(HNM) - Hàng chục thỏa thuận hợp tác được ký kết trong hầu hết các lĩnh vực... là thành công ngoài mong đợi trong chuyến công du hai ngày tới Trung Quốc của Tổng thống Francois Hollande.
Diễn ra vào thời điểm hết sức khó khăn, khi ông chủ điện Élysée đang phải đối mặt với một loạt thách thức trên mặt trận đối nội khi uy tín sụt giảm xuống mức kỷ lục sau gần một năm nắm quyền - chỉ với 25% số người được hỏi ủng hộ, chuyến công du Bắc Kinh được ông Hollande đặt rất nhiều kỳ vọng. Trong đó, làm thế nào để "tăng tốc" hơn nữa quan hệ đối tác giữa hai nước là trọng tâm hàng đầu trong chuyến thăm đầu tiên của nguyên thủ một cường quốc phương Tây tới Trung Quốc, kể từ khi quốc gia Châu Á này có ban lãnh đạo mới. Trên tinh thần đó, một loạt giải pháp vừa được Tổng thống Francois Hollande và Chủ tịch Tập Cận Bình đưa ra trong cuộc hội đàm không chỉ để thúc đẩy quan hệ hai nước trên mọi lĩnh vực sau gần nửa thế kỷ thiết lập quan hệ ngoại giao, mà còn góp phần giải quyết những thách thức mang tính toàn cầu của khu vực.
Tổng thống Pháp Francois Hollande (trái) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình chứng kiến lễ ký thỏa thuận hợp tác giữa hai nước. |
So với quốc gia láng giềng trong Khu vực đồng tiền chung Châu Âu (eurozone), rõ ràng Pháp đã chậm trễ hơn một bước trước Đức trong nỗ lực tăng cường quan hệ hợp tác kinh tế với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Trong vòng 6 năm qua, Thủ tướng Đức Angela Merkel đã có tới 6 lần công du Trung Quốc, với trọng tâm ưu tiên là đẩy mạnh hợp tác kinh tế - thương mại. Một trong những thành công nổi bật mà bà Angela Merkel đã mang lại cho nền kinh tế lớn hàng đầu của Liên minh Châu Âu (EU) trong 4 năm qua là giảm được thâm hụt mậu dịch với Trung Quốc từ mức 26 tỷ euro xuống còn 10 tỷ euro.
Với con số đầu tư, được cho là khá khiêm tốn ở mức 700 triệu euro, vào nền kinh tế hơn 1,3 tỷ dân, sự kiện Tổng thống Pháp dẫn đầu một đội ngũ hùng hậu gồm 8 bộ trưởng và khoảng 60 chủ doanh nghiệp đến Bắc Kinh nhằm thúc đẩy hơn nữa đầu tư thương mại, hợp tác giữa hai nền kinh tế trong bối cảnh Pháp đang chật vật tìm lại đà tăng trưởng là không quá khó hiểu. Rõ ràng, trong lúc Pháp cũng như nhiều nền kinh tế eurozone đang gồng mình để chống chọi với cơn bão nợ công cũng như suy giảm kinh tế, thì một nền kinh tế năng động với mức tăng trưởng GDP luôn ở mức trên dưới 8% như Trung Quốc càng trở thành điểm đến hấp dẫn với nhiều doanh nghiệp Pháp. Không ít chuyên gia kinh tế nhận định rằng, thị trường lao động giá rẻ của nền kinh tế Trung Quốc phát triển nóng nhưng khát vốn, như "chiếc phao cứu sinh" cho nhiều doanh nghiệp EU khi muốn mở rộng sản xuất kinh doanh trong thời buổi khó khăn hiện nay.
Nếu nhìn vào con số thâm hụt mậu dịch thương mại của Pháp với Trung Quốc - hiện ở mức 26,4 tỷ euro, chiếm đến 40% tổng thâm hụt mậu dịch của Pháp - Chính phủ của Tổng thống Hollande còn quá nhiều việc phải làm để có thể đuổi kịp người láng giềng Đức sau chuyến công du ngắn ngủi tới Bắc Kinh. Để mở rộng đầu tư cũng như giảm thiểu mất cân bằng cán cân thương mại song phương, Tổng thống Francois Hollande và Chủ tịch Tập Cận Bình đã nhất trí rằng: Trung Quốc sẽ tăng lượng nhập khẩu từ Pháp, trong khi Pháp sẽ tạo điều kiện thuận lợi để các công ty Trung Quốc đầu tư và hoạt động kinh doanh tại nước này. Không dừng lại ở đó, hai nhà lãnh đạo còn nhất trí tăng cường hợp tác song phương trong một loạt lĩnh vực như năng lượng hạt nhân, hàng không; thúc đẩy các lĩnh vực hợp tác mới như đô thị hóa, chế biến nông sản, thực phẩm, y tế... Hiện kim ngạch xuất khẩu hàng nông phẩm Pháp sang Trung Quốc chỉ chiếm 11% tổng kim ngạch xuất khẩu của Pháp, tương đương khoảng 1,6 tỷ euro. Tuy nhiên, theo dự báo, nhập khẩu hàng nông phẩm Pháp vào Trung Quốc sẽ lên tới 100 tỷ USD mỗi năm vào năm 2017.
Quan hệ hợp tác giữa hai nền kinh tế đầu tàu ở hai châu lục Á - Âu vừa đạt được bước tiến mới sau chuyến công du Trung Quốc của Tổng thống Francois Hollande. Pháp hiện là bạn hàng lớn thứ tư của Trung Quốc trong EU, là nước nhập khẩu công nghệ lớn thứ hai của Trung Quốc. Trong khi đó, Trung Quốc là bạn hàng lớn nhất của Pháp ở Châu Á vừa là nước nhập khẩu lớn thứ hai của Pháp. Với nhiều tiềm năng và lợi thế, hợp tác kinh tế Pháp - Trung được dự báo sẽ trở thành một nhân tố mới trên bản đồ kinh tế Á - Âu.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.