(HNMO)- Sáng nay (17/11), bước sang buổi cuối cùng của phiên chất vấn và trả lời chất vấn, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc |
Theo sự phân công của chủ toạ, trong khoảng 20 phút đầu giờ làm việc sáng nay, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân có trách nhiệm giải trình, làm rõ hàng chục câu hỏi mà các đại biểu Quốc hội dành cho ông vào cuối buổi chiều 16/11.
Tiếp đó, từ 8h30' đến 11h10', Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trả lời chất vấn của đại biểu về những nội dung thuộc trách nhiệm của Thủ tướng Chính phủ liên quan đến các nhóm vấn đề đã chất vấn trong suốt hai ngày vừa qua.Trước khi trả lời trực tiếp các chất vấn của đại biểu, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã có báo cáo nhanh trong vòng 15 phút về các nội dung này.
Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng cảm ơn các ĐBQH đã thảo luận thẳng thắn, tâm huyết, trách nhiệm về các báo cáo của Chính phủ và đã thông qua các nghị quyết về phát triển kinh tế xã hội, ngân sách nhà nước năm 2017, kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế, đầu tư công trung hạn...
Thủ tướng cho biết, những tháng vừa qua, với quyết tâm xây dựng Chính phủ kiến tạo, phát triển, liêm chính, hành động phục vụ người dân, doanh nghiệp, Chính phủ đã quyết liệt triển khai Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng, các Nghị quyết của QH, tập trung khắc phục những hạn chế, yếu kém, những khó khăn, vướng mắc và giải quyết những vấn đề quan trọng, cấp thiết, nhất là hạn hán, xâm nhập mặn, ô nhiễm môi trường, an toàn thực phẩm, cải cách hành chính, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội...
Thủ tướng và các thành viên của Chính phủ đã tập trung chỉ đạo nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý điều hành, tăng cường kỷ luật, kỷ cương, kiểm soát chặt chẽ bảo đảm hiệu quả chi tiêu công, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong các cơ quan nhà nước và trong toàn xã hội, chống lợi ích nhóm, nhất là trong cổ phần hóa, đầu tư công, tăng cường chống tham nhũng...
Với phương châm nói đi đôi với làm, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo thành lập tổ công tác theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và của các cơ quan cấp trên, người đứng đầu từ trung ương đến địa phương; tập trung nghiên cứu, xử lý những vấn đề mang tính chiến lược vĩ mô, đồng thời giải quyết kịp thời những vấn đề cấp bách, bức xúc của xã hội, thực hiện tốt chức năng quản lý nhà nước, phục vụ hiệu quả các yêu cầu của người dân và DN.
Thủ tướng đã giải trình về nhiều vấn đề "nóng" với các ĐBQH. |
Nhờ nỗ lực của hệ thống chính trị, toàn dân, toàn quân và cộng đồng DN, dưới sự lãnh đạo của Đảng, đất nước ta đã đạt được kết quả quan trọng trên hầu hết các lĩnh vực như Chính phủ đã báo cáo tại phiên khai mạc Kỳ họp và nhiều đại biểu đã nêu.
Thủ tướng cũng đã báo cáo thêm với các ĐBQH về nhiều vấn đề, trong đó tập trung vào nợ công, nợ xấu, tái cơ cấu DN, bảo vệ môi trường, an toàn thực phẩm, đối ngoại, hội nhập quốc tế và phòng chống tham nhũng, lãng phí.
Sau phần giải trình của Thủ tướng, nhiều đại biểu QH đã đăng ký, đặt câu hỏi trực tiếp cho Thủ tướng.
Kiên quyết loại bỏ những cán bộ, công chức có hành vi không đúng ra khỏi bộ máy
ĐBNguyễn Thái Học (Phú Yên) nêu câu hỏi: Hiện cử tri rất quan tâm, lo lắng trước thực trạng kỷ cương, kỷ luật trong quá trình quản lý nhà nước chưa nghiêm, một bộ phận cán bộ bị tha hóa... Trong năm 2015, 75% công chức, 82% viên chức trên tổng số công chức, viên chức vi phạm có hành vi tham nhũng, tham ô, cờ bạc, sinh con thứ 3. Thủ tướng quyết tâm giải quyết vấn đề này như thế nào?
