Phát biểu khai mạc phiên tổng thể của Hội nghị về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng BĐKH, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ: “Chúng ta không hoảng hốt mà cần tìm ra lối đi, cách làm tốt nhất, khoa học nhất, phù hợp nhất...
Thủ tướng mong muốn các đại biểu là chuyên gia phản biện những vấn đề mà Chính phủ và các bộ trưởng đặt ra để thảo luận rồi tìm ra những giải pháp tốt nhất. Ảnh: VGP/Quang Hiếu |
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ cảm ơn các tổ chức, cá nhân, lãnh đạo các bộ, ngành và chuyên gia nổi tiếng cả trong nước và nước ngoài, nhất là các diễn giả quốc tế đến Việt Nam tham dự hội nghị, thể hiện sự quan tâm đối với hội nghị quan trọng này.
Thủ tướng đánh giá cao 3 cuộc hội nghị chuyên đề ngày hôm qua (26-9), với sự chỉ đạo trực tiếp của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ và Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng.
“Chúng ta đã thảo luận thẳng thắn, góp nhiều ý kiến cơ bản cho việc phát triển bền vững ĐBSCL trong điều kiện BĐKH diễn ra gay gắt”, Thủ tướng nhìn nhận.
Thủ tướng cho biết: “Tháng 7 vừa rồi tôi có đi thăm Hà Lan và cũng đi khảo sát vùng đồng bằng Hà Lan, có nơi ngập sâu cả mét nước và nằm dưới mực nước biển. Và hôm qua (26-9), tôi đi khảo sát dọc sông Hậu và bờ biển sạt lở của các tỉnh Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang. Tôi đã thấy thực tiễn đang đặt ra và thấy được thành công quan trọng của các giải pháp phi công trình và một số giải pháp công trình trong thích ứng với BĐKH. Đặc biệt, thấy được sự đa canh của bà con ta. Người dân đã thấy được, tự chuyển đổi, tự tổ chức lại sản xuất".
Tuy nhiên, theo Thủ tướng, nhìn một cách khái quát, nếu chúng ta không biết tổ chức tốt công việc, chúng ta phải trả giá đắt với thiên nhiên. Và hiện tượng mà chúng ta thấy là sự sạt lở bờ sông, bờ biển, nước biển dâng, sụt lún…, chủ yếu do con người tạo ra.
“Chúng ta không hoảng hốt mà cần tìm ra lối đi, cách làm tốt nhất, khoa học nhất, phù hợp nhất, trong đó đổi mới tư duy, hành động của hệ thống chính trị và người dân nhằm mang lại tốt hơn cho cuộc sống gần 20 triệu người dân cùng vượt qua thách thức để có một tương lai xán lạn. ĐBSCL sẽ là một khu vực giàu có của Việt Nam gần 100 triệu dân. Tôi lạc quan về ĐBSCL của chúng ta” - Thủ tướng nói.
Thủ tướng nhấn mạnh tiếp theo sự quan tâm của Đảng, Nhà nước qua các thời kỳ, hôm nay Chính phủ tiếp tục xác định tầm nhìn của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đối với vùng ĐBSCL là kiến tạo phát triển bền vững, thịnh vượng, trên cơ sở làm cho đất và nước điều hòa để nâng cao đời sống của nhân dân. Câu nói này Chủ tịch Hồ Chí Minh lúc sinh thời từng căn dặn.
Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cam kết với quyết tâm chính trị cao, kiến tạo cơ chế thuận lợi, huy động sự tham gia của mọi người dân, của doanh nghiệp và các đối tác quốc tế, huy động nguồn lực cần thiết có thể được, cụ thể hóa thành các hành động, thực hiện các sáng kiến, các nhiệm vụ, các giải pháp từ hội nghị này cho quá trình phát triển bền vững ĐBSCL với tầm nhìn hết thế kỷ này, biến thách thức thành thời cơ, chủ động sống chung với lũ…
“Tôi không cho rằng đây là nguy cơ, mà chỉ là thách thức”, Thủ tướng nhìn nhận và yêu cầu Hội nghị phải đưa ra được quyết sách mới có tính hệ thống chiến lược, đột phá về quan điểm phát triển, định hướng ưu tiên, quy hoạch phân vùng lãnh thổ, đề xuất được các cơ chế, chính sách phù hợp để huy động sự tham gia của các bên và toàn xã hội.
Các phương án, giải pháp phải khả thi, dễ vận dụng, có tính chất kết nối toàn vùng và liên vùng, tránh riêng rẽ, bị động, có biện pháp, giải pháp trước mắt và lâu dài nhằm bảo đảm cuộc sống của người dân vùng ĐBSCL ổn định phát triển, giữ gìn văn hóa vùng sông nước.
Tại phiên họp toàn thể cả ngày hôm nay, Thủ tướng đề nghị các vị đại biểu tiếp tục đóng góp ý kiến, đặc biệt đối với những vấn đề trọng tâm.
