Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững: Nhiều giải pháp linh hoạt

Hà Hiền| 20/05/2021 06:04

(HNM) - Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp làm ảnh hưởng tiêu cực đến nhiều mặt của đời sống xã hội, khiến cuộc sống của một bộ phận không nhỏ người dân gặp khó khăn. Đó cũng là nguyên nhân chủ yếu làm cho những người thuộc hộ nghèo khó vươn lên thoát nghèo, người thuộc hộ cận nghèo dễ rơi vào cảnh tái nghèo. Để thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, Hà Nội tiếp tục có nhiều giải pháp linh hoạt, phù hợp với từng trường hợp cụ thể, đặc thù từng địa phương.

Tạo điều kiện để người dân tiếp cận với cơ hội việc làm thông qua các phiên giao dịch việc làm là một trong những giải pháp giảm nghèo hiệu quả ở huyện Đông Anh. Trong ảnh: Phiên giao dịch việc làm lưu động được tổ chức tại huyện Đông Anh, ngày 3-4-2021.

Tạo điểm tựa cho người nghèo vươn lên

Nhằm tạo điều kiện cho người nghèo có điểm tựa vươn lên, các cơ quan chức năng của thành phố luôn dành sự quan tâm, hỗ trợ về nhiều mặt cho người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn.

Chị Trần Thị Hằng (xã Cổ Đô, huyện Ba Vì) cho biết: “Gia đình tôi được các cơ quan chức năng tạo điều kiện cho vay vốn ưu đãi với số tiền lên tới gần 100 triệu đồng để phát triển chăn nuôi bò, lợn, gà…, tạo việc làm cho các thành viên trong gia đình. Có việc làm, thu nhập, gia đình tôi sẽ thoát nghèo bền vững”.

Không riêng gia đình chị Hằng, theo Kế hoạch số 17/KH-UBND ngày 21-1-2021 về giải quyết việc làm cho người lao động trên địa bàn thành phố Hà Nội năm 2021, thành phố bố trí hơn 1.600 tỷ đồng nguồn vốn ngân sách và ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội để cho vay đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác. Nguồn vốn này được kỳ vọng sẽ góp phần tạo việc làm cho hơn 31.000 người, chủ yếu là lao động thuộc hộ nghèo, cận nghèo...

Cùng với giải pháp cho vay vốn, các tổ chức, cá nhân còn hỗ trợ trực tiếp về lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm thiết yếu, tiền mặt, nhà ở, sinh kế cho các hộ có hoàn cảnh khó khăn, phù hợp với nhu cầu của từng người, gia đình. Anh Phùng Văn Lưu (xã Thạch Thán, huyện Quốc Oai) chia sẻ: “Vợ tôi đã mất đầu năm 2021 do mắc bệnh hiểm nghèo. Bản thân tôi sức khỏe yếu, không đủ khả năng nuôi hai con nhỏ. Trong hoàn cảnh đó, gia đình tôi thường xuyên nhận được sự quan tâm của các cơ quan chức năng và cộng đồng. Mới đây, gia đình tôi được hỗ trợ 10 triệu đồng từ Quỹ Vì người nghèo huyện Quốc Oai và xã Thạch Thán”...

Nhận được sự quan tâm của nhiều phía, từ đầu năm 2021 đến nay, Hà Nội cơ bản không có trường hợp nào bị bỏ lại phía sau. Tuy nhiên, theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội, công tác hỗ trợ giảm nghèo chưa đạt kết quả bền vững, bởi toàn thành phố hiện vẫn còn 4.463 hộ nghèo, bằng 0,21% tổng số hộ dân trên địa bàn và còn hơn 31.000 hộ cận nghèo (bằng 1,5% tổng số hộ). Đáng chú ý, từ năm 2022, mức thu nhập để xác định chuẩn nghèo sẽ cao hơn hiện nay, nên tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo ở Hà Nội chắc chắn sẽ tăng trong những năm tới. Đây là thách thức lớn trong quá trình thực hiện mục tiêu cơ bản không còn hộ nghèo, hạn chế tái nghèo, nhất là trong bối cảnh chưa thể đẩy lùi được dịch Covid-19…

Đại diện Hội Chữ thập đỏ huyện Sóc Sơn trao hỗ trợ cho người dân có hoàn cảnh khó khăn bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 trên địa bàn huyện, tháng 4-2021.

Kiên trì thực hiện mục tiêu

Vượt lên khó khăn, các sở, ngành, địa phương của Hà Nội tiếp tục chung tay thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững. Theo đó, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội đã tích cực tuyên truyền, vận động người dân ủng hộ Quỹ Vì người nghèo; đồng thời ủng hộ Quỹ phòng, chống dịch Covid-19 của thành phố. Còn Hội Chữ thập đỏ thành phố Hà Nội phấn đấu huy động các nguồn lực xã hội đạt trị giá khoảng 300 tỷ đồng trong năm 2021. “Từ nguồn lực vận động, các cấp Hội Chữ thập đỏ thành phố sẽ hỗ trợ hàng vạn lượt người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn, người bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19…”, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ thành phố Hà Nội Đào Ngọc Triệu cho hay.

Trên cơ sở định hướng của thành phố, các quận, huyện, thị xã đã xây dựng kế hoạch giảm nghèo phù hợp với đặc thù của từng địa phương, giúp người dân thoát nghèo bằng nội lực. Chẳng hạn, tại huyện Ba Vì, Phó Chủ tịch UBND huyện Đỗ Quang Trung cho biết, huyện khuyến khích các địa phương có nhiều diện tích ngập nước như các xã: Cổ Đô, Phong Vân... triển khai dự án nuôi trồng thủy sản; còn các địa phương khu vực miền núi như các xã: Ba Trại, Ba Vì… phát triển diện tích trồng cây chè, cây thuốc nam, làm du lịch cộng đồng... Từ kinh nghiệm thực tế, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Khánh Thượng (huyện Ba Vì) Nguyễn Hữu Thịnh cho rằng, việc phát huy nội lực để phát triển kinh tế - xã hội đã, đang giúp người dân Khánh Thượng tiếp cận với cơ hội việc làm, tăng thu nhập.

Tại huyện Đông Anh, theo Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Nguyễn Đình Thanh, trên địa bàn huyện có nhiều khu công nghiệp đang hoạt động, nên giai đoạn 2021-2025, huyện quan tâm đào tạo nghề cho lực lượng lao động nông thôn, giúp họ tiếp cận với cơ hội việc làm.

Dưới góc độ quản lý nhà nước, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội Bạch Liên Hương cho biết, ngoài những giải pháp trao sinh kế, hỗ trợ đào tạo nghề, tạo việc làm... được triển khai linh hoạt, Sở đang phối hợp với các cơ quan chức năng đưa Chương trình số 08-CTr/TU ngày 17-3-2021 của Thành ủy Hà Nội về “Phát triển hệ thống an sinh xã hội, nâng cao phúc lợi xã hội, chất lượng cuộc sống của nhân dân Thủ đô giai đoạn 2021-2025” vào cuộc sống, để người dân được tiếp cận đồng bộ các chính sách an sinh xã hội. Phấn đấu trong năm 2021, Hà Nội sẽ có 3.124 hộ thoát khỏi diện hộ nghèo, chỉ còn hơn 1.000 hộ nghèo là những trường hợp đặc biệt. Trong những năm tiếp theo, dù mức chuẩn xác định hộ nghèo nâng lên, Hà Nội vẫn kiên trì mục tiêu cơ bản không còn hộ nghèo, hạn chế tái nghèo.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững: Nhiều giải pháp linh hoạt

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.