Chiều 3-6, tiếp tục chương trình phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5-2021, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, các đại biểu đã nghe, thảo luận về Đề án thực hiện xây dựng đường bộ cao tốc giai đoạn 2021-2025 và định hướng đến năm 2030, nhằm thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã đề ra.
Tại phiên họp, các đại biểu đã thảo luận nhiều vấn đề liên quan Đề án, như: Đổi mới mạnh mẽ tư duy quản lý, phát huy tính chủ động, năng động, sáng tạo của các địa phương trong đầu tư, xây dựng, bảo trì và khai thác các tuyến cao tốc; đẩy mạnh phân cấp cho các địa phương trong giải phóng mặt bằng; thực hiện phương châm “đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư”, lấy vốn Nhà nước làm “vốn mồi” để huy động tối đa các nguồn lực, từ các thành phần kinh tế khác đầu tư vào cao tốc; việc đầu tư cao tốc phải có trọng tâm, trọng điểm; kết hợp hợp lý, hài hòa để vừa phát triển các vùng động lực, cực tăng trưởng, vừa ưu tiên các vùng khó khăn; ưu tiên bố trí vốn cho các dự án vùng Đồng bằng sông Cửu Long, kết nối Tây Nguyên với Nam Trung Bộ, các dự án vành đai vùng Thủ đô Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh; phấn đấu giảm thời gian triển khai dự án để sớm đưa công trình vào khai thác, phát huy hiệu quả...
Kết luận về nội dung này, Thủ tướng đánh giá cao và cơ bản tán thành với nội dung do Bộ Giao thông Vận tải soạn thảo, cũng như các ý kiến đóng góp của các bộ, ngành, địa phương tại phiên họp.
Thủ tướng nhận định, việc phát triển hệ thống đường bộ cao tốc, với 4.000km trong 10 năm tới là một vấn đề hết sức khó khăn, do đó, cần huy động cả hệ thống chính trị và toàn dân vào cuộc; với tinh thần lấy khó khăn làm động lực để phấn đấu phát triển, đi lên.
Theo Thủ tướng, nếu chúng ta thực hiện được mục tiêu này, cũng chính là thực hiện 3 đột phá chiến lược về thể chế, hạ tầng, nguồn nhân lực. Đặc biệt, qua đó tiếp tục khẳng định, củng cố, tăng cường niềm tin của nhân dân đối với Đảng.
Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu, việc xây dựng đường bộ cao tốc phải dựa trên nguyên tắc: Đảm bảo hài hòa, hợp lý, hiệu quả giữa vùng động lực với vùng khó khăn bị ảnh hưởng; hài hòa lợi ích giữa nhà đầu tư, người dân, Nhà nước; hài hòa giữa phát triển kinh tế với an ninh, quốc phòng, đối ngoại và an sinh xã hội; quy hoạch làm đường phải thẳng nhất có thể để tránh phải giải phóng mặt bằng lớn, giảm đầu tư và khai thác quỹ đất mới; quy hoạch đường bộ cao tốc gắn với không gian phát triển kinh tế - xã hội và khai thác hiệu quả quỹ đất được tạo ra; đánh giá tác động mọi mặt về kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng, văn hóa...
Để thực hiện được mục tiêu, theo Thủ tướng, đề án cần xây dựng với 3 đột phá lớn: Về huy động nguồn lực; phân cấp quản lý, khai thác; vấn đề liên quan mặt bằng và nguyên liệu phục vụ xây dựng cao tốc.
Thủ tướng giao Bộ Giao thông Vận tải tiếp thu các ý kiến, phối hợp với các bộ, ngành, đơn vị, địa phương liên quan hoàn thiện Đề án để Chính phủ trình, xin ý kiến Bộ Chính trị và Quốc hội.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.