(HNMO) – Chiều 12/11, Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật nghĩa vụ quân sự sửa đổi. Nhiều ý kiến băn khoăn về việc có nên xây dựng các hình thức thay thế nghĩa vụ quân sự không và nên theo hướng như thế nào.
Tại tổ Hà Nội, các đại biểu Bùi Thị An, Đinh Xuân Thảo đề nghị dự luật cần làm rõ khái niệm nghĩa vụ quân sự (NVQS) trước khi đề cập đến các nội dung khác.
“Theo tôi, nếu đã là nghĩa vụ thì phải thi hành, chứ không thể đăng ký. Thực tiễn, những người được rèn luyện trong quân đội sau khi hoàn thành nghĩa vụ đều tốt lên, có kỷ luật tốt, chăm lao động, học hành hơn”, đại biểu An nói.
Từ quy định thực hiện NVQS là nghĩa vụ của toàn dân, các đại biểu đề nghị dự luật nên có hình thức nghĩa vụ thay thế với những người không có điều kiện thực hiện NVQS để đảm bảo sự công bằng, bình đẳng.
“Thực tế chỉ có 6% số người trong độ tuổi quy định được thực hiện NVQS, vậy số còn lại, những người cũng có trách nhiệm phải thực hiện NVQS thì cần phải có hình thức thực hiện thay thế. Nếu chúng ta thực hiện việc nâng độ tuổi gọi nhập ngũ lên 27 tuổi, tỷ lệ được thực hiện NVQS còn giảm nữa. Tôi đề nghị, trừ những đối tượng được miễn, mọi người trong độ tuổi quy định đều phải thực hiện NVQS. Chúng ta có thể có hình thức thay thế bằng đi dạy học, khám chữa bệnh ở đảo xa; đi lao động công ích, đóng tiền… Nguồn thu này sẽ được dùng để đầu tư lại xây dựng quân đội. Như vậy là công bằng, đúng tinh thần Hiến pháp”, đại biểu Đinh Xuân Thảo nói.
Các đại biểu Đỗ Kim Tuyến, Chu Sơn Hà cũng cho rằng, dự thảo phải tạo sự công bằng trong thực hiện NVQS. Đại biểu Hà còn đề nghị, không nên miễn thực hiện NVQS cho những người đi công tác ở vùng đặc biệt khó khăn, vùng sâu, vùng xa vì họ đã được hưởng nhiều chế độ khác như phụ cấp, được ở nhà công vụ…
Tuy nhiên, theo đại biểu Đào Trọng Thi, rất khó để đặt ra hình thức nghĩa vụ thay thế vì khi thực hiện NVQS, người được rèn luyện các kỹ năng quân sự, được trang bị những kỹ năng về quốc phòng và sau khi hoàn thành huấn luyện, họ sẽ trở thành quân nhân dự bị, khi cần thiết có thể tham gia chiến đấu. Nếu có hình thức thay thế thì những người thực hiện nghĩa vụ thay thế sẽ không thể có kỹ năng chiến đấu cần thiết. Nếu dùng tiền để thay thế NVQS thì càng không chấp nhận được.
“NVQS mà mang tiền ra để đo, quan niệm đó không thể chấp nhận được. Nếu thay thế bằng hình thức lao động công ích thì tôi thấy còn có thể chấp nhận được”, đại biểu Thi nói.
Đại biểu Chu Sơn Hà cũng không ủng hộ việc thay thế NVQS bằng hình thức đóng tiền, nhưng có thể áp dụng các hình thức thay thế khác và để công dân có các tác phong, kỹ năng quân đội, Nhà nước có thể rèn luyện cho họ hàng năm tại địa phương theo chế độ dân quân tự vệ.
Về vấn đề này, đại biểu Đào Văn Bình cho rằng, những người không được thực hiện NVQS thì phải có hình thức nghĩa vụ thay thế, như làm vệ sinh, bảo vệ… trong cơ quan nhà nước.
“Nếu chúng ta đặt vấn đề công bằng nhưng quy định như trong dự luật thì rất khó công bằng. Việc không thể để mọi công dân trong độ tuổi quy định thực hiện NVQS là trách nhiệm của nhà quản lý”, đại biểu Đào nói.
Ngoài ra, đa số các đại biểu đoàn Hà Nội ủng hộ việc kéo dài thời gian thực hiện NVQS lên 24 tháng và kéo dài độ tuổi được gọi thực hiện NVQS lên 27 tuổi. Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng việc tăng hay giảm thời gian phục vụ đều cần tính toán kỹ. Thời bình, nhu cầu quân thường trực không quá cao, vì vậy nên giữ nguyên thời hạn tại ngũ như hiện nay, nhưng trong một số trường hợp nhất định, ở những vùng đặc biệt, có vị trí chiến lược, thời gian thực hiện NVQS có thể linh hoạt kéo dài lên đến 30 tháng, tùy theo yêu cầu.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.