ĐBQH lắng nghe câu trả lời các chất vấn trực tiếp của Thủ tướng |
Trả lời câu hỏi của ĐB, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, Thủ tướng Chính phủ sẽ xử lý quyết liệt tình trạng thiếu kỷ cương, phép nước để tạo niềm tin trong toàn Đảng, toàn dân, trong công cuộc chống tiêu cực; kiên quyết loại bỏ những cán bộ, công chức có hành vi không đúng ra khỏi bộ máy.
Bên cạnh đó, theo Thủ tướng, để thực hiện nghiêm phép nước, cần giáo dục, rèn luyện đạo đức cho cán bộ, công chức, viên chức.
"Bác Hồ đã nói, cán bộ phải lấy đạo đức làm gốc. Chúng ta cần nghiêm trị các cá nhân, tổ chức vi phạm, thực hiện nghiêm chính sách chống thoái hóa, biến chất trong cán bộ, đảng viên. Đi liền với đó là vấn đề công khai, minh bạch, kiểm soát tốt quyền lực", Thủ tướng nói.
Thủ tướng cũng cho rằng, cần phải có cơ chế quản lý để hạn chế tình trạng xin – cho, song song với đó là tiếp tục gắn cải cách tiền lương với cải cách bộ máy. Đây là những việc cần thực hiện liên tục trong quá trình lãnh đạo, điều hành đất nước.
Mục tiêu tăng trưởng 6,7% là thách thức rất lớn với Chính phủ, nhưng phải nỗ lực thực hiện được
Trả lời chất vấn của ĐB Lê Quân (Hà Nội) về giải pháp đột phá trong việc giải quyết nợ xấu, Thủ tướng cho biết, để giải quyết vấn đề này, cần có khung thể chế pháp lý tốt hơn, nhất là khung pháp lý cho VAMC; bên cạnh đó là kiểm soát chặt chẽ, không để phát sinh nợ xấu mới, trong đó có kiểm soát đặc biệt đối với những ngân hàng được mua lại với giá 0 đồng. Theo Thủ tướng, giải quyết vấn đề nợ xấu cần có những biện pháp đồng bộ hơn. Đề án toàn diện xử lý nợ xấu đang được xây dựng và sẽ được báo cáo trong thời gian tới để “cục máu đông” nợ xấu này sẽ nhỏ dần đi, nền kinh tế vận hành được an toàn hơn.
Liên quan đến câu hỏi của ĐB Lê Quân về quan điểm của Việt Nam với tương lai Hiệp định TPP khi mà Hiệp định này có thể không nhận được sự đồng thuận của Tổng thống Mỹ mới đắc cử, Thủ tướng cho biết, Việt Nam đã chuẩn bị điều kiện cần thiết để tham gia TPP. Tinh thần chủ đạo là Việt Nam sẵn sàng tham gia Hiệp định bởi đây là việc tốt, nhưng dù tham gia hay không, Việt Nam vẫn sẽ là nền kinh tế tiếp tục hội nhập sâu rộng với kinh tế thế giới.
Đại biểu QH chất vấn Thủ tướng |
Với chất vấn của ĐB Trần Hoàng Ngân (TP HCM) về việc làm thế nào đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế giai đoạn 2016-2020 là 6,5-7%, đặc biệt năm 2017 đạt 6,7% trong bối cảnh Việt Nam còn khó khăn, giải pháp đảm bảo nền kinh tế giữ vững độc lập tự chủ khi hội nhập càng sâu, Thủ tướng cho biết, đúng là năm 2017, nước ta vẫn còn khó khăn nhưng nếu không đặt mục tiêu như vậy thì không thể giải quyết đủ việc làm cho người dân.
"Quy mô nền kinh tế của chúng ta còn nhỏ so với nhiều nước nên việc giải quyết việc làm là cần thiết. Đặt mục tiêu tăng trưởng 6,7% như Quốc hội đã thông qua là thách thức rất lớn với Chính phủ, nhưng trong bối cảnh hiện nay, chúng ta không còn cách nào hơn là phải phấn đấu cao hơn", Thủ tướng nói.
Thủ tướng cho rằng, có nhiều biện pháp cần nỗ lực để hiện thực hóa mục tiêu này, đó là các giải pháp về đầu tư, tiêu dùng, chi tiêu công..., đặc biệt, xuất khẩu phải đạt mức cao và các giải pháp phải được triển khai đồng bộ để người dân, doanh nghiệp hăng hái đầu tư sản xuất, tạo ra sản phẩm, đạt tốc độ tăng trưởng mục tiêu.
