Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thuận lòng dân

Vũ Duy Thông| 04/10/2010 06:41

(HNM) - Câu kết của Chiếu dời đô, Thái tổ Lý Công Uẩn nói: Vậy các khanh nghĩ sao? Nghĩa là hỏi thần dân có thuận tình dời đô hay không. Với câu này, Chiếu dời đô không đơn thuần là một văn bản nhà vua nói ý mình nữa mà là một văn bản thăm dò ý kiến. Bởi dời đô là một việc hệ trọng, thuận lòng người thì được, trái lòng người là trái mệnh trời, là bại.


Kể đến nay đã 4 ngày Đại lễ, thời tiết thuận hòa, khắp nơi vui vẻ, nhiều nỗi lo đã vơi giảm, nhiều niềm vui được nhân lên, tuy chưa kết thúc nhưng đã có thể nắm chắc phần nào, Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội đã thành công. Để có được thành công đó, có nhiều nguyên nhân nhưng có lẽ nguyên nhân quan trọng nhất là sự đồng thuận trên dưới, trong ngoài, nhất là đồng thuận lòng dân.

Bởi thuận lòng dân nên rất nhiều công việc, tưởng không xong được nhưng đã làm xong đúng thời hạn. Đường cao tốc Thăng Long mới hôm nào trên 30km chiều dài, chỗ nào cũng bề bộn, ngổn ngang nhưng đến ngày khai trương, mọi việc đã đâu vào đấy. Chỉnh trang tuyến phố, mấy chục năm chưa làm được, nay chỉ trong vài tháng hạ ngầm các tuyến cáp, xóa quảng cáo, quét vôi lại, trang trí cờ hoa đã hoàn thành trên một số tuyến phố chính, ai cũng thấy Hà Nội đẹp ra. Hoa, mấy đêm hội năm trước, bày hoa ra là bị phá phách, hàng nghìn người giữ cũng không được, nay nhiều phố trở thành đường hoa, đảo hoa yên bình. Giao thông vẫn khó khăn nhưng tai nạn nghiêm trọng, ùn tắc lớn giảm hẳn, nạn đua xe, lạng lách trên các phố lớn không xảy ra. Ngay việc đến phút chót mới có chủ trương bổ sung lực lượng cảnh sát biển vào đội hình diễu binh, chỉ có một tuần tập trung quân luyện tập, nhiệm vụ vẫn hoàn thành.

Ngày lễ lớn mừng Thủ đô 1000 tuổi cũng là mừng đất nước này 1000 năm tự chủ, nhân dân cả nước hưởng ứng nhiệt tình. Những đoàn kiều bào từ nước ngoài, 1000 Mẹ Việt Nam Anh hùng và những Anh hùng, cá nhân tiêu biểu từ khắp nước, đoàn thuyền tượng trưng cho hành trình dời đô nghìn năm trước từ Ninh Bình… nườm nượp kéo về đất Kinh kỳ dự Đại lễ. Những đêm liên hoan nghệ thuật hướng về Thủ đô ở Nam bộ, Tây Nguyên, miền Trung diễn ra nối tiếp nhau. Bức tranh thêu từ Đà Lạt. Bức Chiếu dời đô trên đá quý từ TP Hồ Chí Minh. Trống đồng từ Thanh Hóa. Trống đại từ Hà Nam. Tượng đồng từ Nam Định. Rồng sứ từ Bát Tràng và rất nhiều hiện vật quý hiếm khác đã được đưa về làm đẹp thêm, ý nghĩa thêm lễ kỷ niệm. Đến hôm nay, Đại lễ đã không còn của riêng Hà Nội nữa, phạm vi lễ hội đã mở rộng ra cả nước và của cả nước, đó cũng là kết quả rực rỡ của một chủ trương hợp lòng dân, do dân, vì dân mà làm.

Những kết quả làm đẹp Thủ đô đó cần được phát huy hơn nữa trong cuộc sống. Đó là mong muốn của nhiều người trong dịp Đại lễ. Để đưa nếp sống trong ngày hội trở thành nếp sống hằng ngày không phải là đơn giản, nhưng với đà này, với thuận lợi rất lớn là sự đồng thuận, phấn khởi của toàn dân, nhất định ta sẽ làm được, nếu quyết tâm làm.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thuận lòng dân

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.