(HNM) - Thời gian qua, tình hình cháy nổ tại các khu chung cư, nhà cao tầng trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh có nhiều diễn biến phức tạp, gây thiệt hại lớn về người, tài sản và lo lắng trong dư luận.
Nguy cơ tiềm ẩn xảy ra cháy
Gần đây, tại thành phố Hồ Chí Minh liên tục xảy ra các vụ cháy ở chung cư. Cụ thể, ngày 29-4 xảy ra cháy tại căn hộ ở chung cư Era Town (quận 7) và ngày 5-5 xảy ra cháy tại căn hộ chung cư The Vista (quận 2). Nguyên nhân ban đầu của cả hai vụ hỏa hoạn này được xác định là do sự cố về điện. Tuy không có thiệt hại về người, thiệt hại tài sản không đáng kể nhưng cũng khiến người dân hoang mang, lo lắng...
Chị Trần Thị Hạnh (ngụ tại tầng 9 chung cư 283 Lê Quang Định, quận Bình Thạnh) cho hay, hiện nay có tình trạng cửa thoát hiểm không được đóng nên khi xảy ra cháy nổ rất nguy hiểm. Lý do là vì cư dân ở chung cư ra hành lang hút thuốc lá, rồi mở cửa thang thoát hiểm để thoát khói thuốc lá và hóng gió hoặc có người thích đi thang bộ tập thể dục nên chèn mở sẵn cửa thoát hiểm...
Diễn tập phòng cháy, chữa cháy tại chung cư Thái An, quận 12, thành phố Hồ Chí Minh. |
Ngoài ra, nhiều chung cư chưa bảo đảm an toàn về phòng cháy, chữa cháy. Đơn cử như chung cư Cao Thắng (số 73 đường Cao Thắng, phường 3, quận 3) chưa lắp đặt hệ thống chữa cháy vách tường và chưa mua bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc theo quy định. Về các điều kiện thoát nạn, chung cư có 2 cầu thang, tuy nhiên không được thông suốt với nhau do người dân đã khóa cửa lối dẫn lên sân thượng...
Đáng chú ý, cuối năm 2018, Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ đã công bố 8 dự án nhà ở chung cư không bảo đảm an toàn cho người dân. Cụ thể: Chung cư City Gate Tower (quận 8), Bảy Hiền Tower (quận Tân Bình), Viên Ngọc Phương Nam (quận 8), Cao Ốc Xanh (quận 9), Cao ốc Ngọc Khánh (quận 5), Nguyễn Quyền (quận Bình Tân), Bắc Bình (quận Bình Thạnh), Lô G Hùng Vương (quận 5). Tất cả những công trình này hoạt động từ năm 2013 nhưng đến nay vẫn chưa nghiệm thu về phòng cháy, chữa cháy.
Thiếu tá Vũ Quang Tưởng, Đội Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ quận 3, thành phố Hồ Chí Minh cho biết, thực trạng chung đối với việc sử dụng chung cư hiện nay còn nhiều bất cập như: Trách nhiệm về phòng cháy, chữa cháy của một số chủ đầu tư, ban quản lý tòa nhà chưa được nâng cao.
Nhiều chung cư sau khi đã đưa vào hoạt động nhưng chưa thành lập ban quản trị, một số chủ đầu tư sau khi đã bàn giao nhà thì giao hết trách nhiệm cho ban quản trị, ban quản lý tòa nhà nên việc tổ chức thực hiện công tác phòng cháy, chữa cháy gặp nhiều khó khăn. Lực lượng phòng cháy, chữa cháy tại chỗ thiếu và yếu...
Thực hiện nghiêm quy định của pháp luật
Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, Thượng tá Huỳnh Quang Tâm, Trưởng phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (Công an thành phố Hồ Chí Minh) khuyến cáo, người dân và chủ đầu tư cần chấp hành nghiêm túc, đầy đủ các quy định của pháp luật về phòng cháy, chữa cháy đối với các chung cư cao tầng; tăng cường công tác thường trực bảo vệ nhất là khu vực tầng hầm.
Người dân đang sinh sống tại các chung cư cần nâng cao ý thức, bảo đảm an toàn phòng cháy, chữa cháy trong việc đun nấu, thờ cúng, thắp hương, hóa vàng mã…; phổ biến các thành viên trong gia đình kỹ năng thoát hiểm. Mỗi căn hộ chung cư nên trang bị các phương tiện chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ như: Bình chữa cháy xách tay, mặt nạ phòng độc, thang dây thoát nạn…
Để công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ thời gian tới đạt hiệu quả hơn, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành liên quan kịp thời tham mưu, ban hành các văn bản hướng dẫn, các quy chuẩn, tiêu chuẩn một cách đồng bộ.
Bên cạnh đó, cần có sự phối hợp chặt chẽ trong việc ban hành các văn bản pháp luật về phòng cháy, chữa cháy, không để tình trạng chồng chéo, bất cập giữa các văn bản pháp luật về phòng cháy, chữa cháy.
UBND thành phố Hồ Chí Minh cũng đề nghị Chính phủ cho phép thành phố ban hành và áp dụng các quy chuẩn phòng cháy, chữa cháy đặc thù để điều chỉnh công tác phòng cháy, chữa cháy trên địa bàn phù hợp với điều kiện phát triển của thành phố.
Theo báo cáo của UBND thành phố Hồ Chí Minh, từ đầu năm 2019 đến nay, toàn thành phố xảy ra 30 vụ cháy, làm chết 3 người, thiệt hại gần 10 tỷ đồng. Thời gian qua, thành phố đã điều tra, phân loại 41.461 cơ sở thuộc diện quản lý về phòng cháy, chữa cháy; thẩm duyệt 10.234 hồ sơ dự án, công trình; tổ chức nghiệm thu và cấp công văn nghiệm thu 4.996 công trình... |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.