Chiều 26/1, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cùng đoàn công tác của Chính phủ làm việc với lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa về tình hình kinh tế-xã hội.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Trịnh Văn Chiến, năm 2012, cùng với khó khăn chung của cả nước, Thanh Hoá còn gặp những khó khăn riêng do rét đậm, rét hại, lũ lụt và dịch bệnh ở gia súc, gia cầm, ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống nhân dân. Tuy nhiên, tình hình kinh tế - xã hội của Thanh Hóa vẫn giữ được ổn định và phát triển. Trong 16 chỉ tiêu chủ yếu, có 10 chỉ tiêu hoàn thành và hoàn thành vượt mức kế hoạch.
Chương trình xây dựng nông thôn mới được quan tâm chỉ đạo, đã có 3 xã là Thiệu Trung (huyện Thiệu Hóa), Quý Lộc (huyện Yên Định) và Minh Dân (huyện Triệu Sơn) hoàn thành 19 tiêu chí nông thôn mới.
Công tác giải quyết việc làm, xoá đói, giảm nghèo, chăm sóc sức khỏe nhân dân, bảo đảm an sinh xã hội tiếp tục được quan tâm chỉ đạo. Trong năm đã đào tạo nghề cho 62.200 người, tạo việc làm mới cho 59.000 lao động. Các hộ thiếu đói trong kỳ giáp hạt, do ảnh hưởng của thiên tai được cứu trợ kịp thời; đời sống nhân dân tương đối ổn định, tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 20,37% năm 2011 xuống còn 17,3% vào cuối năm 2012.
Mục tiêu chung về phát triển kinh tế-xã hội của địa phương năm 2013 được Thanh Hóa xác định là: Tiếp tục cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, huy động tối đa và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực cho đầu tư phát triển; tập trung tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh phát triển sản xuất kinh doanh, nhất là những ngành hàng tỉnh có tiềm năng, lợi thế; nâng cao chất lượng các hoạt động văn hóa - xã hội; giải quyết có hiệu quả các vấn đề xã hội bức xúc; bảo vệ môi trường, quản lý và sử dụng có hiệu quả tài nguyên thiên nhiên; đảm bảo vững chắc quốc phòng - an ninh;...
Các chỉ tiêu cụ thể được xác định là: đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế từ 11% trở lên; GDP bình quân đầu người đạt 1.180 USD/năm; giải quyết việc làm cho 60.000 lao động (xuất khẩu 10.000 lao động); tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 3% trở lên...
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá cao những cố gắng vượt qua khó khăn và đạt nhiều thành tích quan trọng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thanh Hóa trong năm 2012.
Thủ tướng nhấn mạnh, trong điều kiện khó khăn chung của cả nước, Thanh Hóa đã nỗ lực phấn đấu, đạt kết quả phát triển khá toàn diện trong xây dựng và phát triển kinh tế-xã hội của địa phương. Tuy nhiên, tỉnh cũng phải thấy rõ những khó khăn, tồn tại, hạn chế cần khắc phục, trong đó nổi lên là tỷ lệ hộ nghèo còn cao, hạ tầng kém phát triển, chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra…
Nhấn mạnh dự báo tình hình kinh tế thế giới và trong nước năm 2013 bên cạnh những thuận lợi là cơ bản sẽ còn nhiều khó khăn, thách thức, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị Thanh Hóa cần phát huy tốt hơn các tiềm năng, lợi thế của địa phương để phục vụ cho các mục tiêu xây dựng và phát triển, nhất là lợi thế về sản xuất nông, lâm nghiệp; giao thông đường bộ, đường biển, đường hàng không; nguồn nhân lực dồi dào; các lợi thế cho phát triển công nghiệp;...
Trước hết Thanh Hóa cần quan tâm hơn nữa đến hoạt động thu hút và đổi mới phương thức thu hút đầu tư để chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển kinh tế theo hướng nhanh và bền vững.
Cùng với đó, tỉnh cần tập trung tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi phát triển sản xuất kinh doanh gắn với hỗ trợ thị trường, giải quyết nợ xấu.
Một nhiệm vụ hết sức quan trọng của tỉnh là đẩy mạnh phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp và chăn nuôi gắn với Chương trình xây dựng nông thôn mới và công tác giảm nghèo; khuyến khích phát triển mô hình cánh đồng mẫu lớn tạo điều kiện ứng dụng khoa học kỹ thuật, cơ giới hoá trong sản xuất, phát triển chăn nuôi trang trại; có chính sách phát triển kinh tế hộ, ưu tiên hỗ trợ vốn, giống cây trồng, vật nuôi cho các hộ dân.
Tết Nguyên đán đang đến gần, Thanh Hóa phải thực hiện hiệu quả các giải kiểm soát thị trường hàng hóa, giá cả, tránh tình trạng đầu cơ, găm giá; thực hiện tốt công tác chăm lo Tết cho đồng bào, các đối tượng chính sách.
Chiều cùng ngày, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã đến thăm Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) - Chi nhánh Thanh Hóa. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, trong bối cảnh doanh nghiệp đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, BIDV cần triển khai một cách tích cực, chủ động, có hiệu quả các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, chú trọng rà soát khách hàng, cơ cấu lại nợ, đưa tín dụng vào thúc đẩy sản xuất, kinh doanh và tạo việc làm... Cùng với đó, trong khuôn khổ tài chính cho phép, BIDV cần tiếp tục làm tốt hơn nữa công tác hỗ trợ giảm nghèo, phát triển cơ sở hạ tầng vùng sâu, vùng xa…
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.