Về việc bảo đảm sự độc lập, tự chủ của nền kinh tế trong thời đại mới, Thủ tướng khẳng định, chúng ta hội nhập quốc tế sâu rộng nhưng luôn giữ vững độc lập, tự chủ về kinh tế. Độc lập, tự chủ kinh tế, theo Thủ tướng, trước hết là không phụ thuộc vào một thị trường, một đối tác, trong tình tình biến động, những vấn đề lớn của nền kinh tế như tiền tệ, năng lượng... vẫn được bảo đảm. Chúng ta đã có nhiều biện pháp để xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, trong đó có việc tái cơ cấu nền kinh tế, phát triển thế mạnh của Việt Nam về nông nghiệp hữu cơ, du lịch, CNTT..., qua đó phát triển kinh tế, mở rộng thị trường.
ĐB Trương Trọng Nghĩa |
Về vấn đề hàng rào kỹ thuật khiến doanh nghiệp sản xuất trong nước bị thua ngay trên sân nhà, đặc biệt trong bối cảnh nền kinh tế ngày càng hội nhập sâu rộng mà ĐB Triệu Thị Thu Phương (Bắc Kạn) và ĐB Trương Trọng Nghĩa (TP HCM) nêu, Thủ tướng hoàn toàn nhất trí và tiếp thu ý kiến này. Theo Thủ tướng, hàng rào kỹ thuật và luật pháp cần phù hợp để bảo vệ hàng hóa sản xuất trong nước, tiêu thụ trong nước.
Thủ tướng cho rằng, cùng với việc thực hiện tốt cuộc vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam thì việc xây dựng các tập đoàn, công ty, đặc biệt là công ty tư nhân để phát triển, sản xuất, tiêu thụ hàng hóa trong nước sản xuất ra là cần thiết. Đây là vấn đề cấp bách trong quá trình hội nhập.
Liên quan đến vấn đề tái cơ cấu nông nghiệp mà ĐB Trần Hoàng Ngân và ĐB Võ Thị Như Hoa (Đà Nẵng) cùng đặt ra, Thủ tướng Chính phủ cho biết, nông nghiệp Việt Nam là thế mạnh mà không phải nước nào cũng có. Để tái cơ cấu lĩnh vực này, cần tháo gỡ vấn đề hạn điền; đưa khoa học công nghệ vào sản xuất; đưa doanh nghiệp về nông thôn, phát triển thương mại, dịch vụ để giải quyết đầu ra; giải quyết vốn, tín dụng ưu đãi cho nông nghiệp tốt hơn nữa; thực hiện bảo hiểm sản xuất nông nghiệp...
Không sử dụng tiền thuế của dân để bù cho những dự án thua lỗ
ĐB Nguyễn Phi Thường (Hà Nội) nêu chất vấn về các biện pháp của Chính phủ nhằm khắc phục tình trạng tài sản công sử dụng lãng phí, kém hiệu quả.
"Chính phủ đã có báo cáo trước QH về 5 dự án thua lỗ lớn, Bộ trưởng Bộ Công thương có giải trình về vấn đề này. Tuy nhiên, nhiều đại biểu, cử tri vẫn quan tâm, lo lắng. Xin Thủ tướng khẳng định lại một lần nữa về vấn đề này, nêu quan điểm xử lý để cử tri, đồng bào yên tâm" - ĐB Thường đề nghị.
Trả lời câu hỏi của ĐB Nguyễn Phi Thường, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thừa nhận, việc sử dụng tài sản công từ đất đai, tài nguyên, trụ sở, xe cộ... còn nhiều lãng phí. Chính phủ đã có chỉ thị và Quốc hội cũng đang thảo luận để xây dựng luật quản lý vấn đề này.
"Trước mắt, chúng ta cần các giải pháp như có hệ thống tiêu chuẩn, định mức được công bố công khai, minh bạch để người dân biết và giám sát. Phải có hình thức khoán kinh phí, khoán xe công... Đơn vị nào, cơ quan nào để lãng phí tài sản công, người đứng đầu phải chịu trách nhiệm trước nhân dân, trước cấp trên. Tất cả những biện pháp nhằm sử dụng tiết kiệm tài sản công cần phải được thúc đẩy mạnh mẽ hơn trong thời gian tới", Thủ tướng khẳng định.
