Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thúc đẩy chuyển dịch lao động

Hà Hiền| 11/10/2017 06:54

(HNM) - Lao động phi chính thức chiếm tỷ lệ không nhỏ trong tổng số lao động ở nước ta hiện nay. Đối tượng này đang “nằm ngoài” nhiều chính sách an sinh xã hội, khiến quyền lợi của họ bị ảnh hưởng, tác động bất lợi đến sự phát triển kinh tế - xã hội.


Dễ bị tổn thương

Lao động phi chính thức là những người tự tạo ra công việc. Theo thống kê, nước ta hiện có hơn 18 triệu lao động phi chính thức. Phần lớn số lao động này tập trung ở khu vực nông thôn, làm việc trong các hộ sản xuất, kinh doanh hoặc làm tự do thuộc các nhóm ngành: Công nghiệp chế biến, chế tạo, xây dựng, buôn bán, sửa chữa ô tô, xe máy, dịch vụ lưu trú và ăn uống…

Đẩy nhanh quá trình chuyển dịch lao động từ phi chính thức sang chính thức cần được quan tâm nhiều hơn nữa. Ảnh: Nhật Nam



Vấn đề đáng lo ngại là đa số lao động phi chính thức làm việc không có hợp đồng lao động, không tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, không hưởng lương cố định. Bà Nguyễn Thị Xuân Mai, Vụ trưởng Vụ Thống kê dân số và lao động (Tổng cục Thống kê) cho biết, hiện nay, 76,7% trong tổng số lao động phi chính thức làm việc mà không có hợp đồng lao động bằng văn bản. Số lao động được ký hợp đồng từ 3 tháng trở lên chỉ chiếm 21,2%...

Khảo sát của Trung tâm Nghiên cứu dân số, lao động và việc làm thuộc Viện Khoa học Lao động và Xã hội (Bộ LĐ-TB&XH) tại Hà Nội và Nghệ An cho kết quả không mấy khả quan: Có tới 70,6% lao động phi chính thức trong diện được khảo sát mới chỉ biết tên các chính sách về lao động - việc làm; 60,2% chỉ biết “sơ qua” về chính sách bảo hiểm y tế… Đáng nói hơn, thời gian làm việc trung bình của lao động phi chính thức nhiều hơn các đối tượng khác nhưng thu nhập lại ít hơn. Hiện nay, thu nhập của họ mới đạt khoảng 3,9 triệu đồng/người/tháng, bằng 70% mức thu nhập trung bình của xã hội và bằng 50% thu nhập của lao động trong khu vực chính thức. “Đa số lao động phi chính thức chưa qua đào tạo nghề, trình độ chuyên môn, năng suất lao động thấp nên họ là đối tượng yếu thế trong việc thỏa thuận hợp đồng, đòi hỏi quyền lợi. Họ thuộc nhóm lao động dễ bị tổn thương”, bà Trịnh Thu Nga, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu dân số, lao động và việc làm cho biết.

Về vấn đề nói trên, bà Sandra Yu - chuyên gia của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) cảnh báo, tỷ lệ lao động phi chính thức cao tác động tiêu cực đến sự phát triển bền vững của các cơ sở sản xuất, kinh doanh cũng như nguồn thu ngân sách và sự phát triển kinh tế - xã hội. Đối với Việt Nam, thách thức lớn nhất là nền kinh tế đang chuyển dịch theo hướng phát triển các ngành công nghiệp và dịch vụ nhưng lực lượng lao động phi chính thức ở nhóm ngành, nghề này còn chiếm tỷ lệ cao.

Đẩy nhanh quá trình chuyển đổi

Chia sẻ kinh nghiệm quốc tế về hỗ trợ chính thức hóa việc làm phi chính thức, ông Phillippe Marcadent, Giám đốc Chương trình việc làm phi chính thức (INWORK) của ILO tại Thụy Sĩ nhận định: Sự tác động của khu vực lao động phi chính thức đối với nền kinh tế rất khó đo lường. Việt Nam cần có chính sách đặc thù, hiệu quả hơn với từng nhóm đối tượng; tăng cường thực thi pháp luật lao động trong khu vực chính thức; hỗ trợ đào tạo nâng cao trình độ nghề nghiệp cho lực lượng lao động phi chính thức, mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện…

Ông Đào Quang Vinh, Viện trưởng Viện Khoa học Lao động và Xã hội mong muốn Nhà nước đưa ra các chương trình hành động cụ thể nhằm khuyến khích các hộ, cơ sở kinh doanh đăng ký thành lập dưới hình thức doanh nghiệp; đơn giản hóa thủ tục chuyển đổi, đăng ký, loại bỏ các giấy phép đăng ký kinh doanh không cần thiết. Bên cạnh đó, các chính sách hỗ trợ về thuế, vốn, mặt bằng sản xuất, kinh doanh… cũng cần được chú trọng hơn.

Theo ông Trương Anh Dũng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Dạy nghề (Bộ LĐ-TB&XH), cách tốt nhất để thúc đẩy chuyển đổi lao động phi chính thức sang chính thức là kết hợp đào tạo nghề và giải quyết việc làm ngay tại các doanh nghiệp. Còn bà Trịnh Thu Nga cho rằng, cơ quan chức năng cần tăng cường mạng lưới thanh tra, giám sát việc thực thi pháp luật về lao động, việc làm, trong đó tập trung vào các cơ sở sản xuất kinh doanh khu vực phi chính thức; đề ra quy định rõ ràng về giao kết hợp đồng lao động, bảo hiểm xã hội bắt buộc, thời gian làm việc, chế độ phúc lợi cho người lao động. Theo bà Trịnh Thu Nga, chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện nên được phân theo nhiều nhóm đối tượng, tạo điều kiện cho lao động phi chính thức dễ tiếp cận, tham gia.

Nhằm bảo đảm quyền lợi cho lao động ở tất cả các khu vực, Việt Nam đã phê chuẩn Công ước về Chính sách việc làm, Công ước Lao động hàng hải và Công ước về Khung chính sách thúc đẩy an toàn vệ sinh lao động. Trong hệ thống chính sách về lao động, việc làm, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế… hiện hành, lao động phi chính thức cũng thuộc đối tượng điều chỉnh. Tuy vậy, trước những vấn đề bất cập hiện nay, có lẽ việc xây dựng và thực hiện đồng bộ các giải pháp để thúc đẩy nhanh quá trình chuyển dịch lao động từ phi chính thức sang chính thức cần được quan tâm nhiều hơn nữa.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Thúc đẩy chuyển dịch lao động

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.