công tác này. Đồng thời, đơn vị hiện vẫn phải chờ hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc thành lập Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp trực thuộc UBND cấp huyện. Đáng lưu ý, Sở còn tình trạng sử dụng viên chức thực hiện nhiệm vụ của công chức tại Chi cục Đê điều và phòng chống lụt bão, Chi cục Chăn nuôi và thú y, Chi cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật… Bên cạnh đó, số hợp đồng lao động của các đơn vị sự nghiệp thuộc Sở cũng lớn.

Thị xã Sơn Tây, huyện Sóc Sơn là hai đơn vị điển hình trong việc cán bộ hợp đồng được giao làm nhiệm vụ chuyên môn. Theo Trưởng ban Tổ chức Thị ủy, Trưởng phòng Nội vụ thị xã Sơn Tây Nguyễn Thị Thu Hương, hiện có 5 lao động hợp đồng làm công tác chuyên môn tại Đội Quản lý trật tự xây dựng đô thị. Còn theo Trưởng phòng Nội vụ huyện Sóc Sơn Nguyễn Hồng Sơn, huyện còn 61 lao động hợp đồng làm công tác chuyên môn tại UBND các xã, thị trấn.

Theo Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Tô Văn Động, Sở cũng có nhiều bất cập trong sắp xếp bộ máy, tinh giản biên chế đối với các đơn vị sự nghiệp. Do đặc thù trong lĩnh vực biểu diễn nghệ thuật, các cán bộ, viên chức trong đơn vị đã hết tuổi nghề, nhưng chưa đến tuổi nghỉ hưu, không đủ điều kiện để tinh giản biên chế, dẫn đến việc đơn vị nhiều biên chế, nhưng vẫn phải ký hợp đồng lao động ngắn hạn phục vụ hoạt động biểu diễn, nhằm duy trì nguồn thu cho đơn vị.

Đáng lưu ý, tại Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông thành phố, số biên chế giảm 135 người so với thời điểm sáp nhập 7 đơn vị, nhưng thu nhập của người lao động lại giảm. Bởi, đa số các dự án của Ban đều chuyển tiếp, tồn đọng chưa thể quyết toán; trong khi dự án giao thông mới được giao ít, tiến độ phê duyệt kéo dài, tỷ lệ trích chỉ là 1% tổng vốn của dự án dành cho kinh phí quản lý của Ban, nên tài chính rất hạn hẹp. Hiện tại, Ban phải vay ngân sách để trả lương cho cán bộ, viên chức, người lao động. Cũng vì thu nhập thấp, nhiều cán bộ có năng lực, chuyên môn tốt đã chuyển công tác, hoặc xin nghỉ việc.

Tinh giản nhưng cần linh hoạt, lưu ý đặc thù

Theo các đơn vị được HĐND thành phố tiến hành khảo sát, nguyên nhân chủ yếu trong việc phải sử dụng hợp đồng lao động vào thực hiện nhiệm vụ chuyên môn chính là việc hướng dẫn tổ chức thi tuyển viên chức, công chức trên địa bàn thành phố chậm. Trong khi đó, áp lực công việc đòi hỏi ngày một cao hơn.

Việc sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế cần thực hiện nghiêm túc, hiệu quả.Trong ảnh: Hướng dẫn người dân làm thủ tục hành chính tại bộ phận "một cửa" UBND quận Bắc Từ Liêm. Ảnh: Viết Thành.


Theo Phó Giám đốc Sở Nội vụ Nguyễn Thị Liễu, nhằm tháo gỡ những tồn tại trên, thành phố đang tổ chức, hướng dẫn các đơn vị thi tuyển công chức, viên chức. Theo đó, toàn bộ số hợp đồng lao động tại các cơ quan, đơn vị trên địa bàn thành phố sẽ đăng ký thi tuyển. Trường hợp không đỗ sẽ xem xét cắt hợp đồng lao động. Ngoài ra, Sở Nội vụ cũng tham mưu cho UBND thành phố giao chỉ tiêu biên chế cho các quận, huyện, khối hành chính theo khối lượng công việc, mức độ đô thị hóa từng địa phương cho phù hợp, chứ không cứng nhắc, đồng đều như nhau.

Phó Trưởng ban Pháp chế HĐND thành phố Duy Hoàng Dương cho biết, hiện nay, việc tinh giản biên chế các đơn vị còn chậm, đối tượng tinh giản chủ yếu là người lao động sắp nghỉ hưu. Vì thế, thực tiễn có tình trạng thiếu - thừa người rất mâu thuẫn; có công chức, viên chức, nhưng đơn vị vẫn phải bố trí lao động hợp đồng làm nhiệm vụ chuyên môn. Giải quyết tình trạng này, thời gian tới, các sở, ngành, quận, huyện, thị xã cần nâng cao công tác đánh giá cán bộ, công chức, viên chức một cách thực chất, tránh nể nang, thì mới giải quyết triệt để được số cán bộ, viên chức dôi dư không hoàn thành nhiệm vụ ra khỏi bộ máy, dành cơ hội cho những người có đủ năng lực thi tuyển vào vị trí đó. Đối với tồn tại viên chức thực hiện nhiệm vụ của công chức (thời điểm hợp nhất giữa Hà Nội và Hà Tây cũ), thời gian tới, thành phố tiếp tục kiến nghị với Chính phủ chỉ đạo phương án giải quyết hợp lý.

Về những trường hợp dôi dư đặc thù lĩnh vực nghệ thuật, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Tô Văn Động đề nghị HĐND, UBND thành phố kiến nghị với Bộ Nội vụ mở rộng trường hợp tinh giản biên chế diện dôi dư đối với những đối tượng lao động nghệ thuật hết tuổi nghề. Tương tự, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông thành phố cũng kiến nghị Nhà nước nghiên cứu, hỗ trợ kinh phí thực hiện chính sách giảm biên chế cho những người có nhu cầu nghỉ sớm trước tuổi ở đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ.

Phó Chủ tịch HĐND thành phố Hà Nội Phùng Thị Hồng Hà cho biết, việc sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế cần thực hiện linh hoạt, bộ máy tinh gọn, nhưng phải thực sự hiệu quả. Không nên áp dụng giảm đồng loạt 10% chỉ tiêu biên chế cho tất cả đơn vị, mà cần rà soát thực tiễn để giao chỉ tiêu giảm cho đúng với thực hiện chức năng, nhiệm vụ của từng ngành, lĩnh vực. Thực tiễn, có đơn vị, bộ phận phải giảm đến 15%, nhưng có đơn vị chỉ giảm dưới 10%, thậm chí có đơn vị cần giao thêm chỉ tiêu như ngành Giáo dục, Y tế và đơn vị hành chính bởi thành phố đang trong quá trình đô thị hóa nhanh. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thực hiện sắp xếp, tinh giản bộ máy: Những vấn đề từ thực tiễn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.