Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thúc đẩy phát triển năng lượng bền vững

Phương Nhi| 22/12/2018 07:30

(HNM) - Những năm gần đây, nền kinh tế Việt Nam luôn tăng trưởng ở mức cao (6,5-7%/năm), trong đó có sự đóng góp đáng kể của ngành Năng lượng Việt Nam.


Tại hội thảo “Cần có cái nhìn đúng về nhà máy nhiệt điện than”, do Bộ Công Thương phối hợp với Báo Lao động tổ chức trung tuần tháng 12-2018, Thứ trưởng Bộ Công Thương Cao Quốc Hưng cho biết, trong giai đoạn 2016-2030, dự báo tốc độ tăng trưởng GDP với kịch bản cơ sở bình quân là 7%/năm, tương ứng tốc độ tăng trưởng điện thương phẩm toàn quốc ở phương án cơ sở giai đoạn 2016-2020, 2021-2025, 2026-2030 là 10,6%, 8,5% và 7,5%.

Theo dự báo của các chuyên gia, từ nay đến năm 2030 nền kinh tế của nước ta tiếp tục tăng trưởng ở mức độ cao (6,5-7%/năm), kéo theo sự tăng nhanh về nhu cầu năng lượng. Dự kiến, nhu cầu năng lượng vào năm 2030 sẽ đạt khoảng 140 triệu tấn dầu quy đổi, tốc độ nhu cầu tăng trưởng điện năng khoảng trên 10%, đạt gần 500 tỷ kWh điện thương phẩm vào năm 2030. Hiện nay, Việt Nam mới chỉ đạt trên 190 tỷ kWh điện thương phẩm. Do vậy, nhu cầu năng lượng là thách thức rất lớn, cùng với đó là các yêu cầu ngày càng cao về bảo vệ môi trường, về môi trường sống xanh, sạch...

Bàn giải pháp cho vấn đề này, ông Lê Văn Lực, Phó Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) khẳng định, từ nay đến năm 2030 và những năm sau đó, nhiệt điện than vẫn chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu nguồn điện thì mới bảo đảm cung cấp đủ điện, với giá hợp lý cho phát triển kinh tế - xã hội. Còn PGS.TS Trương Duy Nghĩa, Chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật nhiệt Việt Nam cho rằng, tương lai của các nguồn năng lượng tái tạo ở Việt Nam rất rộng mở, song nếu xét trên thực tế thì Việt Nam đang ở giai đoạn 2 về phát triển điện năng, nhu cầu dùng điện tăng cao, ảnh hưởng rất lớn đến phát triển kinh tế. Nhiệt điện than vẫn là nguồn phát điện hợp lý nhất, hiệu quả nhất để đáp ứng nhu cầu điện năng rất lớn của nước ta.

Trên thế giới, nhiều nước vẫn sử dụng nhiệt điện than, song bên cạnh đó nhiều nước lại không sử dụng loại năng lượng này do đã có nguồn năng lượng khác thay thế. Ví dụ, nhiệt điện than ở Thụy Điển chỉ chiếm 1%, hay tại Pháp là 3,1%. Thế nhưng, nhiều quốc gia phát triển và đang phát triển có nhiều nhà máy nhiệt điện than như Đức, Australia, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ba Lan, Trung Quốc vẫn chưa tuyên bố đoạn tuyệt với nhiệt điện than…

Đánh giá về vấn đề này, PGS.TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, dù còn nhiều khó khăn, nhưng với vai trò là bộ quản lý ngành, thời gian qua, Bộ Công Thương và Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã làm rất tốt công tác bảo đảm điện cho nền kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, mục tiêu của Chính phủ là duy trì tăng trưởng ở tốc độ cao trong nhiều năm, nhu cầu năng lượng sẽ tiếp tục tăng lên. Vì vậy, cần có giải pháp đồng bộ, toàn diện phù hợp với từng giai đoạn phát triển của đất nước.

Vì thế, Bộ Công Thương đã đưa ra nhiều giải pháp nhằm phát triển năng lượng bền vững như quy hoạch phát triển thủy điện; xây dựng các nguồn điện than và khí với công nghệ tiên tiến, hạn chế tối đa ảnh hưởng tới môi trường ở phía Nam nhằm giảm áp lực cho lưới điện truyền tải 500kV Bắc - Nam, giảm tổn thất điện năng, nâng cao chất lượng cung cấp điện; xúc tiến hợp tác mua điện từ các quốc gia lân cận như Lào, Trung Quốc...

Cùng với đó, theo EVN cần tăng cường các giải pháp sử dụng điện an toàn, tiết kiệm, hiệu quả; thực hiện giá bán điện theo cơ chế thị trường có sự điều tiết của Nhà nước, bảo đảm kết hợp hài hòa giữa các mục tiêu chính trị, kinh tế - xã hội của Nhà nước và mục tiêu sản xuất, kinh doanh, tự chủ tài chính của các doanh nghiệp ngành Điện...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thúc đẩy phát triển năng lượng bền vững

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.