Một là, xác định rõ tất cả thách thức mang tính sống còn mà ĐBSCL đang đối mặt và phải vượt qua trong thời gian tới, trong đó cần có đầy đủ căn cứ khoa học, thực tiễn khách quan, có tính đến các kịch bản BĐKH và những tác động từ bên ngoài.
“Người ta nói là ĐBSCL sắp mất trong khoảng 50-70 năm nữa trong khi nhiều đồng bằng khác ở nhiều nước khác cũng bị tình trạng như ta, họ đã vượt lên, đã làm giàu hơn. Đó có phải là thực tiễn đối với Việt Nam không?”, Thủ tướng đặt vấn đề.
Hai là, Thủ tướng yêu cầu, trên cơ sở nhận định về các xu thế, thách thức và cơ hội, cần chỉ ra quan điểm chỉ đạo đối với việc định hình chuyển đổi mô hình phát triển, đặc biệt liên quan đến việc sắp xếp quy hoạch lại không gian lãnh thổ cho các tiểu vùng kinh tế sinh thái như nước mặn, nước ngọt, nước lợ, chuyển đổi cơ cấu sản xuất, lao động, kết cấu hạ tầng, định hướng đầu tư, bảo đảm sự phát triển tổng thể, kết nối trong toàn vùng, kết nối với TP Hồ Chí Minh, vùng kinh tế trọng điểm phía nam, bảo tồn những giá trị cơ bản, cốt lõi của vùng ĐBSCL.
Ba là, cần xác định đâu là các nhóm giải pháp cấp bách, chiến lược lâu dài, các chương trình, đề án, nhiệm vụ ưu tiên cụ thể, phù hợp với từng giai đoạn cụ thể, các xu thế biến đổi chính, tránh tình trạng manh mún, nhỏ lẻ, thiếu tính tổng thể, đồng bộ, kém hiệu quả như vừa qua.
Bốn là, hoàn thiện các cơ chế, chính sách pháp luật, tạo đột phá trong huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực, nhất là về đất đai, thuế, hỗ trợ đào tạo chuyển đổi nghề nghiệp, phát triển nhân lực, phát triển thị trường, khuyến khích hỗ trợ sự thu hút, sự tham gia tích cực của người dân, của doanh nghiệp trong và ngoài nước. Tinh thần là cái gì tư nhân làm được thì khuyến khích tư nhân bỏ tiền của ra làm, “cùng với một số hạ tầng, công trình mà chúng ta thấy bức xúc mà Nhà nước đảm nhận”.
Đồng thời phải huy động được sự tham gia hiệu quả của các đối tác quốc tế, đặc biệt là tăng cường sự hợp tác trong tiểu vùng sông Mekong cũng như gắn kết với việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc, Thỏa thuận Paris về BĐKH ở Việt Nam với khu vực và toàn cầu cũng như có giải pháp để tận dụng được những thành quả của cuộc cách mạng số, cách mạng công nghiệp lần thứ tư để ứng dụng vào mô hình chuyển đổi cho vùng ĐBSCL.
Năm là, cơ chế điều phối tổ chức thực hiện, theo dõi, giám sát, đánh giá đủ mạnh và hiệu quả để giúp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ theo dõi, giám sát quá trình triển khai các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra.
Thủ tướng cho biết, hiện nay, đã có một số tổ chức điều phối phát triển vùng ĐBSCL, trong đó có các tổ chức điều phối hoạt động về tài nguyên nước, biến đổi khí hậu, nên chăng Chính phủ xem xét kiện toàn lại các tổ chức này để thực hiện nhiệm vụ điều phối nói trên. Như thế, chúng ta đặt vấn đề không chỉ thành lập một quỹ phát triển ĐBSCL mà còn có tổ chức điều phối để theo dõi, đôn đốc, đề xuất những giải pháp, biện pháp kịp thời hơn.
“Chúng ta đang đặt vấn đề về nguồn lực nhưng nguồn lực quan trọng nhất là nguồn nhân lực, giáo dục đào tạo phải đặt ra đối với thích ứng BĐKH trong các trường đại học, kể cả trường kinh tế chứ không phải chỉ có trường đại học môi trường và một vài trường đại học nghiên cứu BĐKH...”, Thủ tướng lưu ý.
Sáu là, về phương pháp làm việc, Thủ tướng nêu rõ cần phát huy dân chủ, nói thẳng, nói thật, kể cả có tiếng nói ngược lại đối với một số quan điểm chỉ đạo của Chính phủ để cùng hợp tác để phát triển.
Thủ tướng mong muốn các đại biểu là chuyên gia phản biện những vấn đề mà Chính phủ và các bộ trưởng đặt ra để thảo luận rồi tìm ra những giải pháp tốt nhất.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.