(HNM) - Ngay từ khi dịch Covid-19 bùng phát tại Việt Nam, việc ứng dụng công nghệ thông tin vào phòng, chống dịch đã được triển khai nhanh chóng. Với những tiện ích, tính thiết thực cao, các ứng dụng công nghệ số đã được các cơ quan, tổ chức và người dân hưởng ứng bằng cách cài đặt, sử dụng thường xuyên, giúp việc khoanh vùng, truy vết đạt hiệu quả cao, hỗ trợ tối đa trong học tập, làm việc, từ đó góp phần ngăn chặn được dịch lây lan trong cộng đồng.
Thực tế, hầu hết các doanh nghiệp công nghệ thông tin đã vào cuộc, cho ra đời hàng loạt sản phẩm hữu ích, vừa phục vụ phòng, chống dịch Covid-19, vừa phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh, học tập trong bối cảnh giãn cách xã hội, hay sau đó là bối cảnh “bình thường mới”. Đáng chú ý, các ứng dụng đã kết nối hai chiều giữa chính quyền, cơ quan y tế với người dân, giữa học sinh với nhà trường, giữa doanh nghiệp với đối tác, bạn hàng…; giúp doanh nghiệp, người dân sống an toàn cùng dịch bệnh, không để gián đoạn hoạt động hằng ngày, hạn chế thiệt hại do dịch bệnh gây ra. Ngược lại, thông tin do người dân cung cấp qua các ứng dụng là cơ sở để cơ quan chức năng phân tích, đánh giá, đưa ra chiến lược phòng, chống dịch Covid-19 phù hợp, chính xác, hiệu quả.
Những ứng dụng tiêu biểu như NCOVI (khai báo y tế), Bluezone (phát hiện tiếp xúc gần), Telehealth (khám, chữa bệnh từ xa), VNPT E-learning (học trực tuyến) hay 1Office (quản trị doanh nghiệp)… đều do các doanh nghiệp công nghệ Việt Nam phát triển, đã khẳng định Việt Nam là một trong những nước tiên phong trong việc sử dụng các ứng dụng công nghệ thông tin để phòng, chống dịch trong toàn dân. Đồng thời, điều đó cho thấy năng lực doanh nghiệp công nghệ thông tin của Việt Nam. Nền tảng, hạ tầng thông tin tại Việt Nam có bước phát triển nhanh cũng nhờ các doanh nghiệp thông tin nước ta có chiến lược đầu tư bài bản, bắt kịp xu hướng chung của thế giới.
Gần 60.000 doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam có năng lực và sẵn sàng tham gia “giải những bài toán” do các cấp, ngành, doanh nghiệp đặt ra trong quá trình phòng, chống dịch Covid-19 hay rộng hơn là quá trình chuyển đổi số của đất nước, như lời Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, đã tiếp tục khẳng định tinh thần ứng phó kịp thời, biến “nguy thành cơ”.
Trong bối cảnh dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp, chắc chắn các ứng dụng công nghệ sẽ tiếp tục được duy trì và phát huy hiệu quả, trên cơ sở liên tục được cập nhật, bổ sung thêm tính năng mới. Song bên cạnh đó, các doanh nghiệp công nghệ cũng cần nghiên cứu cho ra đời thêm giải pháp, nền tảng công nghệ mới, phù hợp với bối cảnh, điều kiện “bình thường mới”, phục vụ “mục tiêu kép” vừa phát triển kinh tế - xã hội, vừa phòng, chống dịch hiệu quả.
Lâu dài hơn, doanh nghiệp công nghệ số cần tính đến phương án “hậu Covid-19” khi dịch Covid-19 được khống chế, đẩy lùi. Ở yêu cầu này, những đơn vị được hưởng thụ sản phẩm công nghệ cần chú trọng đẩy mạnh quá trình chuyển đổi số tại đơn vị; có thể nghiên cứu, đưa ra yêu cầu bổ sung tính năng mới cho sản phẩm đang sử dụng, đồng thời đặt hàng ứng dụng mới trên cơ sở nhu cầu hoạt động của đơn vị, cũng như lợi ích từ việc số hóa đem lại.
Phát triển công nghệ số là xu hướng chung. Chính phủ, nhiều bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp, đơn vị đã xác định nhu cầu, mục tiêu của quá trình chuyển đổi số. Việc phát triển các ứng dụng công nghệ trong phòng, chống dịch Covid-19 là phép thử cho quá trình này, hiệu quả thiết thực mang lại đã được khẳng định trong thực tiễn. Rõ ràng, dịch Covid-19 là cơ hội để thúc đẩy công nghệ số phát triển nhanh hơn...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.