Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thúc đẩy số hóa trong truy xuất nguồn gốc nông sản, thực phẩm

Ngọc Quỳnh| 28/02/2023 12:37

(HNMO) - Hiện nay, ngành Nông nghiệp đang đẩy mạnh xây dựng mã số vùng trồng, đóng gói... để người tiêu dùng thuận lợi trong truy xuất xuất xứ, nguồn gốc nông sản. Đây là những nội dung được thảo luận tại Diễn đàn “Thúc đẩy số hóa trong truy xuất nguồn gốc nông sản - thực phẩm” do Tổ điều hành Diễn đàn kết nối nông sản 970 (Bộ NN&PTNT) và Nhóm tham vấn kinh doanh nông nghiệp (ARG) của Trung tâm nghiên cứu nông nghiệp quốc tế Úc tại Việt Nam (ACIAR) tổ chức ngày 28-2.

Minh bạch nguồn gốc nông sản

Theo ông Nguyễn Ngọc Thạch, Tổng Biên tập Báo Nông nghiệp Việt Nam, việc bảo đảm chất lượng, an toàn thực phẩm và minh bạch nguồn gốc xuất xứ không chỉ phục vụ cho việc xuất khẩu mà trước hết chính vì sức khỏe của 100 triệu người dân Việt Nam.

Hiện nay, nông sản Việt Nam đã có mặt ở gần 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản năm 2022 đạt trên 53,22 tỷ USD. Tuy nhiên, thành tựu luôn đi kèm với thách thức khi thị trường quốc tế ngày càng khắt khe với sản phẩm nhập khẩu của Việt Nam, đặc biệt là việc nông sản cần bảo đảm yêu cầu quy định đưa ra từ phía nước nhập khẩu, trong đó có vấn đề thực hiện truy xuất nguồn gốc. Do đó, thời gian qua, Bộ NN&PTNT từng bước hiện thực hóa cam kết của Việt Nam xây dựng nền nông nghiệp “minh bạch - trách nhiệm - bền vững”.

Quang cảnh diễn đàn.

Ông Henry Bùi, Tổng giám đốc Công ty TNHH Một thành viên Khoa học công nghệ Hoàn Vũ cho biết, Hoàn Vũ là đơn vị có hơn 3.000 lô thanh long xuất khẩu đi các thị trường, trong đó đã tiến hành kiểm định 2.700 lô thanh long/năm vào thị trường châu Âu. Ngoài ra, Công ty cũng là đơn vị duy nhất tiến hành kiểm định 50.000 tấn mật ong xuất khẩu vào thị trường Mỹ/năm, đáp ứng quy định nghiêm ngặt về kháng sinh và hóa chất của nước nhập khẩu.

“Đối với những thị trường khó tính như châu Âu, Mỹ, Australia… truy xuất nguồn gốc là mắt xích quan trọng của hệ thống tiêu chuẩn về hàng hóa nhập khẩu, đòi hỏi sự gắn kết chặt chẽ giữa xây dựng chuỗi cung ứng sản phẩm chăn nuôi, hàng hóa nông sản với truy xuất nguồn gốc”, ông Henry Bùi cho biết thêm.

Còn bà Nguyễn Thị Nga, Điều phối viên dự án của ACIAR đã chia sẻ về Dự án thí điểm kiểm soát việc tuân thủ quy trình VietGAP và chất lượng bằng kỹ thuật số trong chuỗi giá trị rau Việt Nam. Dự án đang được triển khai với 40.000ha tại huyện Mộc Châu (tỉnh Sơn La). Theo đó, Dự án đã giúp người dân ứng dụng ghi chép điện tử để nhập thông tin sản xuất; in tem nhãn tại tại trang trại với thông tin sản phẩm, mã QRcode và mã vạch cho các nhà bán lẻ và người tiêu dùng. Ngoài ra, với phần mềm mới có thể liên kết, người tiêu dùng chỉ cần quét mã QRcode sẽ được cung cấp thông tin về nông dân và cây trồng... Đặc biệt, thị trường sẵn sàng chi trả 30-40% chi phí cho rau có chứng nhận VietGAP, nguồn gốc xuất xứ.

