(HNM) - Nhìn lại sau mỗi kỳ đại hội Đảng toàn quốc cho thấy, việc nghiên cứu, học tập, quán triệt, triển khai thực hiện, đưa nghị quyết vào cuộc sống luôn là công việc then chốt nhằm tạo sự thống nhất trong nhận thức và hành động của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận của các tầng lớp nhân dân. Do tính chất quan trọng ấy, ngày 9-3-2021, Bộ Chính trị đã ban hành Chỉ thị số 01-CT/TƯ về việc nghiên cứu, học tập, quán triệt, tuyên truyền và triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.
Đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng mở đầu bằng Hội nghị trực tuyến toàn quốc nghiên cứu, học tập, quán triệt Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, do Ban Bí thư Trung ương Đảng tổ chức trong hai ngày 27, 28-3 vừa qua, với sự tham dự của gần 960.000 cán bộ, đảng viên cả nước. Về mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng của hội nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng khẳng định là “để mỗi cán bộ, đảng viên nắm vững và thực hiện đúng đắn, sáng tạo Nghị quyết của Đảng”. Đây đồng thời cũng là bài toán đầu tiên đặt ra với các cấp ủy và mỗi cán bộ, đảng viên phải nắm vững, hiểu đúng về Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII (Đại hội XIII) của Đảng.
Thực tế cho thấy, có lúc, có nơi nhận thức, ý thức, trách nhiệm học tập, quán triệt, triển khai nghị quyết chưa sâu sắc, đầy đủ. Còn tình trạng ngại học, “lười học nghị quyết”, học đối phó, nên nắm không sâu, hiểu không chắc, khi đi vào triển khai thực hiện gặp khó khăn thì né tránh, cầm chừng; thậm chí là hiểu sai nghị quyết, nói và làm không đúng nghị quyết. Khi hiểu không sâu, nắm không chắc, học không gắn với thực hành, vận dụng giáo điều dẫn đến khâu “tổ chức thực hiện nghị quyết vẫn là khâu yếu” như đánh giá của Đảng bấy lâu nay.
Vì thế, để nắm vững và thực hiện đúng đắn, sáng tạo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, điều cốt yếu đầu tiên là bản thân cấp ủy các cấp phải nhận thức đúng đắn và sâu sắc về văn bản tối quan trọng nêu trên. Đó là nắm vững những quan điểm, nội dung cốt lõi, những điểm mới trong các văn kiện Đại hội XIII của Đảng từ tầm bao quát, cách tiếp cận mới, mục tiêu tổng quát, các định hướng lớn, nhiệm vụ trọng tâm, các chỉ tiêu chủ yếu, các khâu đột phá chiến lược… Qua đó, để thấy rõ sự kế thừa, bổ sung, phát triển tư duy, lý luận của Đảng. Nắm vững những bài học kinh nghiệm từ thực tiễn 35 năm đổi mới đất nước, nhất là 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng; nhận diện đầy đủ những thuận lợi, thời cơ, khó khăn, thách thức và nhiệm vụ của cách mạng nước ta trong thời gian tới; liên hệ và vận dụng phù hợp với điều kiện cụ thể của mỗi địa phương, đơn vị để xác định và thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị.
Trong quá trình nghiên cứu, học tập, quán triệt nghị quyết, phải đề cao tinh thần tự học, tự nghiên cứu, ý thức tự giác, gương mẫu của cán bộ, đảng viên. Ngoài ra, cần tăng cường kiểm tra, giám sát, đánh giá chất lượng nghiên cứu, học tập, quán triệt Nghị quyết Đại hội; khắc phục triệt để bệnh hình thức, qua loa, đại khái.
Quá trình hiện thực hóa nghị quyết vào đời sống, các cấp ủy, tổ chức Đảng phải tập trung xây dựng các kế hoạch, dự án, đề án khả thi, sát với điều kiện thực tế của từng cơ quan, đơn vị, địa phương, định lượng được kết quả. Mỗi chương trình, đề án cần có kế hoạch thực hiện với tiến độ rõ ràng; có sự phân công lãnh đạo, chỉ đạo, đôn đốc, điều hành gắn với trách nhiệm cụ thể của tập thể và từng cá nhân liên quan. Nói như Chủ tịch Hồ Chí Minh thì “kế hoạch một, biện pháp mười, quyết tâm phải hai, ba mươi, muốn lãnh đạo đúng thì phải tổ chức sự thi hành đúng”. Cùng với đó là xây dựng các phong trào thi đua thiết thực, hiệu quả trong các cấp, các ngành, thúc đẩy tinh thần chủ động đổi mới, sáng tạo, sớm đưa nghị quyết vào cuộc sống, tập trung giải quyết tốt các vấn đề cấp bách, cốt yếu đối với nhân dân.
Khi sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm, cần có thái độ thẳng thắn, nhìn thẳng vào sự thật, khẳng định những việc đã thực hiện được; chỉ ra những hạn chế, yếu kém, khuyết điểm để có biện pháp khắc phục, tháo gỡ; những bài học kinh nghiệm cần phát huy.
Mỗi cán bộ, đảng viên cũng cần coi đợt học tập chính trị sâu rộng lần này chính là cơ hội tự nâng cao trình độ bản thân, từ đó đóng góp cho sự phát triển của mỗi cơ quan, đơn vị, địa phương.
Trong phát biểu bế mạc Đại hội XIII của Đảng, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh: “Đại hội chỉ là mở đầu. Còn làm được hay không, mai kia có biến được Nghị quyết thành hiện thực sinh động hay không, có ra được của cải vật chất và văn hóa mang lại giàu có và hạnh phúc cho nhân dân hay không đấy mới là thành công thực tế của Đại hội”.
Hiểu rõ, nắm vững nghị quyết, triển khai đúng đắn, sáng tạo, phù hợp với điều kiện của cơ quan, đơn vị, địa phương sẽ là con đường duy nhất đúng để hơn 5,1 triệu đảng viên tiên phong trong huy động sức mạnh toàn dân tộc, đưa đất nước cất cánh, hoàn thành mục tiêu trở thành nước phát triển, thu nhập cao vào năm 2045.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.