Nghe tiến sĩ Hải nói về chiếc kính dẫn đường, Thủ tướng hỏi cặn kẽ và quyết định tài trợ cho dự án sản xuất kính tặng toàn bộ người mù Việt Nam sau cuộc đối thoại dài 3 phút.
Màn đối thoại xoay quanh chiếc kính dẫn đường cho người mù (Mắt thần) giữa TS Nguyễn Bá Hải, giảng viên Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP HCM và Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng "nóng" nhất cuộc gặp mặt các nhà khoa học trẻ do Bộ Khoa học tổ chức hôm 11/9. Anh Hải thu hút sự chú ý của toàn hội trường khi trình bày ý tưởng về các sản phẩm tự tay sáng chế ra: kính dẫn đường cho người mù, máy pha cà phê sạch JAVI, robot có thể dạy tiếng Anh...
Tiến sĩ Nguyễn Bá Hải. Ảnh: Giang Huy. |
Khi nghe anh nói đến chiếc kính dẫn đường, Thủ tướng rất hứng thú và đề nghị tiến sĩ trẻ nói rõ hơn. Anh Hải cho biết, có ý định chế tạo sản phẩm này từ hồi còn là sinh viên. Nhưng đến năm 2010 sau khi đi du học về, anh mới bắt tay vào thực hiện. Mắt thần có hình dạng như chiếc kính thông thường nhưng được lập trình sẵn, nhận diện được vật cản, trái, phải, trên, dưới rồi báo rung cho người dùng biết để chọn hướng đi an toàn. Kính có chất lượng không thua kém nước ngoài, giá thành lại rẻ gấp hàng chục lần nên nhiều người dùng, trong đó có cả đơn hàng từ nước ngoài.
Qua 9 lần cải tiến, từ sản phẩm đầu tiên nặng 2 kg có hình dáng giống một chiếc mũ đội đầu với chi phí khoảng 20 triệu đồng, hiện chiếc kính còn 0,2 kg với giá thành 2 triệu. Phiên bản ở trong phòng thí nghiệm còn có thể gọi điện thoại, nghe nhạc. Tiến sĩ Hải dự định cải tiến tiếp để đầu năm sau, phiên bản Mắt thần 4 gọn nhẹ hơn, nghe được nhạc và có thêm nhiều chương trình giải trí dành cho người mù.
Hiện nay, Việt Nam có khoảng 1,2 triệu người khiếm thị ở nhiều mức độ khác nhau, trong đó có khoảng 300.000 người bị mù hoàn toàn. Tiến sĩ Hải từng từ chối việc thương mại hóa Mắt thần với mong muốn chuyển nó đến tận tay người mù với giá thành rẻ nhất, khoảng 2 triệu đồng/chiếc. Anh cho biết, sáng chế đã được đứng tên, công nhận và cấp bằng nhưng nếu nhà nước cần thì anh sẵn sàng tặng lại.
Anh có kế hoạch tặng một số kính cho các nhóm đối tượng yếu thế như thương binh, giáo viên, trẻ em, người bán vé số bị mù ở các địa phương như Hà Giang, Phú Yên, Sóc Trăng... Khi gặp người dân làng mù ở Sóc Trăng bóc hành tím, anh đề xuất làm máy bóc hành thì người dân phản đối, sợ có máy thì hết việc, hỏi anh có nuôi nổi họ không. Vậy là tiến sĩ trẻ không sáng chế máy nữa mà tặng cho họ những chiếc kính dẫn đường.
Trước phần trình bày thuyết phục của anh Hải, người đứng đầu Chính phủ chăm chú lắng nghe và đặt câu hỏi: "Để sản xuất đủ số kính cho 300.000 người bị mù thì cần kinh phí bao nhiêu và trong thời gian bao lâu ?". Nhà khoa học trẻ đáp rằng mở rộng quy mô có thể giảm giá thành xuống còn 1,3 – 1,5 triệu đồng, nhưng tổng chi phí vẫn lên đến cả triệu đôla. Tiến sĩ Hải kiến nghị với Thủ tướng trước mắt sản xuất cho khoảng 1/3 số người mù có hoàn cảnh khó khăn trên cả nước.
