(HNMO) - Lường trước được các khó khăn, Chính phủ và Thủ tướng đã chỉ đạo các bộ, ngành, đơn vị liên quan khẩn trương, quyết liệt thực hiện các giải pháp cần thiết để bảo đảm cung ứng điện ở mức cao nhất, đặc biệt trong giai đoạn khó khăn mang tính ngắn hạn.
Tại họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 5-2023, diễn ra chiều 3-6, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cảnh báo về nguy cơ thiếu điện, song trên thực tế tại thời điểm hiện nay, một số nơi thiếu điện kể cả cho sản xuất và đời sống của người dân.
Thay mặt Bộ Công Thương, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải bày tỏ sự đồng cảm và chia sẻ trước những khó khăn của doanh nghiệp cũng như sự bất tiện, thậm chí là nỗi khổ của người dân trong sinh hoạt và trong đời sống hằng ngày do việc không có điện cho sản xuất, tiêu dùng.
Trong 4 tháng đầu năm, tình hình cấp điện ổn định, song từ tháng 5 đến nay do nắng nóng kỷ lục xảy ra tại nhiều địa phương trên cả nước và diễn biến khó lường, dự kiến tiếp tục kéo dài trong một thời gian nữa, từ đó làm tăng nhu cầu tiêu thụ điện sinh hoạt, trong khi lưu lượng nước về các hồ thủy điện, đặc biệt là các hồ ở phía Bắc rất thấp, gây ảnh hưởng lớn cho việc cung ứng điện mùa khô năm 2023, nhất là cuối tháng 5 vừa qua khi nguồn than nhập khẩu về chậm hơn so với nhu cầu cho sản xuất điện.
Lường trước được các khó khăn, Chính phủ và Thủ tướng đã chỉ đạo các bộ, ngành, đơn vị liên quan khẩn trương, quyết liệt thực hiện các giải pháp cần thiết để bảo đảm cung ứng điện ở mức cao nhất, đặc biệt trong giai đoạn khó khăn mang tính ngắn hạn.
Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nêu các giải pháp chính, trong đó là bảo đảm công tác vận hành hệ thống điện sẵn có, việc cung cấp nhiên liệu phục vụ sản xuất điện… Bộ đã chỉ đạo các đơn vị điện lực tập trung thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ mà Thủ tướng và Chính phủ giao để bảo đảm cung ứng điện mùa khô năm nay. Đồng thời rà soát công tác vận hành hệ thống điện, chỉ đạo các đơn vị phát điện chuẩn bị nhiên liệu sẵn sàng phục vụ cho phát điện, ứng trực, hỗ trợ công tác vận hành, thực hành tiết kiệm điện ngay trong các đơn vị nội bộ để bảo đảm an toàn lưới truyền tải, lưới điện phân phối, vận hành an toàn, hiệu quả, khẩn trương khắc phục các sự cố để đưa vào vận hành các nhà máy điện phục vụ cho cung cấp điện.
Một biện pháp nữa được lãnh đạo Bộ Công Thương nhấn mạnh là việc tiết kiệm điện, bởi “không phải khi thiếu điện mới tiết kiệm điện”, đây là chính sách xuyên suốt và lâu dài từ trước đến nay. “Kết quả sản lượng điện tiết kiệm hằng ngày hiện nay khoảng 20 triệu kWh/ngày, tương đương 2% điện năng tiêu thụ hằng ngày. Rõ ràng nếu chúng ta tiết kiệm điện tốt sẽ là giải pháp hiệu quả và đặc biệt có ý nghĩa trong giai đoạn hiện nay”, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh.
Liên quan tới việc giải quyết các dự án điện gió, điện mặt trời không nằm trong quy hoạch, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho hay, ngày 15-5 vừa qua, Thủ tướng đã phê duyệt Quyết định 500 về quy hoạch điện 8, trong đó chỉ nêu tổng công suất các nguồn điện gió, điện mặt trời dự kiến và sẽ phát triển đến năm 2030 và không có tên cụ thể các dự án nào. Trong đó cũng nêu rõ các dự án điện gió, điện gió ngoài khơi, điện Mặt trời… đưa cụ thể từng chỉ số, và Bộ Công Thương đang triển khai xây dựng thực hiện quy hoạch theo nhiệm vụ được Thủ tướng giao; đồng thời sẽ cụ thể hóa về quy mô công suất, tiến độ các dự án theo từng địa phương để báo cáo Thủ tướng xem xét phê duyệt làm cơ sở triển khai theo quy định.
“Việc tháo gỡ khó khăn cho các dự án là cần thiết, tuy nhiên, ngoài vấn đề về cơ chế giá điện, các dự án phải tuân thủ đầy đủ các quy định pháp luật khác như việc quy hoạch, đầu tư, đất đai, môi trường, xây dựng, phòng cháy, chữa cháy…”, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải thông tin thêm.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.