(HNM) - Qua giám sát của Đoàn giám sát của Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội về chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng giai đoạn 2018-2022” đã cho thấy nhiều bất cập về y tế cơ sở trên địa bàn Thủ đô. Từ thực tế này sẽ giúp Đoàn giám sát kiến nghị giải pháp nâng cao hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở và hoàn thiện chính sách, pháp luật có liên quan.
Khó thu hút nhân lực
Theo Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Vũ Cao Cương, mạng lưới y tế cơ sở Thủ đô gồm 13 bệnh viện đa khoa tuyến huyện, 30 trung tâm y tế các quận, huyện, thị xã gồm 579 trạm y tế, 4 nhà hộ sinh, 53 phòng khám đa khoa khu vực. Các trung tâm y tế cấp huyện, trạm y tế cấp xã vẫn chưa tuyển dụng đủ nhân lực theo biên chế được giao do khó thu hút được nhân lực chất lượng cao.
Không chỉ có vậy, nhân lực bác sĩ tại khối trung tâm y tế và trạm y tế chưa bảo đảm đủ các chuyên ngành, thiếu bác sĩ cơ hữu tại trạm y tế (513/579 trạm có bác sĩ cơ hữu làm việc, còn lại 66 trạm là bác sĩ luân phiên từ trung tâm y tế). Đồng thời, các cơ sở y tế công lập phải chịu sức ép cạnh tranh rất lớn về nguồn nhân lực chất lượng cao với các cơ sở y tế ngoài công lập. Nhân lực tại các trạm y tế tối đa chỉ được định biên 10 viên chức mặc dù số lượng dân số của nhiều xã, phường rất lớn. Dân số tăng nhanh nhưng biên chế không tăng dẫn đến thiếu nhân lực để bảo đảm công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân.
Giám sát thực tế tại Trung tâm Y tế quận Hoàn Kiếm cho thấy ở đây thiếu nhiều nhân lực, đặc biệt là bác sĩ và nhân viên y tế làm việc tại trạm y tế phường do lương thấp, công việc vất vả mà không có thu nhập tăng thêm, chính sách hỗ trợ, động viên chưa được thực hiện kịp thời… Dẫn chứng thời điểm dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, Chủ tịch UBND phường Trần Hưng Đạo (quận Hoàn Kiếm) Phùng Phương Thảo cho biết, trạm y tế phường chỉ với 6 y, bác sĩ, nhân viên mà phải đảm đương khối lượng công việc như một phòng khám đa khoa thu nhỏ với toàn bộ chuyên môn liên quan tới phòng, chống dịch. Bên cạnh đó, phường cũng không thể bố trí kinh phí hỗ trợ cho y tế cơ sở trong bối cảnh địa bàn không còn là đơn vị dự toán ngân sách khi thực hiện thí điểm mô hình chính quyền đô thị.
Từ thực tế đó dẫn đến thực trạng nhiều nhân viên y tế đã xin nghỉ việc hoặc xin chuyển công tác. Chỉ tính riêng nửa đầu năm 2022, toàn ngành Y tế Hà Nội có 1.032 nhân viên y tế xin thôi việc, nghỉ việc, chuyển công tác. Trong đó, tuyến thành phố 534 người (51,7%), tuyến huyện 338 người (32,8%), tuyến xã 160 người (15,5%).
Đề xuất giải pháp phù hợp
Đề xuất giải pháp thu hút nguồn nhân lực cho tuyến y tế cơ sở, Giám đốc Trung tâm Y tế thị xã Sơn Tây Lê Minh Đức cho biết, đơn vị thực hiện tăng phụ cấp cho đội ngũ cán bộ y tế cơ sở. Đặc biệt, đơn vị cũng phát triển chuyên môn kỹ thuật tạo niềm tin cho người dân để thu hút người bệnh, khi có việc làm mới thu hút được đội ngũ điều dưỡng, bác sĩ, bởi kể cả đãi ngộ cao nhưng không có việc làm cũng khó thu hút nhân lực. Cùng với đó, cần có cơ chế thông thoáng khi triển khai kỹ thuật như danh mục kỹ thuật thanh toán bảo hiểm y tế, chứng chỉ hành nghề... để tăng thu hút nhân lực.
Để thu hút bác sĩ về tuyến y tế cơ sở, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Thị Nhị Hà cho biết, Sở đã có Đề án thu hút nguồn nhân lực dành cho tuyến y tế cơ sở bằng việc đào tạo theo địa chỉ. Đồng thời, Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) đã phân tuyến các cấp chuyên môn kỹ thuật làm 3 cấp sẽ tạo thuận lợi để có trật tự trong quy định khám, chữa bệnh và thu hút được bác sĩ về làm việc tại trạm y tế.
Bà Trần Thị Nhị Hà cũng đề xuất sửa đổi một số văn bản pháp luật, trong đó cần có cơ chế đặc thù trong tự chủ chi thường xuyên của các cơ sở y tế cơ sở, đồng thời tăng phụ cấp ưu đãi nghề ở mức 100% cho nhân viên y tế tuyến cơ sở.
Phó Chủ tịch UBND thị xã Sơn Tây Lê Đại Thăng cho rằng, mô hình tổ chức quản lý hệ thống y tế tuyến cơ sở chưa phù hợp với thực tế và đề xuất: “UBND thị xã Sơn Tây đề xuất bộ, ngành và thành phố xem xét chuyển Trung tâm Y tế về UBND cấp huyện quản lý để phù hợp với công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành, cũng như trong công tác đầu tư cơ sở vật chất”.
Từ thực tế giám sát, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội Phạm Thị Thanh Mai nhận định, các ý kiến, kiến nghị của các cấp y tế thành phố đã nêu bật khó khăn, vướng mắc hiện nay của tuyến y tế cơ sở. Các ý kiến, kiến nghị sẽ được Đoàn giám sát tổng hợp, nghiên cứu, chuyển các cơ quan có thẩm quyền nhằm tháo gỡ vướng mắc về công tác y tế cơ sở; đồng thời bổ sung vào báo cáo giám sát để trình Đoàn giám sát của Quốc hội theo quy định.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.