Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đánh giá công tác thực thi chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng

Thu Hằng| 06/03/2023 14:35

(HNMO) - Ngày 6-3, tại Hà Nội, Đoàn giám sát Ủy ban Thường vụ Quốc hội phối hợp với Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam tổ chức hội thảo “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016-2021: Thực trạng và giải pháp”.

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy phát biểu tại hội thảo.

Hội thảo được tổ chức nhằm đánh giá, tổng kết việc thực thi chính sách, pháp luật phát triển năng lượng giai đoạn 2016-2021; phát hiện những tồn tại, hạn chế, làm rõ những nguyên nhân để từ đó kịp thời đề xuất các phương án xử lý các khó khăn, bất cập; rút ra các bài học kinh nghiệm về xây dựng và hoàn thiện các chính sách, pháp luật về năng lượng trong giai đoạn tiếp theo; đề xuất giải pháp hoàn thiện chính sách, pháp luật cũng như nâng cao hiệu quả tổ chức thực hiện chính sách ,pháp luật về phát triển năng lượng...

Phát biểu tại hội thảo, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy khẳng định, giai đoạn 2016-2021, ngành năng lượng đã bám sát chủ trương, chính sách phát triển của Đảng, Nhà nước và có bước phát triển nhanh chóng, tương đối đồng bộ trong tất cả các lĩnh vực, đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Tuy nhiên, ngành năng lượng còn một số tồn tại như: Các nguồn cung năng lượng trong nước chưa đáp ứng đủ nhu cầu; việc nhập khẩu năng lượng trong nước ngày càng lớn; cơ sở hạ tầng ngành năng lượng còn thiếu và chưa đồng bộ; trình độ công nghệ trong một số lĩnh vực của ngành còn chậm, chưa được nâng cao; thị trường năng lượng phát triển chưa bền vững…

Tại hội thảo, các đại biểu đã tập trung thảo luận một số nhóm vấn đề: Tình hình đầu tư phát triển, cung cầu và an ninh, an toàn, tiết kiệm năng lượng; chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển năng lượng; chuyển dịch năng lượng và bảo vệ môi trường, ứng dụng và biến đổi khí hậu; khoa học, công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành năng lượng; quản lý nhà nước trong lĩnh vực năng lượng; cơ chế đầu tư, kinh doanh phát triển thị trường năng lượng cạnh tranh; cơ chế dự trữ, dự phòng năng lượng...

Quang cảnh hội thảo.

Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng sạch Việt Nam Mai Duy Thiện kiến nghị sớm phê duyệt Quy hoạch điện 8, chiến lược, quy hoạch năng lượng; khẩn trương triển khai các quy hoạch liên quan đến điện gió ngoài khơi để có thể hoàn thành phê duyệt sớm. Đặc biệt, các cơ chế, chính sách cho phát triển năng lượng tái tạo cần được xây dựng có tính liên tục và dài hạn hơn, đủ để các nhà đầu tư định hướng đầu tư phát triển các dự án. Cùng với kế hoạch phát triển năng lượng tái tạo, cần xây dựng cơ chế để thúc đẩy phát triển công nghiệp phụ trợ, công nghiệp cơ khí chế tạo để sản xuất chuỗi sản phẩm thiết bị năng lượng tái tạo tại Việt Nam.

Trước bài toán bảo đảm an ninh năng lượng cũng như hiện thực hóa cam kết phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050 của Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội Năng lượng nguyên tử Việt Nam Trần Chí Thành đề xuất xem xét toàn diện vấn đề phát triển điện hạt nhân để sớm có đề xuất hợp lý, cân nhắc đưa thêm nguồn điện hạt nhân như là nguồn điện sạch, ổn định, tính bảo đảm an ninh năng lượng cao, tạo điều kiện để nghiên cứu kỹ các vấn đề liên quan đến phát triển điện hạt nhân, bắt đầu chuẩn bị nguồn nhân lực và các cơ sở hạ tầng khác.

Ông Trần Chí Thành cũng đề nghị sớm hoàn thiện nhiệm vụ lập Quy hoạch phát triển, ứng dụng năng lượng nguyên tử thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 108/QĐ-TTg ngày 22-1-2021. Từ đó, có các kiến nghị, đề xuất trong quá trình triển khai thực hiện quy hoạch phát triển, ứng dụng năng lượng nguyên tử trong thời kỳ mới. Bên cạnh đó, cần triển khai có hiệu quả dự án xây dựng Trung tâm Nghiên cứu khoa học công nghệ hạt nhân nhằm tiếp tục thúc đẩy nghiên cứu, hợp tác quốc tế và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành năng lượng nguyên tử.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đánh giá công tác thực thi chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.