(HNM) - Bộ Tài chính vừa đề xuất giảm 50% lệ phí trước bạ đối với xe ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước nhằm kích cầu thị trường. Không ít người đang rất mong chờ chính sách được thông qua, coi đây là động thái tích cực và cần thiết. Tuy nhiên, về lâu dài cần những chính sách thuế ổn định để thúc đẩy thị trường ô tô phát triển, từ đó góp phần vào tăng trưởng kinh tế.
Trước đề xuất lần này của Bộ Tài chính, ngày 28-6-2020, Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định số 70/2020/ NĐ-CP giảm 50% mức thu lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước đến hết ngày 31-12-2020, nhằm kích thích tiêu dùng, góp phần phục hồi, phát triển kinh tế do bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Theo báo cáo của Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính), thực hiện Nghị định số 70/2020/NĐ-CP, người dân đã được giảm lệ phí trước bạ khi mua ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước từ vài chục tới cả trăm triệu đồng/xe, tùy từng loại. Cũng nhờ triển khai chính sách trên trong 6 tháng cuối năm 2020, số thuế, phí của doanh nghiệp ô tô đóng góp vào ngân sách tăng khoảng 11.200 tỷ đồng.
Cùng với hiệu quả từ chính sách tại Nghị định số 70/2020/NĐ-CP mang lại, xét thấy làn sóng dịch Covid-19 lần thứ tư diễn ra đã gây ảnh hưởng nặng nề tới các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, trong đó có sản xuất ô tô, Bộ Tài chính tiếp tục đề xuất giảm 50% lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước trong 6 tháng (từ ngày 15-11-2021 đến hết ngày 15-5-2022). Trường hợp chính sách này được Chính phủ ban hành sau ngày 15-11-2021 thì hiệu lực thi hành có thể tính từ ngày 1-12-2021 đến hết ngày 31-5-2022.
Tiếp nhận thông tin này, anh Nguyễn Trà Ly (phường Bách Khoa, quận Hai Bà Trưng) chia sẻ: "Tôi thấy đây là chính sách mang lại nhiều lợi ích. Chính sách này sẽ kích cầu thị trường, giúp các nhà sản xuất, kinh doanh ô tô sớm phục hồi sau đại dịch".
Liên quan đến đề xuất của Bộ Tài chính, Tổng Thư ký Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam Ninh Hữu Chấn cho rằng, việc giảm 50% lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước nếu được chấp thuận sẽ mang lại những tín hiệu tích cực, bởi dịp cuối năm là khoảng thời gian thị trường mua sắm xe luôn sôi động. Về lâu dài, theo ông Ninh Hữu Chấn, rất cần các chính sách thuế ổn định và lâu dài.
Trao đổi thêm, Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam Lê Dương Quang thông tin, năm 2020, Chính phủ ban hành Nghị định số 57/2020/NĐ-CP ngày 25-5-2020, đã sửa đổi, bổ sung về thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đối với nguyên liệu, vật tư, linh kiện về 0% để sản xuất, gia công (lắp ráp) các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ phát triển ngành sản xuất, lắp ráp ô tô. Như vậy, ngoài ưu đãi thuế cho linh kiện, phụ tùng ô tô trong nước chưa sản xuất được thì Nghị định số 57/2020/NĐ-CP đã mở rộng đối tượng ưu đãi thuế là nguyên liệu, vật tư, linh kiện để sản xuất, gia công (lắp ráp) các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ. Tuy nhiên, theo ông Lê Dương Quang, cần mở rộng thêm đối tượng được hỗ trợ tại Nghị định số 57/2020/NĐ-CP là các doanh nghiệp nhỏ nhập khẩu nguyên vật liệu sản xuất linh kiện, phụ kiện để phục vụ bảo dưỡng, sửa chữa ô tô.
Cũng về vấn đề này, Phó Trưởng phòng Công nghiệp chế biến, chế tạo (Cục Công nghiệp, Bộ Công Thương) Lương Đức Toàn cho biết, việc bổ sung chương trình ưu đãi thuế nhập khẩu 0% đối với nguyên liệu, vật tư, linh kiện nhập khẩu hỗ trợ ngành ô tô đã góp phần giảm chi phí đầu vào, tăng quy mô thị trường sản xuất trong nước, tăng tỷ lệ nội địa hóa, nâng cao sức cạnh tranh với xe nhập khẩu. Các bộ, ngành tiếp tục phối hợp đề xuất những chính sách hiệu quả, giúp doanh nghiệp ô tô trong nước phát triển ổn định.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.