Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thúc đẩy công nghệ chế biến sau thu hoạch

Ngọc Quỳnh| 17/08/2022 06:25

(HNM) - Nghị quyết số 15-NQ/TƯ của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2045 nêu rõ: “Chú trọng phát triển công nghệ giống, công nghệ bảo quản, chế biến sau thu hoạch, gắn với phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm…”. Phát triển công nghệ bảo quản, chế biến sau thu hoạch có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với nông nghiệp Thủ đô, do đó thành phố Hà Nội xác định đây là một giải pháp căn cơ để thúc đẩy kinh tế nông nghiệp, nông thôn.

Dây chuyền chế biến xúc xích tại Công ty cổ phần Chăn nuôi CP Việt Nam (huyện Chương Mỹ). Ảnh: Đỗ Tâm

Tạo động lực cho ngành chế biến nông sản

Thời điểm hiện tại, Hà Nội đang triển khai Kế hoạch số 193/KH-UBND ngày 30-8-2019 về cơ cấu lại lĩnh vực chế biến nông sản gắn với phát triển thị tường đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Sở NN&PTNT Hà Nội đánh giá, bảo quản, chế biến sau thu hoạch là cầu nối giữa sản xuất và thị trường, đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong việc hình thành và khép kín chuỗi sản xuất nông nghiệp, bảo đảm an ninh lương thực và nâng cao đời sống cho người dân…

Trên địa bàn thành phố có 250 doanh nghiệp và hàng nghìn cơ sở chế biến nông sản nhỏ lẻ, hộ gia đình. Dân số đông, thị trường lớn, có nhiều tiềm năng lợi thế, các doanh nghiệp của Hà Nội đã mua số lượng lớn nông sản của nhiều tỉnh, thành phố để chế biến, tiêu thụ trên thị trường Thủ đô và xuất khẩu. Thành phố cũng đang duy trì hoạt động 113 kho lạnh cho việc bảo quản sản phẩm nông nghiệp, giúp các doanh nghiệp tiết kiệm chi phí trong quá trình phân phối và lưu thông hàng hóa...

Sản phẩm chính của doanh nghiệp chế biến Hà Nội là thịt (42,6%), thủy sản (26,7%) và rau quả (33,7%)... Ngoài ra, trên địa bàn thành phố có một số cơ sở chế biến nông sản lớn như: Nhà máy chế biến sữa của Công ty cổ phần Sữa Ba Vì (huyện Ba Vì), nhà máy chế biến thực phẩm của Công ty cổ phần Chăn nuôi CP Việt Nam (huyện Chương Mỹ), nhà máy chế biến thực phẩm của Công ty cổ phần Thực phẩm Hương Sơn (huyện Thanh Trì)…

Theo đánh giá của Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Khôi, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, các cơ sở chế biến nông sản trên địa bàn Thủ đô cơ bản đã đầu tư trang thiết bị, máy móc đồng bộ nhằm cơ giới hóa các công đoạn sơ chế, chế biến, đóng gói; đồng thời hạn chế nguy cơ mất an toàn thực phẩm.

Là một trong những doanh nghiệp tham gia vào lĩnh vực chế biến nông sản tại Hà Nội, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Thực phẩm Hương Sơn (huyện Thanh Trì) Nguyễn Thị Thu Hương thông tin: Để bảo đảm an toàn thực phẩm cho mặt hàng giò chả, bánh chưng..., công ty đã nhập thịt lợn, gà có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng; mặt khác, đầu tư hàng chục tỷ đồng mua sắm thiết bị xử lý sản phẩm đóng gói hút chân không. Hiện nay, thực phẩm Hương Sơn đã xây dựng được mạng lưới phân phối với 11 cửa hàng giới thiệu sản phẩm trực tiếp tại Hà Nội và hàng trăm đại lý trên toàn quốc.

