Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thúc đẩy kết nối chuỗi giá trị toàn cầu

Hà Thư| 14/03/2021 07:53

(HNM) - Là nền kinh tế mở với việc tham gia 15 hiệp định thương mại tự do, Việt Nam có nhiều tiềm năng trở thành “công xưởng” lớn của thế giới khi chuỗi sản xuất, cung ứng của nhiều nhà đầu tư nước ngoài được dịch chuyển đến. Cơ hội đang mở ra, đòi hỏi nhiều giải pháp thúc đẩy doanh nghiệp Việt Nam tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Sản xuất linh kiện điện tử tại Nhà máy Sản xuất thiết bị điện thông minh Vinsmart, Tập đoàn Vingroup (Khu công nghệ cao Hòa Lạc). Ảnh: Nhật Nam

Khó “khớp” vào chuỗi giá trị toàn cầu

Với 15 hiệp định thương mại tự do đã được ký kết, Việt Nam trở thành một trong những nền kinh tế có độ mở lớn và có quan hệ thương mại với hơn 230 thị trường khắp thế giới. Phần lớn các rào cản trong thương mại quốc tế dần được dỡ bỏ, thủ tục pháp lý cũng tối giản hơn... Cùng với đó, dịch Covid-19 bùng phát khiến nhiều tập đoàn đa quốc gia đến Việt Nam tìm cơ hội hợp tác. Từ tháng 3-2021, Hãng Apple của Mỹ bắt đầu đặt dây chuyền sản xuất tại Việt Nam. Google và Microsoft cũng đang triển khai việc tương tự… Đây là cơ hội để doanh nghiệp Việt Nam kết nối và tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Tuy nhiên, theo Bộ Công Thương, các doanh nghiệp trong nước đa phần quy mô nhỏ và siêu nhỏ (chiếm khoảng 98% tổng số doanh nghiệp đang hoạt động), có trình độ công nghệ không cao, năng lực tài chính hạn chế, khả năng tích tụ và đầu tư đổi mới công nghệ thấp... Do vậy, khả năng tham gia chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu hạn chế.

Trên thực tế, nhiều doanh nghiệp nước ngoài khi muốn đầu tư vào Việt Nam vẫn gặp khó trong việc tìm kiếm các nhà cung ứng nội địa. Số liệu khảo sát năm 2020 của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho thấy, chỉ có khoảng 3-4% doanh nghiệp nhỏ, 7% doanh nghiệp vừa và 11% doanh nghiệp lớn có khách hàng chính là doanh nghiệp đầu tư nước ngoài. Các công ty Nhật Bản mua sắm khoảng 32,4% các dịch vụ và sản phẩm đầu vào từ các nhà cung cấp tại Việt Nam, thấp hơn nhiều so với các nước láng giềng.

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong nhận định: “Năng lực đổi mới công nghệ và năng lực đạt tới các quy chuẩn công nghệ cấp khu vực, cấp chuỗi của doanh nghiệp Việt Nam còn kém nên khó “khớp” được sản phẩm của mình vào chuỗi giá trị toàn cầu. Mặt khác, khả năng đáp ứng các yêu cầu thị trường về quy mô sản phẩm, thời gian giao hàng, chất lượng còn nhiều điều đáng bàn. Chưa kể việc sản xuất của doanh nghiệp còn phụ thuộc nhiều vào nguyên liệu đầu vào, nên thiếu ổn định”.  

Chủ động tham gia chứ không ngồi chờ

Để chủ động tham gia chuỗi giá trị mới, chứ không chỉ chờ nhà đầu tư tìm đến, chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong cho rằng, trước hết các doanh nghiệp cần hướng quy trình sản xuất tới các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật cấp quốc gia, khu vực và thế giới. Doanh nghiệp phải xây dựng thương hiệu, đổi mới năng lực quản trị, công nghệ để thích ứng trước yêu cầu mới.

Cùng với đó, các chuyên gia kinh tế đề xuất, bộ, ngành chức năng cần cung cấp thông tin về các chuỗi cung ứng toàn cầu, đưa ra các tiêu chuẩn chất lượng giúp doanh nghiệp có cơ sở nâng chất lượng sản phẩm, hàng hóa. Trước đòi hỏi doanh nghiệp phải thích ứng, Nhà nước cần lắng nghe để hình thành các chính sách mới. Quan trọng nhất là các phản ứng thị trường, phản ứng chính sách phải linh hoạt, bám sát vào các chuỗi cung ứng có triển vọng và tiềm năng với doanh nghiệp Việt Nam.

Theo Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội Mạc Quốc Anh, những ngành, lĩnh vực thế mạnh như: Nông nghiệp công nghệ cao, thiết kế sản xuất phần mềm, dịch vụ du lịch, công nghiệp hỗ trợ… đang được Nhà nước ưu tiên đầu tư, đều là những lĩnh vực doanh nghiệp có thể tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Còn Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ (Bộ Công Thương) Nguyễn Khánh Ngọc nhận định, các hiệp định thương mại tự do giúp doanh nghiệp Việt Nam có cơ hội hợp tác với các doanh nghiệp đã có thương hiệu trên thế giới để tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu. Vì vậy, doanh nghiệp cần đáp ứng các điều kiện của hiệp định thương mại tự do, như tạo nguồn hàng chất lượng, bảo đảm các yêu cầu về tiêu chuẩn kỹ thuật, lao động, môi trường và trách nhiệm xã hội.

Dành 12 năm nghiên cứu và ứng dụng công nghệ nano vào sản xuất sản phẩm thực phẩm chức năng, ông Lưu Hải Minh, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Công nghệ mới Nhật Hải (OIC) cho biết, để thâm nhập chuỗi giá trị toàn cầu doanh nghiệp phải có sản phẩm cốt lõi và không còn cách nào khác là phải đầu tư cho nghiên cứu, phát triển. “Chỉ có đầu tư nghiên cứu sáng chế, tạo ra sản phẩm mới thì mới có thể đặt chân vào chuỗi cung ứng toàn cầu”, ông Lưu Hải Minh khẳng định.

Theo Bộ Công Thương, thời gian tới, Bộ sẽ tập trung phát triển các ngành công nghiệp nền tảng như cơ khí, năng lượng, hóa chất, thép, thiết bị điện… cùng với một số ngành có sức cạnh tranh quốc tế như dệt may, da giày, điện tử… Bộ cũng phát triển công nghiệp hỗ trợ theo hướng lựa chọn các nhóm ngành cần ưu tiên phát triển phù hợp với điều kiện thực tế. Cùng với đó, hệ thống chính sách phát triển công nghiệp, nguồn nhân lực, ứng dụng công nghệ mới cũng sẽ được ưu tiên hoàn thiện.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thúc đẩy kết nối chuỗi giá trị toàn cầu

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.