Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thủ tướng Nga thăm Pháp: Mở ra không gian đối thoại hiệu quả

Minh Hiếu| 26/06/2019 08:26

(HNM) - Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev vừa có chuyến thăm Pháp và hội đàm với người đồng cấp nước chủ nhà Edouard Philippe tại thành phố cảng miền Tây Le Havre. Đây được đánh giá là nỗ lực nổi bật của hai nước nhằm cải thiện quan hệ chính trị và hợp tác kinh tế song phương.

Thủ tướng Nga D.Medvedev (trái) và người đồng cấp Pháp E.Philippe.

Mối quan hệ giữa Pháp cũng như các nước khác trong Liên minh châu Âu (EU) với Nga đã trở nên căng thẳng sau khi Mátxcơva tuyên bố sáp nhập Crimea và ủng hộ phe ly khai ở miền Đông Ukraine. Các nước phương Tây liên tiếp áp đặt hàng loạt biện pháp trừng phạt nhằm gây sức ép toàn diện với xứ sở Bạch dương. Trong khi đó, mọi hoạt động tiếp xúc hiện có giữa hai nước lại thường bị phủ bóng bởi vấn đề Syria, khi Pháp bày tỏ lo ngại về tình hình nhân đạo của thường dân tại thành phố Idlib - nơi thường xuyên xảy ra các vụ ném bom dữ dội.

Truyền thông Pháp nhận định, đây là chuyến thăm và tiếp xúc cấp cao hiếm thấy giữa Paris và Mátxcơva. Thủ tướng D.Medvedev là nhà lãnh đạo cấp cao đầu tiên của Nga thăm Pháp kể từ chuyến công du của Tổng thống Nga Vladimir Putin đến Cung điện Versailles ở ngoại ô thủ đô Paris vào cuối tháng 5-2017, ngay sau khi Tổng thống Emmanuel Macron trở thành ông chủ Điện Elysee. Nội dung cuộc hội đàm của người đứng đầu chính phủ hai nước xoay quanh các cuộc khủng hoảng khu vực cũng như các vấn đề kinh tế, đồng thời cũng là một nỗ lực của Paris để bảo đảm rằng Mátxcơva vẫn thể hiện thiện chí và sẵn sàng tham gia vào các cuộc đàm phán có thể diễn ra nhằm hóa giải mâu thuẫn hiện nay.

Các nhà lãnh đạo Pháp luôn muốn tái khởi động mối quan hệ năng động và tiếp tục các cuộc đối thoại chiến lược với Nga, nhất là trong bối cảnh Pháp sẽ chủ trì Hội nghị Thượng đỉnh Nhóm 7 nền công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) được tổ chức tại vùng Biarritz vào cuối tháng 8 tới. Vào tháng 3-2014, Nga đã bị loại khỏi Nhóm G8 liên quan đến cuộc khủng hoảng Ukraine. Tuy nhiên, trong một cuộc phỏng vấn trên truyền hình vào ngày 13-6 vừa qua, Tổng thống Pháp E.Macron đã nhấn mạnh EU không nên quá phụ thuộc vào Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) mà hãy khôi phục quan hệ với Nga, đồng thời khẳng định rằng vai trò của Mátxcơva trong các vấn đề quốc tế không thể bị đánh giá thấp.

Bất chấp các lệnh trừng phạt, mối quan hệ kinh tế giữa hai nước vẫn tiếp tục được duy trì, xuất phát từ tiềm năng thực sự to lớn. Hàng nghìn doanh nghiệp Pháp có hoạt động làm ăn, kinh doanh tại Nga, tạo ra hàng trăm nghìn công ăn việc làm cho nước sở tại. 7 trong số 50 nhà đầu tư hàng đầu tại xứ sở Bạch dương mang quốc tịch Pháp. Đây là con số có ý nghĩa lớn trong bối cảnh nền kinh tế Nga phải chống chọi với sự bao vây, cô lập từ phương Tây. Hơn thế nữa, Pháp với tư cách là thành viên chủ chốt của EU cũng là điểm đến đầy hứa hẹn của các lĩnh vực mà Nga có thế mạnh như năng lượng hạt nhân, hàng không, vũ trụ.

Hiện Pháp là một thành viên của Bộ tứ Normandy, cơ chế được coi là hiệu quả nhất để giải quyết cuộc khủng hoảng ở Ukraine. Việc Mátxcơva và Paris xích lại gần nhau sẽ tạo điều kiện thúc đẩy hoạt động của cơ chế này và tác động tích cực tới vấn đề xung đột ở miền Đông Ukraine, vốn là nguyên nhân chính khiến phương Tây áp đặt trừng phạt Nga từ nhiều năm nay. Ngoài ra, hợp tác chặt chẽ với Nga cũng có thể giúp Pháp và Lục địa già đối phó hiệu quả hơn với những mối đe dọa và thách thức về an ninh.

Thủ tướng Pháp E.Philippe cho biết, các biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga không phải là một chế tài vĩnh viễn và có thể được dỡ bỏ “bất cứ lúc nào”. Vấn đề cốt lõi là sự cởi mở trong đối thoại để giải quyết những mâu thuẫn dẫn tới việc trừng phạt. Nếu cuộc gặp giữa Tổng thống Nga - Pháp hơn 2 năm trước được coi là sự kiện “phá băng”, thì cuộc hội đàm của người đứng đầu hai chính phủ là động thái mở ra một không gian đối thoại mới hiệu quả giữa xứ sở Bạch dương và đất nước hình lục lăng.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Thủ tướng Nga thăm Pháp: Mở ra không gian đối thoại hiệu quả

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.