Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thủ tướng sẽ giao ban trực tuyến đôn đốc đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công

Theo Chí Kiên/Chinhphu.vn| 01/04/2021 17:44

Thủ tướng Chính phủ đồng ý với đề xuất của Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức Hội nghị giao ban trực tuyến của Thủ tướng Chính phủ với các bộ, cơ quan, địa phương quý I-2021 đôn đốc đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2021.

Ảnh minh họa.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, chuẩn bị kỹ Báo cáo tổng hợp đánh giá tình hình triển khai kế hoạch đầu tư công những tháng đầu năm 2021; đề xuất giải pháp đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2021.

Các bộ, cơ quan trung ương và địa phương chuẩn bị các nội dung phục vụ cuộc họp theo đúng ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại văn bản số 1141/VPCP-KTTH ngày 22-2-2021.

Hiện nay, giải ngân vốn đầu tư công nguồn vốn vay nước ngoài tại các bộ, ngành và địa phương còn chậm, có tới 26 nghìn tỷ đồng không thực hiện được, phải hủy dự toán.

Việc giải ngân nguồn vốn này tại các bộ, ngành và địa phương gặp khó khăn do cả nguyên nhân khách quan cũng như chủ quan.

Về khách quan, các dự án sử dụng vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài chịu tác động của đại dịch Covid-19 nặng nề hơn so với các dự án vay vốn trong nước, do hầu hết các hoạt động sử dụng vốn vay ODA và vay ưu đãi đều gắn với yếu tố nước ngoài từ khâu nhập máy móc, thiết bị cho đến huy động chuyên gia, nhân công, nhà thầu nước ngoài, tư vấn giám sát, dẫn đến nhiều dự án không có khối lượng xây dựng cơ bản hoàn thành nên không có hồ sơ thanh toán, không thể giải ngân.

Về chủ quan, trách nhiệm người sử dụng vốn chưa được đề cao, chất lượng chuẩn bị dự án chưa đạt yêu cầu, phải liên tục điều chỉnh.

Năng lực triển khai còn yếu kém, chậm trễ trong công tác đấu thầu, ký hợp đồng, giải quyết tranh chấp giữa chủ đầu tư và nhà thầu… Bên cạnh đó, còn có các nguyên nhân do vướng mắc thực thi quy định pháp luật, như chậm giải phóng mặt bằng, vướng mắc trong tái định cư; vướng mắc trong triển khai các quy định mới liên quan tới quản lý định mức đầu tư…

Việc giải ngân chậm vốn vay nước ngoài sẽ dẫn đến tình trạng rút ngắn thời gian giải ngân và các dự án sẽ phải vừa rút vốn vừa trả nợ hoặc kéo theo tình trạng hủy vốn với nhà tài trợ. Điều này làm ảnh hưởng đến chất lượng thực hiện dự án, hiệu quả sử dụng vốn vay trong bối cảnh nguồn vốn vay ODA, ưu đãi nước ngoài đang thu hẹp lại.

Để tháo gỡ cho kế hoạch của năm 2021 và giai đoạn 2021-2025, Bộ Tài chính kiến nghị các bộ, ngành, địa phương tiếp tục nâng cao trách nhiệm của đối tượng sử dụng vốn trong các khâu, từ chuẩn bị dự án đầu tư, đến triển khai dự án và thanh quyết toán vốn vay, vốn đầu tư cho dự án, để tránh việc điều chỉnh dự án và phát sinh các vướng mắc trong quá trình giải ngân và có khối lượng để giải ngân.

Về kiểm soát chi, ghi thu, ghi chi, các bộ, ngành, địa phương cần khẩn trương hoàn thành thủ tục đề nghị giải ngân hoặc hoàn chứng từ đối với khối lượng đã hoàn thành được Kho bạc Nhà nước kiểm soát chi. Chủ dự án phối hợp với cơ quan cho vay lại, hoàn thiện hồ sơ thẩm định phương án tài chính đối với các dự án cho vay lại, thẩm định tài sản đảm bảo, để đẩy nhanh việc ký kết hợp đồng cho vay lại. Đối với các dự án giải ngân theo kết quả đầu ra, các địa phương cần phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chủ quản chương trình, dự án ODA, tiến hành kiểm đếm kịp thời cho từng dự án, từng địa phương đã có khối lượng hoàn thành để làm thủ tục rút vốn, không chờ toàn bộ địa phương hoàn thành mới tiến hành kiểm đếm.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Thủ tướng sẽ giao ban trực tuyến đôn đốc đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.