Toàn cảnh phiên chất vấn Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc |
Nêu quan điểm về 5 dự án lớn đang gặp khó khăn, vướng mắc, thua lỗ hiện nay, Thủ tướng cho biết, tinh thần là không sử dụng tiền thuế của dân để bù cho những khoản lỗ này. Việc xử lý sẽ được xem xét, kiểm tra, giải quyết kịp thời trong thời gian tới. Tinh thần là phải cắt lỗ, sử dụng hiệu quả dự án, nếu không sử dụng được thì cho phá sản... Đó là những biện pháp cần thiết để những khoản thua lỗ "đắp chiếu" này không là gánh nặng cho nền kinh tế.
Đối với từng dự án, Chính phủ sẽ xem xét cụ thể để sử dụng những tài sản đó một cách tốt nhất. Kết quả xử lý sẽ được báo cáo trước Quốc hội trong phiên họp tới.
Cùng nêu chất vấn Thủ tướng về các dự án lớn bị thất thoát, lãng phí còn có ĐB Trần Văn Minh (Quảng Ninh), ĐB Nguyễn Tiến Sinh (Hoà Bình).
Giải đáp các đại biểu, Thủ tướng cho biết, để xử lý "lỗ hổng" trong quản lý vốn nhà nước tại các DN, chúng ta có cơ chế quản lý DN nhà nước (DNNN) qua từng thời kỳ, lúc thuộc trách nhiệm của Thủ tướng Chính phủ, lúc thuộc bộ trưởng. Hiện Trung ương cho phép thành lập cơ quan quản lý vốn nhà nước tại DN để phát huy đồng vốn tốt nhất; cùng với đó là đẩy mạnh cổ phần hoá DNNN, không để thất thoát vốn nhà nước, tăng cường giám sát về vấn đề này. Tuy nhiên, cổ phần hoá DNNN không phải cổ phần hoá bằng bất cứ giá nào, có những tập đoàn, tổng công ty, Nhà nước vẫn phải nắm như điện, các ngân hàng thương mại lớn..
ĐB Nguyễn Tiến Sinh |
Trả lời băn khoăn của các ĐB Nguyễn Tiến Sinh (Hoà Bình), Nguyễn Thị Quyết Tâm (TP.HCM) về tình trạng có hay không việc Chính phủ chưa phối hợp hiệu quả với các đoàn thể chính trị xã hội, các đoàn thể nhân dân và chưa phát huy được vai trò giám sát của nhân dân trong phòng, chống tham nhũng nên hiệu quả đạt được chưa cao, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã nêu ra một số biện pháp để tăng cường công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí trong thời gian tới. Đó là phải thể chế hóa để không còn kẽ hở pháp lý, để những người có ý định không dám, không thể và không nên tham nhũng; cải cách hành chính để không còn cơ chế xin-cho, đặc biệt ở các lĩnh vực như ngân sách, xây dựng, đất đai; điều tra, truy tố, xét xử nghiêm minh những vụ việc tham nhũng, đối tượng tham nhũng; phối hợp tốt hơn nữa vai trò của các đoàn thể chính trị, MTTQ Việt Nam, vai trò của nhân dân, báo chí trong phát hiện, phòng, chống tham nhũng, tạo nên tinh thần phòng chống tham nhũng tích cực ở mọi tổ chức, mọi cá nhân, trong toàn xã hội.
Lấy cạnh tranh lành mạnh làm bước đột phá để bổ nhiệm người có tâm, có tài
ĐB Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) đặt vấn đề: Thời gian qua, xảy ra nhiều trường hợp bổ nhiệm người thân, người nhà làm cán bộ, bổ nhiệm cán bộ có nhiều khuyết điểm... và tất cả đều "đúng quy trình". Cử tri cho rằng, quy trình bổ nhiệm cán bộ có lẽ đang tồn tại nhiều bất cập, thậm chí không còn phù hợp nữa. Nghị định 04 của Trung ương ngày 31/10/2016 có nêu rõ: Việc đánh giá, bố trí, sử dụng cán bộ của Việt Nam còn cục bộ, một số cơ chế, chính sách đề bạt, bổ nhiệm cán bộ còn chưa công bằng. Đây là một kết luận rất chính xác. Là người lãnh đạo cao nhất của Chính phủ, Thủ tướng đang và sẽ có những hành động cụ thể nào, bước đột phá nào để có thể giải quyết vấn đề này? Làm sao để có thể bổ nhiệm người có tâm, có tầm, có tài, có đức, dù họ có ở đâu, xuất thân là con cháu ai?
ĐB Nguyễn Anh Trí |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.