Còn thống kê của ngành Nông nghiệp Hà Nội cho thấy, sản lượng nông sản chế biến của các doanh nghiệp Hà Nội đạt hơn 1.000 tấn/tháng, trong khi đó nhu cầu tiêu dùng của thành phố khoảng 5.165 tấn. Như vậy sản phẩm nông nghiệp qua chế biến trên địa bàn thành phố mới đáp ứng được khoảng 19% nhu cầu của thị trường.

Đồng bộ giải pháp

Theo Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản Hà Nội Nguyễn Thị Thu Hằng, ngành chế biến nông sản trên địa bàn thành phố đa phần là các cơ sở vừa và nhỏ, chưa tương xứng với tiềm năng phát triển công nghệ chế biến của Thủ đô. Công nghệ chế biến nông sản chỉ đạt ở mức trung bình; chủng loại sản phẩm chế biến chưa phong phú. Các cơ sở đều thiếu vốn đầu tư cơ sở vật chất, công nghệ và đa phần nằm trong khu đông dân cư, không nằm trong quy hoạch phát triển chung của thành phố.

Từ những vấn đề nêu trên có thể thấy, việc triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm đưa Nghị quyết số 15 - NQ/TƯ của Bộ Chính trị vào đời sống có ý nghĩa đặc biệt quan trọng.

Triển khai Nghị quyết số 15 -  NQ/TƯ của Bộ Chính trị, đồng thời hướng tới mục tiêu đến năm 2025, trên địa bàn thành phố có 50% cơ sở sơ chế, chế biến sản phẩm rau, củ, quả, thịt, trứng, sữa… sử dụng trang thiết bị hiện đại, Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ cho biết: Thời gian tới, Hà Nội tập trung nâng cao năng lực chế biến sản phẩm nông sản gắn với hạ tầng thương mại tiêu thụ (xây dựng chợ, siêu thị…); có cơ chế ưu tiên hỗ trợ vốn vay tín dụng với lãi suất ưu đãi cho các mô hình liên kết chuỗi. Mặt khác, tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp đầu tư nâng cấp, xây mới các nhà máy có dây chuyền thiết bị công nghệ chế biến hiện đại, lắp đặt hệ thống nhà mát, nhà lạnh trong bảo quản nông sản.

Còn theo bà Phạm Thị Mỹ Dung, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, nông nghiệp Hà Nội phục vụ tiêu dùng của thành phố theo hướng đô thị, vì vậy doanh nghiệp cần kết hợp công nghệ hiện đại với công nghệ bảo quản truyền thống của người dân. Hơn nữa, sản xuất nông nghiệp của Hà Nội quy hoạch theo vùng nên cần ưu tiên hỗ trợ hợp tác xã trong xây dựng các nhà bảo quản, chế biến nông sản.

Về vấn đề này, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần tập đoàn Nam Hà Nội (huyện Thường Tín) Võ Việt Dũng đề xuất, các cơ quan chức năng tham mưu cho thành phố có thêm cơ chế, chính sách tạo điều kiện hỗ trợ doanh nghiệp liên kết cùng người dân đầu tư thiết bị hiện đại để chế biến, bảo quản sau thu hoạch. Cùng với đó, quy hoạch các vùng sản xuất nguyên liệu gắn với hệ thống chế biến nhằm bảo đảm nguồn nguyên liệu “đầu vào” cho doanh nghiệp, phục vụ chế biến nông sản của thành phố.

Triển khai các giải pháp thực hiện Nghị quyết số 15 - NQ/TƯ của Bộ Chính trị, thúc đẩy phát triển công nghệ bảo quản, chế biến sau thu hoạch, nông nghiệp Thủ đô không chỉ giải quyết tình trạng “được mùa mất giá” mà còn gia tăng năng lực chế biến, nâng cao giá trị sản phẩm, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng, nâng cao thu nhập cho nông dân Thủ đô…

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Thúc đẩy công nghệ chế biến sau thu hoạch

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.