Hiện nay, Dự án di dời các hộ dân sinh sống trên di tích Thượng Thành, thuộc Kinh thành Huế (Thừa Thiên - Huế) đã cơ bản hoàn thiện và đang dần trả lại diện mạo kiến trúc của kinh thành xưa. Tuy nhiên, điều này đang đặt ra vấn đề cần khẩn trương sưu tầm những hiện vật ở khu vực di tích Thượng Thành để tránh bị thất lạc.
Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa, cần tiếp tục sưu tầm những hiện vật còn có khả năng tồn tại trên khu vực Thượng Thành sau khi di dời nhà của người dân. Toàn bộ hệ thống kinh thành Huế có 24 pháo đài, mỗi pháo đài đều có 1 tấm bia đá ghi tên từng pháo đài.
Tuy nhiên, qua thời gian, có những tấm bia bị bong tróc, có khoảng 8 tấm bia loại này đã được đưa vào Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế, cần tiếp tục khảo sát để có biện pháp bảo vệ. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cần thám sát một số khu vực trên Thượng Thành để phục vụ công tác nghiên cứu sâu về hệ thống kinh thành Huế.
Mới đây, trong quá trình hạ giải nhà dân ở khu vực di tích Thượng Thành đã xuất lộ hai cửa trái và phải của Đông Thành Thủy Quan, thuộc Thượng Thành. Theo Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế, qua tài liệu lịch sử cho thấy, đây là 2 cửa đặt đại bác bên trái và bên phải của Đông Thành Thủy Quan, đã được Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế khảo sát hiện trạng cách đây vài năm.
Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế đang tiếp tục khảo sát lại hệ thống Thượng Thành để hệ thống hóa các tên pháo đài và kho đạn, các cống thoát nước ở khu vực này. Bên cạnh đó, đơn vị cũng đã cắm biển lưu ý tại nhiều vị trí cần sự thận trọng trong quá trình thu dọn, hạ giải nhà cửa của người dân đã di dời.
Ngoài ra, Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế cũng đang nghiên cứu, tập hợp tư liệu và xây dựng hồ sơ để phục hồi Thượng Thành và hệ thống phòng thủ 24 pháo đài, các kho đạn, hệ thống thoát nước rất độc đáo trên Thượng Thành; tiến hành khảo sát xây dựng sản phẩm du lịch bền vững trên nền tảng hệ thống Ngự Hà và di sản Kinh thành Huế.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.