(HNM) - Chúng ta đã quen với cụm từ
Đến lượt hàng nông sản thực phẩm như đường ăn, rau quả đóng hộp, thịt đông lạnh nước ngoài tràn vào. Lại có tiếng nói đâu đó: hàng nông sản thật, nhưng đó là nông sản đã qua chế biến, ta thua vì công nghiệp chế biến còn chậm phát triển.
Thế thì yên tâm rồi, chỉ cần quản thật chặt hàng nhập lậu nữa là xong.
Nhưng cuộc sống không đơn giản vậy. Quy luật thị trường, nơi nào cần hàng thì hàng tìm đến. Hàng tốt, hàng rẻ luôn thắng hàng xấu, hàng đắt. Cuộc chiến chống buôn lậu gian nan vô cùng mà kết quả có hạn.
Không chỉ vậy, những ngày này, gạo tẻ, gạo nếp, thịt lợn, thịt gà, phủ tạng gia súc; rau, củ, quả tươi, dầu cải, muối ăn từ Trung Quốc, Thái Lan ào sang, bóp chết nông sản thô nông dân sản xuất ngay trên sân nhà. Đến đây thì không thể tự ru ngủ nữa rồi. Cần tìm ra nguyên nhân vì sao ta thua, vì sao người Việt Nam thích hàng ngoại hơn hàng nội, dù đấy là mớ rau, con cá bình dân?
Câu trả lời cũng không cần tìm lâu, vì hàng ta sản xuất vừa xấu, vừa đắt. Nhưng tại sao hàng của ta lại xấu hơn và đắt hơn ?
Nếu là hàng công nghiệp, câu trả lời có khó nhưng vẫn có: vì công nghệ ta kém, nguyên liệu phải đi mua, giá lao động ngày càng đắt. Nhưng hàng nông sản, nhất là nông sản chưa qua chế biến, vì sao lại xấu hơn và đắt hơn ?
Dồn nhau đến thế thì tìm câu trả lời thật khó, nói đúng hơn, rất khó trả lời vì nói ra dễ mất lòng nhau.
Nhưng cứ nêu một chuyện thế này: Muối ăn ế, hàng trăm nghìn tấn muối đang đọng trong kho. Chính phủ phải xuất ngân sách cho các doanh nghiệp vay không tính lãi để mua muối tạm tích trữ trong kho, tránh rớt giá, nông dân đỡ lỗ. Trong khi đó, muối Trung Quốc vẫn tràn vào ta, rẻ hơn và tốt hơn. Muối Trung Quốc trắng, ít tạp chất, dù phải chịu thuế, phải chịu phí vận chuyển một đoạn đường rất dài vẫn rẻ hơn muối Việt Nam. Rẻ và tốt hơn đến mức nhiều doanh nghiệp mua muối về để làm việc khác nhưng thấy muối Trung Quốc trắng và rẻ, bán ra có lãi, họ liền đóng gói để bán cho người ăn. Muối là thứ hàng Việt Nam hay Trung Quốc cũng sản xuất thủ công. Trình độ sản xuất, thời tiết ven biển hai nước cũng tương tự nhau, chi phí bao bì, kho chứa cũng sai khác không nhiều, nhưng họ rẻ còn ta thì đắt. Vì sao vậy?
Một thí dụ khác, thị trường rau, củ, quả nước ta hiện đang tràn ngập hàng ngoại. Có những loại quả ta không trồng được như lê, táo đã đành, nhiều loại như cam, quít, sầu riêng, cà chua, củ cải, bắp cải, hành lá… cũng được trồng từ Trung Quốc hoặc Thái Lan, người Việt mua rất đông cho dù cũng ngần ngại vì chất sinh trưởng, chất bảo quản gì đó. Xin đừng nghĩ rằng, người mua rau, củ, quả nhập ngoại không yêu nước vì không chịu mua hàng Việt. Hàng Việt mà chất lượng kém, giá đắt và dư lượng hóa chất độc hại không kém hàng ngoại thì cũng không thể bắt người tiêu dùng mua được!
Vậy hãy nhìn thẳng vào sự thật, sở dĩ có nhiều hàng lậu, có tình trạng thua trên sân nhà là bởi hàng hóa sản xuất trong nước sức cạnh tranh kém, chất lượng chưa tốt và không rẻ bằng hàng nước ngoài. Muốn chống hàng lậu, muốn "người Việt ưu tiên dùng hàng Việt" thì hàng hóa của ta phải đủ, tốt và rẻ. Còn làm cách nào để đạt được điều đó lại là câu chuyện dài dài.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.