Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Thành phố Hồ Chí Minh cần đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công

Nguyễn Lê| 20/07/2020 16:29

(HNMO) - Tính đến ngày 15-7, thành phố Hồ Chí Minh đã giải ngân được 18.836 tỷ đồng vốn đầu tư công, đạt hơn 45% kế hoạch vốn đã giao trong năm 2020. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo thành phố cần thúc đẩy giải ngân mạnh hơn nữa mới đạt mục tiêu đề ra.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo thành phố cần thúc đẩy giải ngân mạnh hơn nữa mới đạt mục tiêu đề ra. Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Chiều 20-7, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã làm việc với lãnh đạo thành phố Hồ Chí Minh về thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho sản xuất, kinh doanh và thực hiện các dự án đầu tư.

Tham dự buổi làm việc có các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị: Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, Bí thư Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân; các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng, Phó Bí thư Thành ủy - Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong; cùng lãnh đạo các bộ, ngành trung ương.

Phát biểu mở đầu buổi làm việc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, 6 tháng đầu năm, thành phố Hồ Chí Minh chỉ tăng trưởng 1,02% do ngành dịch vụ (chiếm 60% GDP của thành phố) bị ảnh hưởng nặng nề. Mức tăng trưởng thấp này đã ảnh hưởng đến cả nước.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: “Tại cuộc làm việc, lãnh đạo Chính phủ, các bộ, ngành sẽ cùng thành phố tháo gỡ cho các dự án bị ách tắc, chậm, trì trệ, chưa giải quyết được với tinh thần trách nhiệm cao nhất, không để thất thoát tài sản Nhà nước, không để xảy ra tham ô, tham nhũng và mở rộng cơ chế, tạo thuận lợi cho thành phố Hồ Chí Minh phát triển”.

Theo Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, việc tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, đặc biệt là đầu tư công nhằm đưa thành phố vượt lên, đạt mức tăng trưởng cao hơn trong 6 tháng cuối năm. Trong đó, lãnh đạo Chính phủ, các bộ, ngành sẽ cùng thành phố xử lý các vấn đề đặt ra đối với đầu tư nhà nước và đầu tư tư nhân, kể cả đầu tư ODA.

Báo cáo tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong cho biết, năm 2020, thành phố đã giao và phân bổ chi tiết kế hoạch vốn đầu tư công với tổng số vốn là hơn 41.691 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách thành phố hơn 33.940 tỷ đồng, vốn ngân sách trung ương hơn 7.751 tỷ đồng.

Tính đến ngày 15-7, khối lượng giải ngân đạt 18.836 tỷ đồng, đạt hơn 45% kế hoạch vốn đã giao, cao hơn về giá trị tuyệt đối lẫn tỷ lệ giải ngân so với cùng kỳ (tính đến hết tháng 7-2019, giải ngân đạt 7.717 tỷ đồng, đạt 23% kế hoạch vốn giao là 33.771 tỷ đồng). Nếu tính theo khối lượng hoàn thành đang thực hiện các thủ tục thanh quyết toán (1.470 tỷ đồng) thì tỷ lệ giải ngân đạt 48,7% kế hoạch vốn đã giao.

Về dự án xây dựng tuyến đường sắt đô thị (metro) số 1 (Bến Thành - Suối Tiên), liên quan đến việc xác định vốn vay ODA cấp phát từ ngân sách trung ương, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Thành Phong cho biết, năm 2020, dự án đã được bố trí kế hoạch vốn là 2.185 tỷ đồng trong tổng số kế hoạch vốn ODA cấp phát từ ngân sách trung ương đã giao cho các dự án ODA của thành phố Hồ Chí Minh là 5.044,991 tỷ đồng (chiếm tỷ lệ 43,3%).

Khi được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận cấp phát hết số vốn ODA còn lại của dự án tuyến metro số 1 bằng tiền yên (được tạm quy đổi theo tiền đồng), sẽ đẩy nhanh được tiến độ triển khai thực hiện dự án và tăng tỷ lệ giải ngân vốn ODA của thành phố nói riêng và cả nước nói chung trong năm 2020.

Về dự án xây dựng tuyến metro số 2 (Bến Thành - Tham Lương) đang giải phóng mặt bằng, dự kiến thành phố Hồ Chí Minh sẽ thực hiện giải ngân được hơn 3.000 tỷ đồng. Tỷ lệ này sẽ góp phần làm tăng tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công của thành phố.

Về các dự án đầu tư đang thực hiện theo phương thức đối tác công tư (PPP), Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong cho biết, thành phố đang vướng về thủ tục thanh toán dự án BT tại thời điểm quyết toán đối với các dự án có chênh lệch giữa giá trị các quỹ đất thanh toán và giá trị dự án BT.

Về vấn đề này, UBND thành phố Hồ Chí Minh kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành nghiên cứu hướng dẫn cụ thể trình tự thủ tục thanh toán phần chênh lệch cho nhà đầu tư bằng tiền hoặc bằng quỹ đất tại thời điểm quyết toán dự án BT.

Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân khẳng định cam kết thành phố sẽ hoàn thành 100% nhiệm vụ giải ngân đầu tư công trong năm nay. UBND Thành phố sẽ tổ chức giao ban 2 tuần một lần về giải ngân đầu tư công, hàng tháng đi giám sát thực địa.

Kết luận cuộc làm việc, cơ bản nhất trí với các kiến nghị của thành phố Hồ Chí Minh, Thủ tướng nêu rõ tinh thần Trung ương ủng hộ thành phố Hồ Chí Minh phát triển xứng tầm. Thủ tướng hoan nghênh quyết tâm của thành phố trong việc hoàn thành giải ngân 100% vốn đầu tư công đã đề ra cho năm nay. Thành phố triển khai quyết liệt với việc giao ban, kiểm tra, khen thưởng, kịp thời điều chuyển vốn. Đây là những biện pháp đáng hoan nghênh, là tấm gương tốt cho các địa phương.

Chỉ còn khoảng 25 tuần nữa là kết thúc năm 2020, Thủ tướng cho rằng, còn nhiều vấn đề lo lắng, còn chậm, nhất là một số công trình giao thông, nhiều dự án tư nhân đầu tư ở thành phố chậm, đặc biệt là các dự án bất động sản, phát triển đô thị… Vấn đề này cần nhận diện rõ để thúc đẩy mạnh mẽ.

Do vị trí, vị thế, vai trò của thành phố  đối với cả nước, thành phố Hồ Chí Minh không được chậm trễ, đặc biệt các cấp, các ngành của thành phố, các quận không được trì trệ, cần chỉ đạo quyết liệt, các sở, ngành, quận, huyện phải nâng cao tính năng động, sáng tạo, bám công việc, tập trung sức lực, huy động hệ thống chính trị vào cuộc để đạt kết quả cụ thể trong những vấn đề khó khăn như giải phóng mặt bằng.

Để thúc đẩy thành phố Hồ Chí Minh có mức tăng trưởng tốt hơn trong 6 tháng cuối năm, Thủ tướng lưu ý một số vấn đề.

Trước hết, quan trọng nhất là kích cầu tiêu dùng bởi thành phố Hồ Chí Minh là trung tâm tiêu dùng của cả nước, kích cầu tiêu dùng của thành phố sẽ giúp kích cầu cho cả nước, lan tỏa cả nước.

Thứ hai, thành phố phải hướng mạnh mẽ vào lĩnh vực dịch vụ, nhất là dịch vụ bất động sản, dịch vụ tài chính ngân hàng, dịch vụ chứng khoán, dịch vụ du lịch khi dịch vụ chiếm trên 60% GDP địa phương. Tăng cường tổ chức kinh tế ban đêm, bảo đảm an ninh trật tự cho kinh tế ban đêm. Thủ tướng hoan nghênh phát triển kinh tế số, thương mại điện tử.

Bên cạnh đó, thúc đẩy đầu tư công và đầu tư tư nhân là một kênh tăng trưởng rất lớn.

Điều quan trọng cần phải tập trung là chỉ đạo điều hành quyết liệt tháo gỡ cho những điểm khó. Từ thực tiễn của thành phố, cần nghiên cứu để kiến nghị Chính phủ giải quyết những vướng mắc pháp lý, xử lý kịp thời hơn, nhưng trước hết phải phát huy tinh thần năng động, sáng tạo, tự chủ, tự chịu trách nhiệm để giải quyết vấn đề vướng mắc một cách công khai, minh bạch, vì lợi ích chung. 

Thủ tướng cho rằng, dù khó khăn đến đâu nhưng nếu có sự đồng thuận của cả hệ thống chính trị, tập trung nguồn lực, kiên trì đeo bám, kịp thời xử lý những bất cập phát sinh, sáng tạo giải pháp thì đều đạt được thành công.

Thủ tướng kỳ vọng thành phố Hồ Chí Minh sẽ  đạt mức tăng trưởng gấp 1,3 lần tốc độ tăng trưởng chung của cả nước. Cơ bản đồng ý với các kiến nghị của thành phố Hồ Chí Minh, Thủ tướng cho biết, sẽ có văn bản thông báo kết luận của Thủ tướng về các kiến nghị này để triển khai.

Cùng ngày, nhân dịp kỷ niệm 73 năm Ngày Thương binh liệt sĩ (27/7/1947-27/7/2020), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đến thăm Bà mẹ Việt Nam anh hùng Lê Thị Cách, sinh năm 1927, trú tại phường Phạm Ngũ Lão; ông Trần Văn Đủ, sinh năm 1950, thương binh hạng ¼ trú tại phường Nguyễn Cư Trinh; bà Nguyễn Thị Bé, sinh năm 1957, vợ liệt sĩ tại phường Cầu Ông Lãnh, quận 1, thành phố Hồ Chí Minh.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Thành phố Hồ Chí Minh cần đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.