Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thúc đẩy phát triển nông sản bản địa

Ngọc Quỳnh| 13/04/2022 06:28

(HNM) - Hiện nay, việc phát huy giá trị của các loại nông sản bản địa ở Hà Nội còn chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế. Để thúc đẩy phát triển nông sản đặc sản, thành phố đang tập trung hỗ trợ các hợp tác xã, người dân xây dựng, quảng bá thương hiệu cho sản phẩm đặc trưng của địa phương gắn với Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), qua đó nâng cao giá trị nông sản và mở rộng thị trường.

Đóng gói trà chùm ngây - sản phẩm OCOP của Hợp tác xã Hoa, cây cảnh và dịch vụ Hồng Vân (huyện Thường Tín). Ảnh: Nguyễn Quang

Phát triển chưa tương xứng tiềm năng

Việc phát triển nông sản bản địa gắn với Chương trình OCOP không chỉ phát huy lợi thế, điều kiện sản xuất từng địa phương, hình thành vùng nguyên liệu, mà còn góp phần chuyển đổi sản xuất quy mô nhỏ sang mô hình chuỗi khép kín từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm. Tuy nhiên, việc phát huy thế mạnh các loại nông sản bản địa hiện nay còn manh mún, chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế.

Ông Đinh Xuân Thủy - hộ chăn nuôi vịt tại xã Hồng Quang (huyện Ứng Hòa) cho biết, hoạt động chăn nuôi vịt cỏ Vân Đình đang ngày càng mở rộng trên địa bàn huyện Ứng Hòa. Hiện vịt cỏ Vân Đình đã có thương hiệu và được người tiêu dùng đánh giá cao về chất lượng, nhưng tiêu thụ còn khó khăn do các hộ sản xuất chưa liên kết được với doanh nghiệp để bao tiêu sản phẩm mà chủ yếu bán qua thương lái, giá cả bấp bênh...

Tương tự, nhãn chín muộn là một trong 4 loại cây trồng chủ lực của ngành Nông nghiệp Thủ đô, với diện tích lên tới hơn 600ha, tập trung tại các huyện: Quốc Oai, Hoài Đức, Chương Mỹ, Mỹ Đức, Ba Vì, Đan Phượng… Hiện, nhãn chín muộn của Hà Nội đã có mặt tại các thị trường: Mỹ, Nhật Bản, châu Âu.

Theo Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp xã Đại Thành (huyện Quốc Oai) Trần Anh Khoa, Đại Thành có hơn 1.600 hộ trồng nhãn, diện tích 215ha, trong đó, 60ha sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, sản lượng ước đạt 2.500 tấn quả/vụ. Sản phẩm nhãn chín muộn đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) công nhận nhãn hiệu tập thể. Song đến nay, loại quả này vẫn loay hoay với bài toán tiêu thụ vì số lượng doanh nghiệp xuất khẩu rất ít, nông dân phải tự tìm kênh phân phối cho phần lớn sản phẩm.

Trên bình diện chung, thời điểm này, Hà Nội có 40 nhãn hiệu nông sản được bảo hộ, trong đó có 25 sản phẩm trồng trọt, 15 sản phẩm chăn nuôi. Về vấn đề phát triển nông sản, đặc sản địa phương, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường cho biết, Hà Nội có nhiều nông sản đặc sản, song số lượng sản phẩm được bảo hộ nhãn hiệu, thương hiệu còn khiêm tốn; không ít hộ nông dân chưa chú trọng việc bảo vệ thương hiệu. Mặt khác, sản xuất nông sản đặc sản địa phương còn manh mún, chưa tạo thành vùng tập trung để thu hút doanh nghiệp xây dựng nhà máy sơ chế, chế biến phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu.

Đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại

Để phát huy hiệu quả kinh tế từ nông sản bản địa, theo Chủ tịch Hội chăn nuôi và tiêu thụ gà đồi Sóc Sơn Nguyễn Văn Đông, cùng với tuyên truyền để nông dân chăn nuôi đặc sản gà đồi theo hướng an toàn, sản xuất đáp ứng nhu cầu thị trường, rất cần đẩy mạnh xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm trên các kênh bán hàng điện tử… Mặt khác, các cơ quan chức năng của thành phố cần hỗ trợ hợp tác xã, nông dân trong liên kết với doanh nghiệp, tăng cường tiêu thụ qua hợp đồng, nâng cao giá trị sản phẩm...

Về vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Vì Đỗ Quang Trung chia sẻ, huyện chuẩn bị khai trương các điểm giới thiệu, quảng bá sản phẩm nông sản đặc sản của địa phương như: Gà đồi Ba Vì, sữa Ba Vì, miến dong Minh Hồng… Thời gian tới, cùng với quy hoạch các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung, đầu tư hạ tầng phục vụ sản xuất và tiêu thụ, Ba Vì tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại, nhất là thương mại điện tử nhằm quảng bá, đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm, nâng cao thu nhập cho người dân.

Theo Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội Nguyễn Văn Chí, Hà Nội tiếp tục tập trung phát triển Chương trình OCOP gắn với sản phẩm chủ lực từng địa phương, làng nghề. Trên cơ sở đề xuất của các địa phương, Chi cục Phát triển nông thôn thành phố Hà Nội phối hợp với các cơ quan chức năng hỗ trợ nông dân quản lý và phát triển tài sản trí tuệ cho đặc sản địa phương qua hình thức chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu tập thể; bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, nâng cao giá trị nông sản gắn với địa danh...

Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ cho biết thêm, thực hiện Kế hoạch tái cơ cấu ngành Nông nghiệp thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2025, để nâng cao đời sống cho người dân khu vực nông thôn, Hà Nội tập trung phát triển sản xuất các loại đặc sản địa phương gắn với Chương trình OCOP. Thời gian tới, thành phố ưu tiên lựa chọn và phát triển sản phẩm lợi thế nhằm phát huy bản sắc, khơi dậy tiềm năng, sức sáng tạo của người dân, qua đó nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp. Bên cạnh đó, các địa phương cần tập trung tuyên truyền để người dân, các doanh nghiệp hiểu giá trị sản phẩm địa phương, tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại, ứng dụng thương mại điện tử nhằm mở rộng kênh phân phối...

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Thúc đẩy phát triển nông sản bản địa

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.