(HNMO) - Chiều 19-1, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng đã chủ trì Phiên toàn thể thứ 2 về vấn đề kinh tế và thương mại.
Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng chụp ảnh với các đại biểu tham dự APPF-26 bên lề phiên họp. |
Phát biểu tại phiên họp, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ cho biết, thế giới ngày nay đang chuyển biến sâu sắc trên nhiều phương diện dưới tác động mạnh mẽ của khoa học công nghệ và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, của sự khác biệt trong quan điểm phát triển, toàn cầu hóa cũng như sức ép cạnh tranh địa chính trị giữa các quốc gia, khu vực và toàn cầu.
Trong bối cảnh đó, các quốc gia cần phải đổi mới tư duy phát triển và đẩy mạnh liên kết, hợp tác trên nhiều phương diện, đặc biệt là về các vấn đề trọng tâm mà phiên họp đã đề ra gồm: Vai trò của nghị viện thúc đẩy liên kết kinh tế sâu rộng và toàn diện; an ninh lương thực và phát triển nông nghiệp bền vững; hỗ trợ doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSME) trong kỷ nguyên số.
Để vượt qua những trở ngại, thách thức đối với hợp tác và liên kết kinh tế khu vực, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng, các quốc gia cần có những hành động thiết thực nhằm cải thiện kết nối như những sáng kiến của APEC, ASEAN, tập trung vào 3 trọng tâm: hạ tầng, con người và thể chế, mà trong đó nghị viện đóng vai trò quan trọng.
Về biến đổi khí hậu, theo Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, thế giới đang chứng kiến những biến động thời tiết bất thường và hệ lụy ngày càng lớn đối với sản xuất nông nghiệp. Không ít nền kinh tế và cả bình diện khu vực có thể sẽ đối mặt với vấn đề giảm sản lượng lương thực và tăng giá lương thực. Đồng bằng sông Mekong đứng trước thách thức lớn chưa từng có trong lịch sử về an ninh nguồn nước và ngập mặn.
Nửa đầu năm 2016, lần đầu tiên ở Việt Nam, nông nghiệp tăng trưởng âm do tác động khốc liệt của hạn hán, xâm nhập mặn trên diện rộng. Thiên tai, bão lũ liên tiếp, bất thường năm 2017 đã gây thiệt hại cho Việt Nam 3 tỷ USD. Trong bối cảnh đó, phát triển nông nghiệp bền vững và bảo đảm an ninh lương thực có ý nghĩa đặc biệt quan trọng ở tầm quốc gia, khu vực và toàn cầu...
Bên cạnh đó, những thách thức, khó khăn cũng đang đặt ra những yêu cầu mới đối với các chủ thể kinh tế tham gia, đặc biệt là khu vực doanh nghiệp. Yêu cầu đó càng bức thiết hơn đối với các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa, vốn chiếm tỷ trọng gần như tuyệt đối trong khu vực, trong đó ở Việt Nam chiếm đến 97%. Đây là những chủ thể kinh tế không có lợi thế về quy mô nhưng lại rất chủ động, linh hoạt, dễ thích ứng. Yêu cầu phát triển bền vững đòi hỏi các doanh nghiệp vừa phải nỗ lực cải thiện khả năng cạnh tranh, vừa phải thân thiện với môi trường, nhận thức tốt hơn về lợi ích từ hoạt động kinh tế xanh để định hướng phát triển, ứng dụng công nghệ phù hợp, tránh rủi ro tiềm ẩn. Đây là yêu cầu rất quan trọng nhưng cũng là thách thức lớn, đòi hỏi nỗ lực của chính doanh nghiệp và những thay đổi cần thiết trong thể chế và quản trị quốc gia.
Đại diện cho đoàn Nhật Bản, Nghị sĩ Masazumi Gotoda cho rằng, thời gian tới, Châu Á - Thái Bình Dương sẽ tiếp tục là đầu tàu kinh tế toàn cầu. Trong bối cảnh nền kinh tế thế giới còn tiềm ẩn nhiều rủi ro, ông Gotoda đề nghị các nghị sĩ cần đóng vai trò giám sát mạnh mẽ tại quốc hội để đảm bảo các chính sách thúc đẩy tăng trưởng được thực thi, tạo ra sự bình ổn kinh tế.
Ngoài ra, các quốc gia cần chú trọng việc xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao trong kỷ nguyên số, thúc đẩy bình đẳng giới trong việc làm, tạo điều kiện cho doanh nghiệp vừa và nhỏ được tham gia môi trường cạnh tranh lành mạnh.
Về xu thế bảo hộ thương mại đang có dấu hiệu gia tăng, ông Gotoda cho rằng cần xây dựng chính sách cạnh tranh công bằng trên toàn cầu, đẩy lùi các biện pháp bảo hộ thương mại tiêu cực, thúc đẩy thương mại tự do giữa các khu vực trên thế giới.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.