Ngay lập tức, người đứng đầu Chính phủ giao Bộ Khoa học, Trung ương Đoàn trực tiếp gặp tiến sĩ Hải bàn bạc thêm, bắt tay ngay vào thực hiện dự án này trong vòng 1 năm để cho người mù Việt Nam được dùng sản phẩm của người Việt Nam. "Cứ yên tâm làm. Mọi kinh phí Chính phủ sẽ hỗ trợ hết", Thủ tướng dặn dò nhà khoa học trẻ.
"Tôi thực sự bất ngờ vì việc ra quyết định nhanh chóng và quyết liệt của Thủ tướng về một vấn đề cụ thể của khoa học công nghệ. Tôi vui khi nghĩ đến người khiếm thị Việt Nam và trên thế giới sẽ được hưởng lợi từ các thế hệ Mắt thần mới trong tương lai", tiến sĩ Nguyễn Bá Hải chia sẻ với VnExpress sau cuộc gặp gỡ. Anh cho rằng, quyết định này của Thủ tướng sẽ thổi một luồng sinh khí mới và tạo niềm tin cho những người trẻ làm khoa học.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng lắng nghe nhà khoa học trẻ trình bày và ra quyết định rất nhanh về việc tài trợ sản xuất miễn phí toàn bộ kính cho người mù Việt Nam. Ảnh: Giang Huy. |
Để đạt được thành công, tiến sĩ Hải từng trải nhiều gian nan. Năm 2011, anh từ chối nhiều lời mời ở lại Hàn Quốc làm việc và trở về nước sau khi hoàn thành chương trình học tiến sĩ. Thời gian đầu, anh nghĩ mình "tiêu" rồi bởi tiến sĩ gì mà nghèo quá, thấy bạn bè kiếm nhiều tiền mà sốt ruột. Nhưng đam mê sáng tạo ngấm vào trong máu, anh từng phải bán xe, đi ở trọ để lấy tiền làm khoa học. Anh tìm sự trợ giúp từ các doanh nghiệp, cộng đồng cho những sản phẩm mang tính ứng dụng cao, không chờ vào nguồn vốn của nhà nước.
Cách đây vài tháng, khi thử nghiệm chuỗi cà phê sạch JAVI, nhóm nghiên cứu của tiến sĩ trẻ bị lỗ hơn 70 triệu đồng mỗi tháng nhưng không nản. Giờ thì chuỗi nhà hàng dần đi vào ổn định, hòa vốn và bắt đầu thu lời. Anh cũng phấn đấu năm nay bán 10 con robot với giá thành khoảng 40 triệu/con.
Theo tiến sĩ Hải, khoa học công nghệ là chìa khóa vàng mở tương lai nếu biết sắp đặt, gói ghém. Người làm nghiên cứu khoa học chia làm ba nhóm: Những người ít đòi hỏi, không ai khuyến khích, khen thưởng nhưng vẫn quyết làm, thất bại vẫn vui nằm trong nhóm một; Tiếp đến là những người cần phải khen tặng, động viên khi làm việc và nhóm ba phải có tiền mới bắt tay vào làm. Anh khuyến nghị Chính phủ, Bộ khoa học nếu đầu tư thì hãy chọn nhóm thứ nhất, bởi họ là những người thiếu kinh phí nhưng dễ nghiên cứu thành công và dành trọn đam mê cho khoa học.
"Khó khăn thì liên tục như bầu trời nhưng tia sáng thì luôn có, chỉ cần những vì sao là các nhà khoa học trẻ tìm đúng đường đi. Làm khoa học phải lấy hiệu quả làm đầu để xã hội còn tin. Kinh phí Nhà nước như bầu sữa mẹ, bú hoài rồi cũng hết. Mỗi người cần tranh thủ mọi thời cơ vàng để phát triển. Cái gì không hợp thời thì không nên bám víu", anh nói.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.