Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thua thiệt vì nguồn nước

Ngọc Quỳnh| 15/12/2010 07:07

(HNM) - Trong những năm qua, ngoài diện tích các ao, hồ, đầm sử dụng cho nuôi trồng thủy sản (NTTS), Hà Nội đã chuyển hàng chục nghìn hécta đất trồng lúa kém hiệu quả sang NTTS mang lại lợi nhuận cao. Mặc dù NTTS lãi gấp 3-4 lần so với cấy lúa, tuy nhiên, khó khăn lớn đối với người NTTS ngoài cơ sở hạ tầng, nguồn vốn còn hạn chế, còn việc nguồn nước đã và đang bị ô nhiễm nghiêm trọng.


Theo Chi cục Thủy sản Hà Nội, hiện nay, những diện tích NTTS lớn của Hà Nội tập trung chủ yếu ở các huyện Phú Xuyên, Ứng Hòa, Mỹ Đức, Thanh Oai… đều lấy nước từ hệ thống sông Đáy và sông Nhuệ. Trong khi đó, theo thống kê của Bộ Tài nguyên và Môi trường, hệ thống sông Nhuệ - Đáy có 700 nguồn nước thải đổ vào với khối lượng 800.000m3/ngày. Ngoài ra, hầu hết các ao nuôi cá ngoại thành đều có mực nước thấp, phát sinh nhiều yếu tố gây ô nhiễm, nhiều chất thải, khí H2S, nước ao có mùi hôi nồng nặc… Hiện nay, người dân chủ yếu dọn ao sau mỗi mùa thu hoạch bằng cách hút bùn, rắc vôi… Trong quá trình nuôi thả, các hộ đã tận dụng cỏ, chất thải của gia súc, gia cầm… làm thức ăn. Do đó, mức độ ô nhiễm nguồn nước đang có xu hướng tăng lên.

Có mặt tại thôn Bái Đô, xã Tri Thủy (Phú Xuyên) vào mùa hanh khô, điều đầu tiên cảm nhận được là mùi hôi thối bốc lên từ các kênh, mương, ao, hồ nồng nặc. Theo lãnh đạo HTX Nông nghiệp Phú Thủy, toàn xã có hơn 70ha ruộng trũng đã được chuyển đổi sang mô hình NTTS đang đứng trước nguy cơ phá sản do nguồn nước bị ô nhiễm. Các hộ nông dân ở đây cho biết, do nguồn nước ô nhiễm đã làm thiệt hại 50kg cá/sào/năm. Do đó, ước tính 70ha NTTS ở xã mỗi năm thiệt hại 1,4 tỷ đồng. Các trang trại muốn lấy nước từ sông Nhuệ rất khó do nguồn nước cạn và ô nhiễm nghiêm trọng. Người nuôi phải bơm nước qua kênh, chờ bồi lắng 3-5 ngày mới dám đưa vào trang trại, do đó chi phí sản xuất tăng cao.

Huyện Ứng Hòa đã chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi được 2.150ha, hình thành hơn 100 trang trại, vườn trại NTTS, sản xuất đa canh lúa - cá - vịt. Nhiều mô hình phát huy hiệu quả tốt như dự án nuôi thủy sản bán công nghiệp tại các xã Phương Tú, Trung Tú… năng suất bình quân đạt 5-6 tấn/ha. Anh Ngô Hải Đăng, ở thôn Thanh Hội xã Trung Tú, một trong những hộ NTTS lớn ở đây cho biết: Nuôi thủy sản lãi gấp 3-4 lần so với trồng lúa, bởi công chi phí cho vật tư, nhân lực lao động… thường thấp hơn so với trồng lúa khoảng 30%, trong khi giá bán cao hơn nên cho hiệu quả kinh tế. Nhưng năm nào các vùng nuôi thủy sản cũng mất tới 5 tháng khó khăn về nguồn nước vừa thiếu, vừa ô nhiễm, nhất là dịp cuối năm và đầu năm, thời điểm giá thủy sản đang tăng cao nhưng lại không thể trữ hàng để bán vì nước cạn nên phải đánh bắt cá sớm hơn, nông dân không chủ động được thời điểm bán.

Theo ông Nguyễn Viết Để, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Hà Nội, để NTTS đạt hiệu quả cao cần phải hoạch định được "chiến lược" quy hoạch vùng nuôi tập trung, chuyên canh thủy sản, hệ thống thủy lợi để chủ động được nguồn nước. Xử lý nước thải và chất thải cần được giám sát tại nguồn. Nhà nước nên có chính sách hỗ trợ về cơ sở hạ tầng cho những khu vực này, đặc biệt là hệ thống thủy lợi, qua đó đẩy mạnh công tác xử lý nguồn nước đầu vào, hạn chế dịch bệnh, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm...

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Thua thiệt vì nguồn nước

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.