Ông Nguyễn Hoài Nam, đại diện Trung tâm Chuyển đổi số và Thống kê nông nghiệp cho biết, Hệ thống truy xuất nguồn gốc của Bộ NN&PTNT đang được cài đặt và vận hành chính thức tại Bộ, địa chỉ truy cập: http://checkvn.mard.gov.vn. Đến thời điểm hiện tại, hệ thống đang kết nối, chia sẻ dữ liệu với 8 hệ thống truy xuất nguồn gốc của 8 tỉnh, thành phố và có hơn 3.964 doanh nghiệp với bộ mã truy xuất nguồn gốc của 16.987 sản phẩm nông sản thực phẩm. Việc này giúp minh bạch thông tin nông sản, thực phẩm trên thị trường.

Thống nhất quản lý và giám sát thông tin

Bên cạnh những mặt thuận lợi, theo ông Vũ Việt Chiến, Tổng giám đốc Công ty giải pháp và công nghệ Sao Việt, chuyển đổi số trong truy xuất nguồn gốc hàng hóa, nông sản đang là vấn đề được toàn xã hội rất quan tâm. Hiện nay, nhiều tổ chức xã hội, nhà khoa học… đưa ra những giải pháp mới về truy xuất nguồn gốc sản phẩm, tuy nhiên, mới chỉ giải quyết được "phần ngọn" nên chưa đạt được hiệu quả cao nhất.

Để hệ thống truy xuất nguồn gốc nông sản, thực phẩm phát huy hiệu quả, bà Nguyễn Thị Thành Thực - Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc Công ty cổ phân Công nghệ phần mềm AutoAgri cho rằng, muốn thúc đẩy số hoá trong truy xuất nguồn gốc sản phẩm, cơ quan nhà nước cần hướng dẫn để doanh nghiệp dễ hiểu hơn trong quá trình thực hiện từ ghi chép nhật ký đồng ruộng tới sơ chế, chế biến sản phẩm xuất khẩu ra thị trường. Việc truy xuất nguồn gốc và minh bạch thông tin sản phẩm là điều kiện vô cùng quan trọng đối với người sản xuất cũng như cung ứng sản phẩm để bảo vệ thương hiệu, quảng bá sản phẩm...

Hệ thống truy xuất nguồn gốc nông sản thời gian qua giúp doanh nghiệp và người tiêu dùng cùng ngăn chặn thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ.

Ông Nguyễn Hoài Nam, đại diện Trung tâm Chuyển đổi số và Thống kê nông nghiệp (Bộ NN&PTNT) cho biết, để hệ thống truy xuất nguồn gốc tại Bộ NN&PTNT hoạt động thực sự hiệu quả, rất cần sự kết nối, dẫn dắt của Cổng truy xuất nguồn gốc Quốc gia, được xây dựng, phát triển theo hướng kết nối, liên thông và tập trung.

Còn theo ông Mai Quang Vinh, Chủ tịch Liên hiệp Hợp tác xã Kinh tế số Việt Nam, thời gian tới, Liên hiệp Hợp tác xã Kinh tế số Việt Nam phối hợp chặt chẽ với Tổ điều hành Diễn đàn kết nối nông sản 970 (Bộ NN&PTNT) phát triển mạnh mẽ cổng thông tin chung về quản lý, giám sát thông tin sản phẩm. Qua đó, có thể cung cấp thông tin của hàng nghìn hợp tác xã, ngành hàng, giá bán, giá mua nông sản, qua đó, các chủ thể có nhu cầu dễ dàng tiếp cận, tiến tới tất cả các khâu từ sản xuất đến tiêu thụ được minh bạch thông tin...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thúc đẩy số hóa trong truy xuất nguồn gốc nông sản, thực phẩm

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.