Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thực hiện Chương trình 04-CTr/TU ngày 26-4-2016 của Thành ủy Hà Nội: Nền tảng để phát triển bền vững

Minh Ngọc| 03/01/2020 06:36

LTS: Những năm qua, các cấp, các ngành của thành phố Hà Nội đã nỗ lực triển khai thực hiện Chương trình 04-CTr/TU ngày 26-4-2016 của Thành ủy về “Phát triển văn hóa - xã hội, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Thủ đô, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh”. Nhờ vậy, thành phố đã đạt được nhiều thành tựu, tạo chuyển biến tích cực trong phát triển văn hóa - con người Hà Nội, tạo cơ sở quan trọng giúp Thủ đô phát triển bền vững. Báo Hànộimới giới thiệu cùng bạn đọc loạt bài về nội dung này.

Khám bệnh, chăm sóc người có công tại Trung tâm Nuôi dưỡng và Điều dưỡng người có công số 2 Hà Nội. Ảnh: Viết Thành

Bài 1: Không để ai bị “lọt lưới” an sinh

Thực hiện Chương trình 04-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội, giai đoạn 2016-2020, chính quyền và nhân dân thành phố tiếp tục dành các nguồn lực thỏa đáng để tri ân người có công, trợ giúp người nghèo và đối tượng yếu thế, hướng tới mục tiêu không để ai bị “lọt lưới” an sinh xã hội. Nhờ đó, cuộc sống của đa số người dân Thủ đô ngày càng được cải thiện, nâng cao.

Chăm lo toàn diện người có công

Hà Nội là địa phương có nhiều người có công nhất cả nước, với gần 800.000 người, trong đó có hơn 90.000 người đang hưởng trợ cấp ưu đãi hằng tháng. Nhiều năm qua, các cơ quan chức năng và người dân Thủ đô luôn xác định việc chăm lo, thực hiện các chế độ, chính sách ưu đãi người có công là nhiệm vụ trọng tâm, thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”.

Từ năm 2016 đến nay, toàn thành phố đã tiếp nhận hơn 100.000 hồ sơ để giải quyết chế độ ưu đãi người có công và cơ bản không còn hồ sơ tồn đọng; tổ chức điều dưỡng phục hồi sức khỏe cho gần 160.000 lượt người... Thương binh Đặng Tiến Cao (ở thôn Vật Lại 3, xã Vật Lại, huyện Ba Vì) chia sẻ: “Tôi đã điều dưỡng phục hồi sức khỏe nhiều lần tại Trung tâm Điều dưỡng người có công số 2 Hà Nội. Sau mỗi đợt điều dưỡng, sức khỏe của tôi đều chuyển biến tích cực”.

Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội Nguyễn Quốc Khánh cho biết, từ năm 2016 đến nay, toàn thành phố đã hỗ trợ xây mới, sửa chữa được hơn 9.300 nhà ở cho hộ gia đình người có công, với tổng kinh phí gần 1.300 tỷ đồng; tặng hơn 20.000 sổ tiết kiệm “Tình nghĩa”, với tổng số tiền lên tới 24 tỷ đồng... Hiện tại, Hà Nội cơ bản không còn gia đình người có công gặp khó khăn về nhà ở; bảo đảm 100% gia đình người có công đạt mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của người dân nơi cư trú.

Tạo sinh kế cho người yếu thế

Nhờ nguồn vốn vay, nhiều gia đình đồng bào người Dao ở huyện Ba Vì (Hà Nội) đã phát triển sản xuất, ổn định cuộc sống. Ảnh: Viết Thành

Không chỉ quan tâm toàn diện đến người có công, giai đoạn 2016-2020, Hà Nội còn thiết lập hệ thống chính sách đặc thù, đồng thời dành nguồn lực đầu tư thỏa đáng để nâng cao mức sống cho nhân dân. Trong đó, hai chính sách trọng tâm là hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và trợ giúp kịp thời cho đối tượng yếu thế đã phát huy hiệu quả.

Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, anh Dương Phú Nam (ở thôn Hợp Nhất, xã Ba Vì, huyện Ba Vì) chia sẻ: “Gia đình tôi được hỗ trợ xây nhà và được vay vốn để tạo việc làm. Có nếp nhà vững chãi, có nguồn sinh kế, cuối năm 2019, gia đình tôi đã thoát nghèo”. Còn ông Dương Trung Liên, Chủ tịch UBND xã Ba Vì phấn khởi khoe, những năm gần đây, toàn xã có hơn 200 hộ thoát nghèo. Đời sống của hơn 2.000 người dân trên địa bàn xã, với 98% là đồng bào dân tộc Dao ngày càng nâng cao. Với đà phát triển như hiện nay, xã Ba Vì sẽ sớm đạt các tiêu chí của nông thôn mới.

Tiếp tục quan tâm, trợ giúp đối tượng yếu thế, ngày 8-7-2019, HĐND thành phố Hà Nội đã ban hành Nghị quyết số 04/2019/NQ-HĐND về “Một số chính sách đặc thù hỗ trợ các đối tượng thuộc hộ gia đình không có khả năng thoát nghèo và hộ gia đình sau khi thoát nghèo ổn định cuộc sống của thành phố Hà Nội”. Thành phố đã dành khoảng 300 tỷ đồng/năm cho công tác này. Hiện tại, thành phố đã trợ cấp hằng tháng bằng mức chuẩn nghèo cho hơn 8.000 đối tượng; đưa một số trường hợp vào nuôi dưỡng tại các trung tâm bảo trợ xã hội...

Từ những điểm tựa đó, tỷ lệ hộ nghèo của thành phố đã giảm nhanh, bền vững. Điều này thể hiện qua con số, Hà Nội hiện chỉ còn 0,42% hộ nghèo theo tiêu chí giảm nghèo đa chiều (về đích trước 2 năm kế hoạch), trong khi của cả nước là 4%; nếu xét theo tiêu chí của Trung ương, thì Hà Nội cơ bản không còn hộ nghèo.

Mặc dù đã đạt được những kết quả khả quan về chính sách an sinh xã hội, song Hà Nội cũng phải đối mặt với không ít thách thức, khiến một số tiêu chí chưa đạt mục tiêu đề ra. Dễ nhận thấy là công tác tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp tăng chủ yếu ở nhóm học nghề trình độ sơ cấp, nên nguồn cung về nhân lực chất lượng cao chưa đáp ứng được yêu cầu của thị trường lao động. Các giải pháp hỗ trợ giảm nghèo chưa bền vững ở một số địa phương…

Để hoàn thành mục tiêu cơ bản không còn hộ nghèo vào cuối năm 2020, nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo lên 80%-85%, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội Hoàng Thành Thái cho biết, thời gian tới, ngành Lao động - Thương binh và Xã hội sẽ phát triển giáo dục nghề nghiệp theo hướng gắn kết với doanh nghiệp và thị trường lao động, ưu tiên đầu tư cho các trường chất lượng cao, nghề trọng điểm. Với những trường hợp không có khả năng tự thoát nghèo, họ sẽ nhận được sự trợ giúp theo chính sách đặc thù, không để ai bị “lọt lưới” an sinh xã hội.

(Còn nữa)

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thực hiện Chương trình 04-CTr/TU ngày 26-4-2016 của Thành ủy Hà Nội: Nền tảng để phát triển bền vững

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.