Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí: Chuyển động ngay từ đầu năm

Mai Hữu| 26/02/2022 06:17

(HNM) - Tiếp nối kết quả đạt được trong năm 2021, các sở, ngành, địa phương của thành phố Hà Nội đang tích cực thực hiện đồng bộ những nhiệm vụ, giải pháp thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Những chuyển động tích cực ngay từ đầu năm của các đơn vị sẽ góp phần quản lý, sử dụng hiệu quả nguồn lực, từ đó phấn đấu đạt được những mục tiêu kinh tế - xã hội đã đề ra.

Hà Nội đẩy mạnh công tác giải ngân vốn đầu tư công ngay từ đầu năm 2022 nhằm sử dụng hiệu quả nguồn vốn, tránh dàn trải, lãng phí. Trong ảnh: Thi công Dự án cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2. Ảnh: Đỗ Tâm

Sử dụng hiệu quả các nguồn lực

Theo UBND thành phố Hà Nội, trong năm 2021, các cấp, ngành của thành phố đã chủ động điều chỉnh, tiết giảm gần 2.700 tỷ đồng từ những khoản chi thường xuyên chưa thực sự cấp bách để bổ sung nguồn lực cho công tác phòng, chống dịch Covid-19 và chi đầu tư phát triển.

Bước sang năm 2022, thành phố đặt mục tiêu thực hiện quyết liệt, hiệu quả những nhiệm vụ, giải pháp thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong các lĩnh vực, góp phần huy động, phân bổ, sử dụng có hiệu quả nguồn lực cho phục hồi và phát triển kinh tế; phòng, chống dịch Covid-19; bảo đảm an sinh xã hội… phấn đấu thực hiện cao nhất các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội đã đề ra.

Về việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội Đỗ Anh Tuấn cho biết, đơn vị quyết liệt triển khai ngay từ những ngày đầu năm, đặc biệt gắn với trách nhiệm người đứng đầu nhằm bảo đảm công tác giải ngân vốn đầu tư công không dàn trải, lãng phí, kém hiệu quả. Nhờ đó, tháng 1-2022, Hà Nội nằm trong các địa phương có tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công cao nhất cả nước, đạt 3.375 tỷ đồng.

Tại địa phương, Chủ tịch UBND quận Thanh Xuân Võ Đăng Dũng cho biết, ngay đầu năm, quận đã tập trung triển khai giải phóng mặt bằng các dự án trọng điểm; công tác chuẩn bị đầu tư xây dựng, thi công, thanh quyết toán khối lượng các công trình, dự án theo kế hoạch năm 2022 được đốc thúc để không chậm trễ và lãng phí nguồn lực.

Ngoài ra, việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đối với công tác quản lý, sử dụng đất đai, xây dựng cũng được thành phố chú trọng. Trong đó, để thực hiện chuyên đề "Giải pháp đẩy mạnh công tác quản lý, sử dụng nhà ở xã hội trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2025" của UBND thành phố Hà Nội nhằm triển khai Chương trình số 10-CTr/TU ngày 17-3-2021 của Thành ủy Hà Nội khóa XVII về "Nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2021-2025", Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Võ Nguyên Phong cho biết, Sở đã đề nghị các chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội trên địa bàn bảo đảm công tác xét duyệt đúng đối tượng và đủ điều kiện được hưởng chính sách hỗ trợ mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội, trình tự thủ tục theo quy định. Đồng thời nâng chất lượng công tác công tác lựa chọn nhà đầu tư các dự án sử dụng đất; xử lý dứt điểm các nội dung tồn đọng về thu tiền sử dụng đất, về đấu giá quyền sử dụng đất.

Người dân thực hiện nghĩa vụ thuế tại Chi cục Thuế quận Hoàn Kiếm. Ảnh: Nguyễn Quang

Tăng cường quản lý, chống thất thu ngân sách

Ngay từ đầu năm 2022, UBND thành phố Hà Nội đã yêu cầu Cục Thuế, Cục Hải quan thành phố chủ trì, phối hợp với các đơn vị, địa phương tăng cường quản lý thu, chống thất thu, đôn đốc thu hồi nợ thuế và cưỡng chế nợ thuế; bảo đảm thu đúng, đủ, kịp thời các khoản thuế, phí, lệ phí và thu khác vào ngân sách nhà nước; xử lý nghiêm các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, kinh doanh hàng giả, chuyển giá, trốn, lậu thuế, gian lận thuế, lợi dụng chính sách hoàn thuế.

Thực hiện chỉ đạo của Cục Thuế, Chi cục trưởng Chi cục Thuế huyện Thanh Trì Nguyễn Thị Minh Tân cho biết, đơn vị vừa đưa vào sử dụng ứng dụng eTax (thuế điện tử) phiên bản 1.0 trên nền tảng thiết bị di động. Đây là công cụ nhằm quản lý chặt chẽ nguồn thu, chống thất thu thuế, đồng thời nỗ lực cải cách hành chính, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người nộp thuế tương tác với cơ quan thuế, thực hiện nghĩa vụ thuế với Nhà nước. Bên cạnh đó, đơn vị cũng tiếp tục tập trung rà soát hộ kinh doanh trực tuyến, kinh doanh thương mại điện tử, kinh doanh trên nền tảng số... nhằm khai thác triệt để các nguồn thu này.

Theo Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm Nguyễn Anh Quân, thời gian tới, quận Hoàn Kiếm tập trung chi ngân sách bảo đảm tiết kiệm, hiệu quả, giảm chi thường xuyên để ưu tiên nguồn lực cho đầu tư phát triển, nâng cao năng lực y tế, giáo dục trên địa bàn. Trong điều hành, các cơ quan, đơn vị cũng tiếp tục triệt để tiết giảm các nhiệm vụ chi chưa thực sự cấp bách; hạn chế mua sắm trang thiết bị, hạn chế tối đa tổ chức hội nghị, khánh tiết... Đồng thời, quận Hoàn Kiếm cũng bố trí tiết kiệm 10% dự toán chi thường xuyên để thực hiện đầy đủ chế độ, chính sách đã ban hành, nhất là các khoản chi an sinh xã hội và tiền lương cho cán bộ, công chức, viên chức. Bên cạnh đó, quận cũng triển khai thực hiện có hiệu quả pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, gắn với phòng, chống tham nhũng.

Đáng chú ý, UBND thành phố Hà Nội vừa quyết định tổ chức lại 6 ban quản lý dự án thành phố thành 4 ban; sắp xếp 21 trường cao đẳng, trung cấp thành 19 trường; tổ chức lại từ 8 chi cục thành 7 chi cục thuộc Sở NN&PTNT… nhằm giảm đầu mối, khắc phục triệt để sự trùng lắp, chồng chéo chức năng, nhiệm vụ, qua đó nâng cao năng lực quản lý, chống lãng phí nhân lực của các cơ quan, đơn vị.

Những chuyển động ngay từ đầu năm kể trên là tiền đề quan trọng giúp mục tiêu tiết kiệm, chống lãng phí năm 2022 chắc chắn sẽ đạt được, góp phần cùng thành phố thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí: Chuyển động ngay từ đầu năm

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.