Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thừa năng lượng tái tạo ảnh hưởng lớn đến điều hành hệ thống điện

Thanh Hải| 04/05/2021 20:52

(HNMO) - Đó là điều được ông Nguyễn Đức Ninh, Giám đốc Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) nhấn mạnh trong cuộc đối thoại giữa lãnh đạo EVN và các chuyên gia về tình hình vận hành hệ thống điện quốc gia, được tổ chức chiều 4-5, tại Hà Nội.

Hiện nay, tỷ trọng điện năng lượng tái tạo (điện mặt trời, điện gió...) ngày càng lớn đang gây ra nhiều bất cập trong việc vận hành hệ thống điện.

Quang cảnh cuộc đối thoại.

Theo thống kê của Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia, hiện tỷ trọng năng lượng tái tạo đóng góp lên tới 60% phụ tải đỉnh vào khung giờ trưa và được ưu tiên huy động tối đa. Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia gần như phải dừng mua nguồn từ các thủy điện vào khoảng thời gian trưa. Các thủy điện ở miền Trung và miền Nam, với gần 8.000MW, cũng phải dừng hoạt động để ưu tiên mua điện năng lượng tái tạo.

Từ năm 2019 đến hết năm 2020 có sự bùng nổ năng lượng tái tạo từ điện mặt trời, điện gió kéo theo nhiều bất cập trong vận hành hệ thống điện. Đơn cử như tỉnh Ninh Thuận, địa phương có tỷ lệ năng lượng tái tạo lớn nhất nước với hàng nghìn MW nhưng nhu cầu sử dụng ở địa phương lại rất thấp và bắt buộc phải truyền lên đường dây 500kV để chuyển sang các địa phương khác.

Tính đến tháng 4-2021, trong tổng công suất nguồn điện, Việt Nam có 7.700MW điện mặt trời áp mái, nguồn điện từ điện mặt trời trang trại khoảng 9.200MW. Công suất các dự án điện gió hiện mới có 612MW, nhưng dự kiến từ nay đến cuối năm tăng nhanh do số dự án chuẩn bị đi vào hoạt động có nhiều dự án công suất lớn. Dự kiến, sẽ có 4.500-5.400MW từ dự án điện gió trong tháng 9 và 10-2021.

Thông tin từ Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia cho thấy, hiện tượng thừa nguồn năng lượng tái tạo đang ảnh hưởng lớn đến việc điều hành hệ thống điện, như gây quá tải đường dây nội miền; phụ tải chênh lệch giữa giờ cao điểm và giờ thấp điểm lớn... Trong khi đó, Trung tâm vẫn phải cân đối để bảo đảm vận hành thị trường điện hoạt động bình thường...

GS.TS Trần Đình Long, Phó Chủ tịch Hội Điện lực Việt Nam cho rằng, việc các dự án năng lượng tái tạo bùng nổ đang kéo theo những khó khăn về quản lý nhà nước. Bất cập hiện nay là khi phê duyệt các dự án năng lượng mặt trời, UBND các tỉnh không tham khảo ý kiến của bên bán điện về những khó khăn trong việc vận hành, đấu nối. Điều này dẫn đến quá trình thiếu kiểm soát trong phát triển các dự án năng lượng tái tạo thời gian qua.

Đồng quan điểm này, ông Hà Đăng Sơn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu năng lượng và tăng trưởng xanh cho rằng, việc bùng nổ các dự án điện mặt trời, điện gió trong thời gian vừa qua chủ yếu xuất phát từ việc các địa phương phê duyệt quá nhiều dự án.

Thông tin cụ thể hơn về vấn đề này, ông Nguyễn Minh Khoa, Trưởng ban Pháp chế EVN cho biết, các nhà đầu tư dự án điện mặt trời, điện gió, theo quy định của Luật Đầu tư, sẽ do UBND cấp tỉnh cấp dự án. Khi địa phương cấp phép dự án, EVN không được phép từ chối mua điện mà chỉ được tham gia phần đàm phán về giá.

Hiện tại, Tập đoàn đã nỗ lực để điều hành với tổng chi phí sản xuất toàn hệ thống thấp nhất. Vấn đề tiết giảm năng lượng tái tạo cũng như các nguồn khác là tình trạng khách quan không mong muốn. Nguyên nhân chính là nhu cầu sử dụng điện tăng thấp, do chưa đồng bộ đầu tư các công trình lưới, kinh tế chững lại và ảnh hưởng sâu rộng do dịch Covid-19. Thời gian tới, Tập đoàn tiếp tục rà soát, cập nhật, hiệu chỉnh các quy trình để phù hợp với điều kiện vận hành hệ thống điện.

Ông Ngô Sơn Hải, Phó Tổng Giám đốc EVN cũng nhấn mạnh, việc tiết giảm nguồn năng lượng tái tạo, Tập đoàn đã báo cáo Bộ Công Thương. Theo hướng dẫn của Bộ, các nguồn năng lượng tái tạo khi quá tải đường dây thì phải ưu tiên huy động nhiều nhất. Sau khi huy động vẫn còn thừa thì sẽ cắt giảm đồng đều như nhau, cả với dự án năng lượng mặt trời và điện gió.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Thừa năng lượng tái tạo ảnh hưởng lớn đến điều hành hệ thống điện

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.